Theo dự bảo báo cáo đánh giá tác động của kinh tế chia sẻ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình kinh tế chia sẻ có tác động tới công tác đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh của nền kinh tế.

Công ty cho vay tiền của Trung Quốc tìm cách sang Việt Nam, người dân đề cao cảnh giác

Lam Thanh | 06/12/2020, 18:20

Theo dự bảo báo cáo đánh giá tác động của kinh tế chia sẻ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình kinh tế chia sẻ có tác động tới công tác đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh của nền kinh tế.

Thúc đẩy tăng trưởng

Theo báo cáo, các loại hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Cụ thể là mang lại thu nhập và tăng thu nhập của dân cư, góp phần tăng tiết kiệm nội địa, tăng tích lũy tài sản, tạo nguồn vốn mới cho tăng đầu tư trong nền kinh tế.

kinh-te.jpg
Mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển nở rộ

Không chỉ các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ được hưởng lợi, mà mô hình này còn tạo hiệu ứng lan tỏa và mang lại thu nhập tăng thêm cho nhiều chủ thể kinh tế có liên quan.

Hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ về cơ bản là dựa trên các nền tảng kết nối, các sàn giao dịch ứng dụng công nghệ 4.0, hoạt động giao dịch trực tuyến, hiệu suất phân phối tài nguyên cao hơn kinh tế truyền thống, giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội.

Phát triển kinh tế chia sẻ có xu hướng tập trung vào các ngành nghiên cứu và sáng tạo, với sự xuất hiện ngày càng nhiều startup đổi mới sáng tạo. Mô hình này góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số mô hình kinh tế chia sẻ phát triển nhanh, gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống, tạo ra những tổn thất nhất định với kinh tế truyền thống.

Tác động bất lợi này đặt ra một vấn đề mà Nhà nước cần giải quyết trong quản lý kinh tế vĩ mô là làm thế nào để giảm thiểu những tổn thất cho kinh tế truyền thống trong quá trình thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam thời gian tới.

Nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế

Cũng theo báo cáo này, các loại hình kinh tế chia sẻ hình thành và phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số, góp phần nâng cao năng lực độc lập, tự chủ về công nghệ của nền kinh tế.

Trong mô hình kinh tế chia sẻ, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng là một bên tham gia quan trọng nhất, giữ vị trí trung tâm kết nối. Do đó, sự hình thành và phát triển nhiều doanh nghiệp trong nước cung cấp nền tảng công nghệ kết nối rất có ý nghĩa trong đảm bảo an ninh kinh tế.

Sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ tạo ra nhu cầu thị trường công nghệ mới ở trong nước, kích thích hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ trong nước, kích thích sản xuất các công nghệ trong nước đáp ứng đòi hỏi của thị trường, tạo ra vòng xoáy đi lên của sự phát triển và ứng dụng ngày càng phổ biến công nghệ tiên tiến.

Sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ cũng tạo hiệu ứng thúc đẩy sự gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu-thiết kế-ứng dụng các tiến bộ công nghệ.

Việc kết nối này thành một chuỗi sẽ giúp bổ sung cho nhau, tăng sức cạnh tranh trong mọi lĩnh vực, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra các sản phẩm ứng dụng, công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường kinh tế chia sẻ, đồng thời góp phần nâng cao năng lực độc lập, tự chủ về công nghệ của nền kinh tế.

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là một phương cách thích hợp và hiệu quả để nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế trước các “cú sốc” từ bên trong và bên ngoài, đồng thời giảm thiểu các tổn thương cho nền kinh tế và đời sống xã hội trước các “cú sốc” đó.

Tuy đại dịch COVID-19 chưa đi qua và chưa có đủ tư liệu, số liệu để chứng minh, đánh giá toàn diện và cụ thể, nhưng đến nay có thể sơ bộ nhận thấy, mô hình kinh tế chia sẻ có khả năng chống chịu, thích ứng tốt hơn trước các “cú sốc” và ít bị tổn thương hơn trước các “cú sốc” đó so với kinh tế truyền thống.

Nguyên nhân nằm ở chính trong các đặc tính và các ưu thế của mô hình kinh tế chia sẻ so với mô hình kinh tế truyền thống.

Các công ty cho vay tiền ngang hàng của Trung Quốc tìm cách sang Việt Nam

Sự phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ làm gia tăng nguy cơ mất an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Hệ thống dữ liệu hiện đang được các nhà cung cấp dịch vụ internet xuyên quốc gia, các nhà cung cấp nền tảng lớn lưu trữ tại hệ thống máy chủ đặt tại lãnh thổ quốc gia khác.

Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ và chưa hoàn thiện của hệ thống bảo mật khiến cho các loại hình kinh tế chia sẻ tiềm ẩn rủi ro, lộ ra lỗ hổng về an ninh mạng, đe dọa quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ có thể làm gia tăng mức độ lệ thuộc của hệ thống tài chính vào bên thứ ba là các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến rủi ro hệ thống, gia tăng nguy cơ mất an toàn tài chính quốc gia.

kt.jpg
Nguy cơ rửa tiền, mất an ninh mạng từ kinh tế chia sẻ

Sự phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ làm gia tăng nhanh các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, gia tăng nhanh các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Sự bùng nổ nhu cầu giao dịch thanh toán điện tử tạo áp lực và thách thức lớn với các tổ chức tài chính-ngân hàng trong nước nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và an ninh tài chính quốc gia.

Phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ cũng có thể làm gia tăng các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, gây bất lợi cho nền kinh tế và an sinh xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo P2P lending (cho vay ngang hàng) nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc đang tìm cách sang Việt Nam khi bị siết chặt ở quê nhà.

P2P lending là ứng dụng cho vay tiền online kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn, mà không cần thông qua ngân hàng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Indonesia... đang tăng cường quản lý hoạt động P2P lending. Trong bối cảnh này, các công ty nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Báo cáo cho hay hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ 2016. Đến nay có khoảng 100 công ty P2P lending bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số đang trong giai đoạn thử nghiệm như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan ... Trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam và nhìn nhận đây là thị trường có tiềm năng cho P2P lending phát triển.

Khung pháp lý hiện hành ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể với hoạt động P2P lending. Luật Đầu tư 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng không có quy định về hoạt động cho vay ngang hàng trong danh mục các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh hay trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay cũng không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động của đa phần các công ty trong lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính).

Điều này đang tạo rủi ro với các chủ thể tham gia thị trường kinh tế chia sẻ, trong đó có cho vay ngang hàng. Hiện các công ty hoạt động trong lĩnh này đều đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Đang có hiện tượng một số công ty P2P lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty cầm đồ, hoặc công ty cầm đồ hợp tác với hãng công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay.

Một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình kinh doanh chia sẻ P2P lending kiểu như vậy để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân…

Vì vậy, điều này tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an sinh xã hội. Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của các loại hình P2P lending, Fintech trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, đã và đang khiến các cơ quan Nhà nước phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát để phòng chống hiệu quả nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố...

Đặc biệt, hoạt động của các công ty P2P lending, Fintech hiện nay hầu hết chưa có quy định pháp lý điều chỉnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh do môi trường pháp lý chưa được đầy đủ.

Tình hình đó cũng tạo ra những thách thức rất lớn với công tác quản lý nhà nước về các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (open API)…

Bài liên quan
Kinh tế chia sẻ: Nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm, lũng đoạn
Một số mô hình kinh tế chia sẻ có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và “lũng đoạn”, dẫn tới độc quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty cho vay tiền của Trung Quốc tìm cách sang Việt Nam, người dân đề cao cảnh giác