5 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất cua sống của Việt Nam, có mức tăng nhập khẩu gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường và chính sách

Cua sống Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp 11 lần

Tin và ảnh: Tuyết Nhung 03/06/2024 09:55

5 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất cua sống của Việt Nam, có mức tăng nhập khẩu gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 3.6 cho biết tháng 5, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 870 triệu USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, những mặt hàng cá tra, mực, bạch tuộc tăng nhẹ. Riêng hàng tôm thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái.

cua-song.png
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cua sống lớn nhất của Việt Nam - Ảnh: Tuyết Nhung

Trong tháng 5, xuất khẩu cá ngừ tăng 36%, đạt trên 95 triệu USD. Trong đó, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 18%, đóng túi tăng đột phá gấp hơn 3,5 lần, cá ngừ loin/phi lê đông lạnh tăng 25% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gần hơn 7 lần so cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế tới hết tháng 5.2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92%, đạt trên 26 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất cua sống của Việt Nam, có mức tăng nhập khẩu gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các thành phẩm cua tuyết: thịt cua tuyết, cua tuyết tách vỏ, càng cua tuyết, và một phần nhỏ là cua đồng xay...

Xuất khẩu cá tra tăng 10% và xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loài cá khác đều tăng nhẹ 3% trong tháng 5. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về gần 755 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu cá biển giảm 3%, đạt 742 triệu USD, mực bạch tuộc đạt 236 triệu USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 5.2024, riêng xuất khẩu tôm giảm 1,5%, đạt 326 triệu USD, tuy nhiên lũy kế 5 tháng đầu năm vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 7% đạt 1,3 tỉ USD.

Dù chưa có bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng trưởng trong tháng 5 với mức tăng 5 - 26%, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ.

Tính tới cuối tháng 5, Mỹ vẫn dẫn đầu với mức tăng trưởng 13%, đạt 635 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3 - 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Chuyên gia của VASEP nhận định, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi khi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu tăng trở lại. Tồn kho thủy sản tại nhiều thị trường giảm, trong khi lạm phát dần được kiểm soát sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều quốc gia trong thời gian tới. Với nguồn cung ổn định, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng giá thủy sản có khả năng vẫn ở mức thấp.

"Vấn đề tồn kho và dư cung được kỳ vọng sẽ giảm dần và có chiều hướng thuận lợi hơn cho các nhà xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm, khi đó xuất khẩu có thể hồi phục trở lại nếu nút thắt về nguyên liệu hải sản và cả tôm, cá tra được cởi bỏ", chuyên gia VASEP nhận định.

Bài liên quan
Bạc Liêu: Thả hơn 6 triệu tôm giống về biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản
Ngày 26.3, tại cửa biển Nhà Mát, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức thả hơn 6 triệu con tôm giống về biển để tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Triển khai mạng Mạng lưới thông tin Cứu trợ khẩn cấp 18006132
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trung tâm Thông tin Nguồn lực tình nguyện Việt Nam (thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia) phối hợp với Mạng lưới Thông tin cứu trợ khẩn cấp (Emergency Rescue Information Network - ERIN) triển khai, vận hành "Tổng đài tiếp nhận thông tin cứu trợ khẩn cấp 18006132" từ ngày 12.9.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cua sống Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp 11 lần