Hãng tin Reuters cho biết cuộc đua trở thành Tổng thư ký NATO kế tiếp tuy diễn ra âm thầm nhưng lại đang nóng lên từng ngày.

Cuộc đua vào vị trí Tổng thư ký NATO diễn ra âm thầm nhưng 'nóng' lên từng ngày

Cẩm Bình | 27/05/2023, 11:00

Hãng tin Reuters cho biết cuộc đua trở thành Tổng thư ký NATO kế tiếp tuy diễn ra âm thầm nhưng lại đang nóng lên từng ngày.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 năm nay sau 9 năm giữ vị trí này. Nhiều nước thành viên muốn chọn ra người kế nhiệm ngay tại hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania giữa tháng 7 tới, thậm chí sớm hơn.

Lựa chọn gấp rút như vậy không cho toàn bộ 31 nước thành viên - từ thành viên lâu năm như Mỹ đến thành viên mới gia nhập như Phần Lan - đủ thời gian cần thiết để đạt đồng thuận. Họ có thể đề nghị Tổng thư ký Stoltenberg làm thêm 1 nhiệm kỳ.

Bất cứ ai kế nhiệm cũng phải đối mặt với thách thức kép: đảm bảo NATO cùng nhau hỗ trợ Ukraine nhưng cần tránh hành động leo thang khiến khối trực tiếp tham gia vào cuộc chiến hiện tại.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố ông thích công việc Tổng thư ký NATO. Tuy nhiên, một số nước chủ trương khối nên có nữ lãnh đạo nên Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nổi lên như ứng viên sáng giá.

Cuộc chạy đua trở thành Tổng thư ký NATO cực kỳ không rõ ràng, chủ yếu chỉ được bàn luận giữa các nhà lãnh đạo hoặc ngoại giao. Bàn luận diễn ra cho đến khi toàn bộ thành viên đạt đồng thuận.

Cựu quan chức cấp cao NATO Jamie Shea (phục vụ khối trong 38 năm) cho biết, các nhà lãnh đạo cần một chính trị gia giao tiếp tốt và là nhà ngoại giao lão luyện. Theo ông, giữ cho khối luôn đoàn kết, đồng thời luôn kết nối với tất cả nước thành viên để đảm bảo lo ngại của họ được giải quyết là phần quan trọng của chức vụ Tổng thư ký NATO.

nato.jpg
Không dễ tìm được người kế nhiệm Tổng thư ký NATO Stoltenberg - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Wallace và Thủ tướng Frederiksen

Nhiều nhà ngoại giao không xem Bộ trưởng Wallace là ứng viên sáng giá dù ông được kính nể rộng rãi trong khối. Một số nước ưu tiên nữ ứng viên hơn.

Không ít quốc gia muốn Tổng thư ký NATO nên là cựu thủ tướng hay cựu tổng thống để đảm bảo nhân vật này có ảnh hưởng chính trị ở cấp cao nhất. Ông Stoltenberg từng là Thủ tướng Na Uy.

Một vài nước - đặc biệt là Pháp - chủ trương tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO với Liên minh châu Âu (EU) nên hy vọng tân Tổng thư ký NATO là quan chức đến từ nước thành viên EU.

Thủ tướng Frederiksen đáp ứng tất cả tiêu chí nêu trên, nhưng bà từng tuyên bố không mặn mà với công việc Tổng thư ký NATO. Tuy vậy giới ngoại giao NATO tiết lộ nữ lãnh đạo hiện được cân nhắc một cách nghiêm túc.

Tên của Thủ tướng Frederiksen lần đầu được đề cập đến trên báo VG của Na Uy hồi tháng trước. Tuần qua, báo giới lại quan tâm nữ lãnh đạo vì Nhà Trắng thông báo bà sắp sang thăm vào đầu tháng 6.

Dù theo truyền thống nhân vật giữ chức Tổng thư ký NATO là người châu Âu, nhưng bất cứ ứng viên nào cũng cần nhận sự ủng hộ từ Mỹ – quốc gia giữ vai trò chủ chốt trong khối.

Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Mỹ chưa chọn ứng viên mà họ ủng hộ, tranh luận đang diễn ra.

Một số nước thành viên cho rằng nên giao vị trí cho ứng viên đến từ một quốc gia Đông Âu – khu vực ngày càng quan trọng với NATO.

Nếu Thủ tướng Frederiksen giữ chức, NATO sẽ có 3 tổng thư ký liên tiếp là người đến từ một quốc gia Bắc Âu.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng là ứng viên được xem xét. Tuy nhiên, giới ngoại giao đánh giá Thủ tướng Kallas quá "hiếu chiến" với Nga, Đức và muốn bà Leyen tiếp tục giữ chức vụ hiện tại; còn Phó thủ tướng Freeland không đến từ một nước châu Âu và Canada bị đánh giá chậm chạp trong chi tiêu quốc phòng.

Thủ tướng Rutte nói rõ ông không muốn làm vị trí này, trong khi Thủ tướng Sanchez còn đang phải lo nghĩ về cuộc tổng tuyển cử cuối năm nay.

Bài liên quan
Ngưỡng vũ khí hạt nhân bị hạ thấp: Nga đang tự vệ hay thách thức ‘lằn ranh đỏ’ của NATO?
Tổng thống Vladimir Putin hôm 19.11 đã ký phê duyệt bản cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, một động thái quan trọng trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Nga và phương Tây ngày càng leo thang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc đua vào vị trí Tổng thư ký NATO diễn ra âm thầm nhưng 'nóng' lên từng ngày