Các nhà quan sát kỳ vọng diễn đàn này sẽ phát lộ tư tưởng và vai trò của Mỹ cũng như Trung Quốc tại khu vực châu Á, vào lúc đang gia tăng căng thẳng giữa hai siêu cường.

Đối thoại Shangri-La 2022 bàn về an ninh châu Á

Bảo Vĩnh | 10/06/2022, 10:55

Các nhà quan sát kỳ vọng diễn đàn này sẽ phát lộ tư tưởng và vai trò của Mỹ cũng như Trung Quốc tại khu vực châu Á, vào lúc đang gia tăng căng thẳng giữa hai siêu cường.

shangrila.jpg

Theo báo The Straits Times ngày 10.6, Đối thoại Shangri-La 2022 diễn ra từ ngày 10 - 12.6, quy tụ 500 đại biểu của 42 quốc gia, trong đó hơn 60 bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao tham dự để phát biểu, tranh luận và tiến hành hàng trăm cuộc gặp bên lề sự kiện này do Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức ở Singapore.

Chủ nhiệm mảng châu Á của IISS, ông James Crabtree nói Đối thoại Shangri-La là nơi để các quan chức quốc phòng trình bày những giải pháp mang tính xây dựng cho các vấn đề của khu vực, “điều rất cần thiết vào lúc có sự suy giảm độ tin cậy và gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ”. Ngoài ra, diễn đàn cũng có sự chú ý đến những hệ lụy an ninh khu vực khi các quốc gia hồi phục sau dịch COVID-19 từng khiến hoãn tổ chức Đối thoại Shangri-La suốt 2 năm qua.

An ninh khu vực là chủ đề chính các cuộc gặp bên lề

Trong tuyên bố hôm 9.6, Bộ Quốc phòng Singapore (Mindef) nêu Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn mở và trung lập để trao đổi về các vấn đề an ninh, quốc phòng cùng các sáng kiến.

Theo lịch trình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ phát biểu đầu tiên trong ngày 10.6, đề cập khả năng Nhật thay đổi chiến lược, các quan điểm của khu vực về chiến tranh tại Ukraine và các thách thức an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày mai 11.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ phát biểu về chính sách quốc phòng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ phát biểu trực tuyến tại diễn đàn an ninh châu Á trong ngày này.

Ngày 12.6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa sẽ phát biểu quan điểm của Trung Quốc về trật tự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai vị bộ trưởng Mỹ - Trung cũng sẽ gặp bên lề, để bàn về sự tranh đua giữa hai siêu cường này, vào lúc hai bên có căng thẳng về nhiều vấn đề như Đài Loan, hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hai bộ trưởng Austin và Ngụy đã có trao đổi qua điện thoại hồi tháng 4, lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến Bắc Kinh phẫn nộ vì phát biểu Mỹ có thể can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công đảo tự trị Đài Loan.

Đối thoại Shangri-La từng là diễn đàn để hai nhà lãnh đạo quân sự Mỹ - Trung gặp và nỗ lực kéo giảm sự thù địch. Ví dụ năm 2019, ông Ngụy Phượng Hòa đã gặp quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.

Tại đối thoại lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cũng có kế hoạch gặp người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup và sẽ hội đàm 3 bên với ông Lee và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi, dù Nhật - Hàn không có kế hoạch nói chuyện song phương.

Các hãng tin Hàn Quốc còn đưa tin Bộ trưởng Lee sẽ gặp ông Ngụy để bàn việc CHDCND Triều Tiên gần đây phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều lo ngại các hành động của Triều Tiên có thể mở màn một cuộc thử lại vũ khí hạt nhân, sau thời gian tạm ngưng kể từ năm 2017.

Trong khi đó, có thể sẽ diễn ra cuộc gặp giữa ông Austin với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, sau việc báo Mỹ Washington Post đưa tin Trung Quốc bí mật lập một căn cứ hải quân ở Campuchia.

Mỹ và các đồng minh lo ngại việc Trung Quốc có kế hoạch lập thêm các căn cứ quân sự ở nước ngoài (như đã có ở Djibouti, châu Phi) bằng một căn cứ mới ở thành phố Sihanoukville trong vịnh Thái Lan và lân cận Biển Đông - một tuyến hàng hải chiến lược của thế giới.

Các lo ngại liên quan những tranh chấp địa chính trị là những chủ đề chính trong 7 phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La 2022, với bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen, trình bày các ý tưởng mới để đảm bảo ổn định khu vực.

3 điều đáng chú ý ở Đối thoại Shangri-La 2022

Phó giáo sư Dylan Loh ở khoa Chính sách công và các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nói dù khó thể kỳ vọng một kết quả tốt ở Đối thoại Shangri-La 2022, ông vẫn hy vọng sẽ đạt được một bước nhỏ trong việc phục hồi tuyến liên lạc - tiếp xúc giữa Mỹ với Trung Quốc.

Vị giáo sư nêu 3 điều đáng chú ý tại diễn đàn năm nay:

- Liệu sẽ có sự rõ ràng hơn trong chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn chưa được công bố đầy đủ cho đến nay.

- Liệu Trung Quốc có thể thuyết phục được các nước khi trình bày quan điểm riêng về một trật tự khu vực.

- Liệu phát biểu của Thủ tướng Nhật Kishida có nêu ra việc Nhật Bản sẽ giữ một vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực.

Ông Steven Okun, cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn McLarty Associates, đang sống ở Singapore, lưu ý việc các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã tỏ rõ chuyện “về phe” đối với cả hai chính phủ Mỹ - Trung.

Ông nói: “Chúng ta không muốn bị ép lựa chọn lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với bên này hoặc bên kia”. Theo ông, giới làm ăn cũng sẽ theo dõi Đối thoại Shangri-La 2022 để tìm hiểu quan điểm của các siêu cường, nhất là sau khi Mỹ lập Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi tháng 5, nhằm đối trọng sự hiện diện thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này.

Bài liên quan
Mỹ điều máy bay do thám căn cứ tàu ngầm Trung Quốc
Trang The EurAsian Times đưa tin không quân Mỹ triển khai máy bay RC-135U trinh sát bờ biển phía nam Trung Quốc ngay sau khi Úc và Canada cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc gây nguy hiểm cho máy bay trinh sát nước họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
1 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối thoại Shangri-La 2022 bàn về an ninh châu Á