Các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào tuần trước cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc tăng cường kiểm soát đảo tự trị.

Cuộc tập trận của Trung Quốc tạo ra 'thời kỳ mới' tại eo biển Đài Loan?

Hoàng Vũ | 08/08/2022, 18:13

Các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào tuần trước cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc tăng cường kiểm soát đảo tự trị.

dai-loan(1).png

Các nhà phân tích nhận định việc Bắc Kinh tập trận quân sự quy mô lớn quanh Đài Loan là nỗ lực bình thường hóa hành vi gây hấn và thay đổi hiện trạng bằng cách siết chặt quyền kiểm soát đảo tự trị đối với vùng biển và không phận.

John Culver, cựu quan chức CIA chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào một "kỷ nguyên mới", sau khi Bắc Kinh lần đầu thử nghiệm tên lửa bay qua không phận Đài Loan, cũng như cho thấy khả năng điều khiển hữu hiệu các vùng biển ở khu vực.

"Tôi không biết khi nào tình trạng này sẽ chấm dứt, có thể một hoặc ba ngày tập trận quanh Đài Loan, nhưng rõ ràng một thời kỳ mới đã bắt đầu. Những cuộc tập trận như vậy có thể trở thành một tiêu chuẩn mới mà Trung Quốc thường xuyên tiến hành", ông Culver nói.

Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật tại 6 khu vực xung quanh Đài Loan từ ngày 4 đến 7.8, động thái Bắc Kinh cho là để trả đũa cho chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tuần trước. Để bảo đảm an toàn, Đài Loan sẽ tiếp tục điều hướng máy bay và tàu thuyền tránh xa một khu vực nằm ngoài khơi bờ biển phía đông đảo cho đến hết ngày 8.8.

Các cuộc tập trận dự kiến ​​kết thúc ngày 7.8, song Chiến khu Đông bộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 8.8 tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung và huấn luyện bắn đạn thật ở hải phận và không phận xung quanh Đài Loan, tập trung vào các hoạt động chung chống tàu ngầm và biệt kích hải quân.

Amanda Hsiao, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Crisis Group, cho biết các cuộc tập trận trên nhằm tác động đến tính toán của lãnh đạo Mỹ và Đài Loan, đặc biệt để ngăn chặn các hành động bổ sung vốn được coi là làm suy yếu khả năng đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh.

"Các cuộc tập trận nhằm thiết lập một bình thường mới ở eo biển Đài Loan. Việc nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến là rất quan trọng và mới. Chúng thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hợp thức hóa sự hiện diện quân sự ở phía đông của giới tuyến, ngày càng gần hơn với Đài Loan", bà Hsiao nói với Nikkei Asia, đồng thời cảnh báo gia tăng nguy cơ xảy ra "một cuộc chạm trán hoặc tai nạn nguy hiểm ở eo biển Đài Loan" liên quan tới các hoạt động quân sự.

Từ hôm 4 đến 7.8, Trung Quốc đã điều hơn 110 máy bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (ADIZ) và vượt qua đường trung tuyến như một phần của cuộc tập trận, theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Cơ quan này cũng cho biết 41 tàu Trung Quốc đã vượt qua dải phân cách trong 3 ngày tính đến Chủ nhật tuần trước. Trung Quốc đã bắn 11 tên lửa đạn đạo Đông Phong vào các vùng biển phía bắc, đông và nam Đài Loan hôm 4.8. Trong các ngày liên tiếp đã triển khai máy bay không người lái đến các đảo Kim Môn của Đài Loan, nằm sát Trung Quốc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, phạm vi các cuộc tập trận của Trung Quốc đã lấn một phần vào lãnh hải của Đài Loan một cách nguy hiểm. Trung Quốc kêu gọi tất cả các tàu và máy bay nước ngoài tránh các khu vực mà họ chỉ định cho các cuộc tập trận. Một số nhà phân tích cho rằng đây là một "cuộc phong tỏa mang tính biểu tượng".

Enoch Wu, một cựu lính đặc nhiệm Đài Loan và là người sáng lập Liên minh Forward, tổ chức ủng hộ nhận thức rõ hơn về các vấn đề quốc phòng và an ninh, cho biết các cuộc tập trận đã gây bất ổn trong khu vực, làm gián đoạn thương mại và đi lại.

"Những hành động này mang tính cưỡng bức kinh tế cũng như đe dọa. Đây là một phần của mô hình hành động gây hấn leo thang của Trung Quốc đối với Đài Loan và các nước láng giềng. Vì lợi ích chung, các đối tác dân chủ của Đài Loan cần tăng cường liên minh quốc phòng, như một phương tiện duy nhất để gìn giữ hòa bình và đảm bảo ổn định cho khu vực", Wu nói.

Lee Hsi-min, người đã phục vụ trong hải quân Đài Loan hơn 40 năm và là tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Đài Loan từ năm 2017 đến năm 2019, nhận định rằng vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có bình thường hóa mức độ hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan hay không.

"Các vụ thử tên lửa và tập trận bao vây Đài Loan là chiến thuật cưỡng chế 'vùng xám' và không nhằm mục đích phong tỏa. Bắc Kinh muốn chứng tỏ Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát các vùng biển xung quanh", cựu quan chức phòng vệ Đài Loan nói với Nikkei Asia.

"Bằng cách siết chặt Đài Loan, Trung Quốc muốn nói với Mỹ và thế giới rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với Đài Loan và thế giới không thể làm gì với điều đó", Lee nói thêm.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã cảnh báo rằng Đài Loan sẽ không kích động xung đột nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình. "Chúng tôi bình tĩnh và không nóng nảy, chúng tôi có lý trí và không khiêu khích, nhưng chúng tôi cũng sẽ kiên quyết và không trốn tránh. Đài Loan sẽ không bao giờ bị đánh gục bởi những thách thức", bà nói trong một tuyên bố.

Trong khi đó, đảng đối lập Quốc dân đảng - theo truyền thống thân cận với Bắc Kinh hơn đảng cầm quyền Dân chủ tiến bộ của bà Thái - cũng lên án các cuộc tập trận của Trung Quốc, nói rằng chúng đang "đe dọa an ninh của Đài Loan".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
7 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc tập trận của Trung Quốc tạo ra 'thời kỳ mới' tại eo biển Đài Loan?