HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt Phạm Trung Kiên tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng lĩnh án 16 năm tù với cùng tội danh.
Chiều 28.7, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiến hành tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Theo đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) và Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự) bị phạt tù chung thân về cùng tội danh.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) bị HĐXX tuyên phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo còn lại bị HĐXX tuyên phạt mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
>> Mức án cụ thể của 54 bị cáo
Hành vi nguy hiểm cho xã hội
Theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan ban ngành. Ngoài ra, các bị cáo còn lợi dụng chính sách nhân đạo của nhà nước để mang lại lợi ích cho cá nhân.
HĐXX nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi nhận hối lộ xảy ra ở nhiều địa phương, bộ ngành khác nhau cho thấy các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định công vụ, nhận tiền từ các đại diện doanh nghiệp, gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong vụ án này, HĐXX cho rằng có nhiều bị cáo giữ chức vụ cao và quan trọng trong các bộ ban ngành nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) đã nhận tiền để “chạy án”, HĐXX nhận định đây là hành vi đáng lên án; dù bị cáo đã khắc phục hết nhưng cũng cần áp dụng mức án nghiêm khắc để mang tính răn đe và phòng ngừa chung. Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) đã lợi dụng chức vụ vị trí công tác để chiếm đoạt tiền của bị hại nên cần có đường lối xử lý nghiêm khắc.
Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” bị áp dụng tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên”, “lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội”… Các bị cáo còn lại chịu tình tiết tăng nặng theo như quan điểm trước đó của VKS.
Xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án này, HĐXX nhận định ngoài Hoàng Văn Hưng và Trần Minh Tuấn, các bị cáo khác đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Cụ thể, Phạm Trung Kiên đã khắc phục trên 42 tỉ đồng, Nguyễn Thị Hương Lan nộp hơn 1,2 tỉ đồng và đề nghị dùng các tài sản bị kê biên để khắc phục hậu quả… Một số bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tích cực hợp tác với CQĐT để làm sáng tỏ vụ án”, “có nhiều thành tích trong công tác”…
Hoàng Văn Hưng không thành khẩn, không ăn năn
Căn cứ tính chất mức phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, theo HĐXX, mức án tử hình mà VKS đề nghị đối với Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) là tương xứng. Nhưng tại phiên tòa, HĐXX xét thấy bị cáo đã thành khẩn khai nhận, tác động tới gia đình khắc phục hậu quả, đến nay đã khắc phục trên 42 tỉ đồng. Trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, HĐXX cho rằng không cần thiết phải loại trừ vĩnh viễn bị cáo.
Đối với những bị cáo tại Cục Lãnh sự, theo HĐXX, các bị cáo đã nhận tiền nhiều lần, số tiền lớn, gây ảnh hưởng tới đơn vị công tác và gây bức xúc trong nhân dân nên cần mức án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan là người đứng đầu đơn vị nhưng lại để xảy ra hành vi nhận hối lộ có hệ thống. Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực tác động tới gia đình để khắc phục hậu quả nên HĐXX ghi nhận tình tiết này.
Đối với Hoàng Văn Hưng, HĐXX nhận định Hưng đã có hành vi lừa đảo số tiền lớn; tại phiên tòa bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn nên cần có mức án cao hơn mức đề nghị của VKS mới đủ sức phòng ngừa chung.
Trong vụ án này, HĐXX xét thấy doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, là nạn nhân của "văn hóa phong bì" nên có thể xem xét giảm hình phạt cho bị cáo này.