Một bé trai 4 tháng tuổi bị ổ áp xe sâu hiếm gặp ở trẻ em, gây sốt kéo dài mà tìm kiếm ở các vị trí thông thường không phát hiện được ổ nhiễm trùng.
Thông tin Y học

Cứu sống bé trai 4 tháng tuổi có ổ áp xe sâu hiếm gặp

Hồ Quang 20:32 02/04/2024

Một bé trai 4 tháng tuổi bị ổ áp xe sâu hiếm gặp ở trẻ em, gây sốt kéo dài mà tìm kiếm ở các vị trí thông thường không phát hiện được ổ nhiễm trùng.

Ngày 2.4, BS-CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay vừa tiếp nhận và cứu sống một bé trai 4 tháng tuổi bị một áp xe sâu nằm sau phúc mạc ổ bụng. Đây là một ví trí áp xe hiếm gặp mà các bệnh viện khác không phát hiện được.

cuu-song-be-trai-4-thang-tuoi-o-dong-thap-co-o-ap-xe-sau-nam-o-noi-hiem-co-hinh-anh.png
Bé trai T.V.Kh. (4 tháng tuổi, quê Đồng Tháp) điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố - Ảnh: BVCC

Bệnh nhi này là bé trai T.V.Kh. (4 tháng tuổi, quê Đồng Tháp). Trước nhập viện, bệnh nhi bị sốt cao kéo dài 5 ngày, bú kém, nhưng không ho, không khó thở, tiêu tiểu bình thường. Người nhà tự mua thuốc cho bệnh nhi uống trong 2 ngày liên tiếp nhưng không giảm nên chuyển đến một bệnh viện ở địa phương.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi sốt cao. Sau khi tiến hành xét nghiệm bạch cầu thì phát hiện bạch cầu tăng cao 40.000/microL (bình thường bạch cầu ở lứa tuổi này 7000-12000/microL), Procalcitonin trên 100 ng/ml (bình thường dưới 0,5 ng/ml). Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết – viêm màng não và tiến hành điều trị kháng sinh rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

Bác sĩ Tiến cho biết, tình trạng bệnh nhi lúc này là người lừ đừ, sốt cao 39,5 độ C, chi mát, CRT 3-4 giây, mạch nhẹ 186 l/ph, tim đều, thở đều co lõm nhẹ 46 l/ph. Phổi trong, không rale, bụng mềm, thóp phẳng, không xuất huyết da niêm, không hồng ban tay chân.

Các bác sĩ tiến hành thực hiện nhiều kỹ thuật cận lâm sàng như: xét nghiệm bạch cầu, chọc dò dịch não tủy, siêu âm bụng, CT scan bụng có tiêm thuốc cản quang…

Kết quả cho thấy, bệnh nhi có chỉ số bạch cầu cao, lên đến 43.000/microL, CRP: 171 mg/L (bình thường dưới 5mg/L); có ổ dịch lớn lan từ bờ phải gan đến bờ phải trực tràng, dịch nhiều lợn cợn hồi âm kèm dày thâm nhiễm mỡ rải rác; áp xe đa ổ trong bụng và giữa các lớp cơ vùng bẹn đùi phải, phân biệt với Lymphangioma bội nhiễm.

Bệnh nhi nhanh chóng được hỗ trợ thở oxy, truyền dịch chống sốc, kháng sinh phổ rộng và tiến hành phẫu thuật.

“Chúng tôi rạch da vào phúc mạc kiểm tra thấy ổ bụng sạch, có ít giả mạc ở vùng rãnh đại tràng phải và dưới gan phải. Mở khoang sau phúc mạc kiểm tra thấy có nhiều mủ đục trào ra, ổ mủ rất to kéo dài từ hố thận phải đến vùng hố chậu, có nhiều vách thông nhau. Ê kíp mổ tiến hành bơm rửa sạch ổ mủ, phá các ngóc ngách, đặt dẫn lưu ổ mủ, cấy mủ mọc ra vi khuẩn gram âm có tên Escherichia Coli - một trong những tác nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ”, bác sĩ Tiến cho biết.

Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi cải thiện dần, hết sốt, tỉnh táo, bú khá, xét nghiệm máu số lượng bạch cầu, CRP trở về bình thường.

“Đây là trường hợp áp xe sâu hiếm gặp ở trẻ em, gây sốt kéo dài mà tìm kiếm các vị trí thông thường không phát hiện được ổ nhiễm trùng như: vùng tai mũi họng, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu,… Lúc đó cần tìm các vị trí nhiễm trùng ở sâu trong ổ bụng trong, hoặc ngoài phúc mạc thông qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ”, bác sĩ Tiến nói.

Bài liên quan
Sóc Trăng: Bé trai bị ngạnh cá tra đâm vào lồng ngực
Ngày 8.2, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng cho biếtvừa phẫu thuật cấp cứu thành công một bệnh nhi bị ngạnh cá tra đâm vào lồng ngực.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Tính đến 17 giờ ngày 7.9, bão số 3 đã làm 4 người chết, 78 người bị thương và gây mất điện diện rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu sống bé trai 4 tháng tuổi có ổ áp xe sâu hiếm gặp