Hơn 1 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, trong đó 3 chủng đã ghi nhận trong cộng đồng.

Đã có 4 biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện tại Việt Nam

P.V | 13/02/2021, 16:08

Hơn 1 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, trong đó 3 chủng đã ghi nhận trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia SARS-CoV-2, vi rút này liên tục đột biến và tạo ra những biến chủng mới. Hơn 1 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, trong đó 3 chủng đã ghi nhận trong cộng đồng.

vi-rut-sars-cov-2.jpg
Vi rút SARS-CoV-2 được các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) phân lập trên bệnh nhân tại Việt Nam - Ảnh: NIHE

Sau hơn 1 năm kể từ khi được phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã lan ra khắp thế giới, với số ca mắc lên tới hơn 108 triệu người, số ca tử vong là 2,4 triệu. Không những thế, sau hơn 1 năm, chủng vi rút này cũng liên tục biến đổi với tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao hơn, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn và có khả năng lây qua không khí thay vì qua tiếp xúc gần từ người sang người như lúc ban đầu.

Tại Việt Nam, đến nay đã xuất hiện 4 biến chủng mới của SARS-CoV-2, gồm biến chủng mới từ Anh, Nam Phi, Rwanda (châu Phi) và biến chủng gây chùm ca bệnh ở Đà Nẵng.

D614G: Biến thể SARS-CoV-2 gây dịch tại Đà Nẵng

xet-nghiem-sars-cov-2-tai-da-nang.jpg
Công tác lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng - Ảnh: CAND

Ngày 25.7.2020, Việt Nam đã ghi nhận thêm các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, kết quả phân tích nguồn gen của vi rút từ các bệnh nhân ở Đà Nẵng cho thấy đây là chủng vi rút mới xuất hiện ở Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định vi rút được phát hiện tại Đà Nẵng tương tự chủng vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan ở các quốc gia khác vào tháng 7, là chủng D614G.

Chủng này đã xuất hiện ở châu Âu từ đầu năm 2020, sau đó trở thành chủng vi rút phổ biến nhất thế giới. Các phân tích chỉ ra rằng, chủng D614G tồn tại ở hơn 70% ca nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận trên toàn thế giới, chiếm tỷ lệ gần 100% tại châu Âu.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân tích, giải mã trình tự gen vi rút SARS-CoV-2 trên mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân mắc mới. Kết quả cho thấy vi rút SARS-CoV-2 đã biến đổi gen, tăng khả năng bám dính vào cơ thể cũng như khả năng lây nhiễm, làm lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực.

B.1.1.7: Biến thể SARS-CoV-2 từ Anh gây dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh

hai-duong-xet-nghiem-sars-cov-2.jpg
Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng

Sáng 2.1.2021, Bộ Y tế đã công bố Việt Nam phát hiện biến thể của SARS-CoV-2 tại Việt Nam là biến thể B.1.1.7 hoặc VOC 202012/01, là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Theo đó, ngày 22.12.2020, sân bay Cần Thơ tiếp nhận chuyến bay VN50 từ Anh tới Việt Nam có 305 hành khách, chuyển cách ly tập trung tại tỉnh Trà Vinh 147 người, Vĩnh Long 137 người, TP.Cần Thơ 17 người và TP.HCM 4 người.

Ngay sau đó, Viện Pasteur TP.HCM đã đánh giá, phân loại và giải trình tự gen. Kết quả đã ghi nhận 1 trường hợp, là BN1435 nhiễm chủng vi rút SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01. Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời, chủng gây bệnh cho BN 1435 cũng có đột biến D614G, vốn là chủng làm dịch lây lan nhanh.

Hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh, bệnh nhân là người nhập cảnh nhiễm biến thể của Anh đã có 4 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và được xuất viện vào ngày 29.1 vừa qua.

Gần đây nhất, sau khi đợt dịch COVID-19 mới bùng phát ở Hải Dương và Quảng Ninh, ngày 2.2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm và giải trình tự gen vi rút SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 ở 2 ổ dịch cộng đồng đang bùng phát mạnh tại 2 địa phương này. Kết quả, biến thể Anh chủng B.1.1.7 xuất hiện tại Anh vào tháng 12.2020 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây, đã được tìm thấy trên các bệnh nhân ở Hải Dương và Quảng Ninh.

Đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu. Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng vi rút tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn, tỉ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, qua phân tích tình hình dịch tễ, vụ dịch bùng phát lần này khó khăn, phức tạp hơn và khác so với đợt dịch tại Đà Nẵng bởi tốc độ lây nhiễm của vi rút rất cao. Ông Nguyễn Thanh Long cho biết ở các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày với chu kỳ lây rất rõ ràng, nhưng lần này chu kỳ lây ngắn hơn.

Trong khi đó, thời gian khởi phát của bệnh cũng rất nhanh. Ở các đợt dịch trước, bệnh nhân phải mất 5-7 ngày ủ bệnh nhưng đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ 2 đã xuất hiện vi rút vùng hầu họng, từ đó, khả năng nhân lên của vi rút và đào thải mầm bệnh rất cao.

"Hiện vi rút lây qua không khí với hệ số lây nhiễm cao. Ở đợt dịch trước đây, vi rút SARS-CoV-2 lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, vi rút lây theo đường không khí. Trước đây, chuyên gia tính toán một người có thể lây cho 4-5 người, nhưng giờ một người có thể lây cho hơn 10 người", ông Long phân tích.

B.1.351: Biến thể SARS-CoV-2 từ Nam Phi ghi nhận từ chuyên gia nhập cảnh

vin-kit.jpg
Bộ VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR đã tăng tốc độ xét nghiệm lên gấp 2 lần so với các bộ Kit đang có trên thị trường - Ảnh: VGP

Sáng 31.1, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thông tin kết quả giải trình tự gen các ca COVID-19 khu vực phía Bắc đã phát hiện bệnh nhân nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi. Trường hợp này là chuyên gia Nam Phi, nhập cảnh vào Việt Nam.

Biến thể mới tại Nam Phi có tên B.1.351, lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10.2020 và được công bố vào tháng 12.2020. Đến nay, biến chủng này đã ghi nhận tại 30 quốc gia trên thế giới. Vào ngày 28.1.2021, Mỹ lần đầu tiên ghi nhận biến thể này ở 2 người không có lịch sử du lịch Nam Phi.

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 20-200% so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay.

Biến thể này có một số điểm tương đồng với biến thể lần đầu tiên được xác định ở Anh và dường như cũng dễ lây lan hơn, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn. Đáng lưu ý, biến chủng mới cũng làm giảm khả năng bảo vệ của vắc-xin. Thử nghiệm mới nhất cho thấy hiệu quả bảo vệ của 2 vắc-xin của Mỹ là Novavax với chủng mới ở Nam Phi chỉ còn 60%, trong khi hiệu quả với các chủng khác là 90%.

A.23.1: Biến thể SARS-CoV-2 từ Rwanda, châu Phi ghi nhận tại TP.HCM

lay-mau-tai-tsn.jpg
Lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: TN

Chiều 12.2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) đã có kết quả giải mã bộ gen chủng vi rút SAR-CoV-2 của bệnh nhân 1979 và 2 ca bệnh thuộc tổ bốc xếp, sân bay Tân Sơn Nhất (được Bộ Y tế công bố sáng 8.2).

Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy, cả 3 bộ gen SARS-CoV-2 thu nhận được đều thuộc chủng A.23.1. Chủng này được phát hiện lần đầu tiên tại Rwanda, châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10.2020.

Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Mỹ, UAE, Úc, một số nước ở châu Âu trong đó có Anh và Đan Mạch. Hiện nay, chưa thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này.

Theo giới chuyên môn, đặc tính của vi rút SARS-CoV-2 là liên tục biến đổi. Vi rút có thể biến đổi khi chúng tạo ra các bản sao của chính mình sau khi lây nhiễm. Đến nay, trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã giải mã trình tự hơn 500.000 bộ gen của vi rút SARS-CoV-2 và xác định được hàng ngàn biến thể. Hầu hết các đột biến là không có nhiều ý nghĩa, nhưng có một số đột biến có thể làm cho vi rút dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc kháng vắc-xin và kháng thuốc điều trị.
Trong số những biến thể được ghi nhận, các chuyên gia y tế chủ yếu lo ngại về 3 biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil vì tốc độ lây lan nhanh và dễ hơn. Hiện các nghiên cứu đang được tiến hành để xem các biến thể này có gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn chủng SARS-CoV-2 ban đầu hay không.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
một giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã có 4 biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện tại Việt Nam