Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới (kể cả các nền kinh tế lớn) đều sụt giảm xuất khẩu và có xu hướng quay về các biện pháp bảo hộ, thì có lẽ cũng đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lại một cách nghiêm túc mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của mình.

Đã đến lúc Việt Nam cần xem lại mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu

Nhàn Đàm | 01/08/2016, 10:35

Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới (kể cả các nền kinh tế lớn) đều sụt giảm xuất khẩu và có xu hướng quay về các biện pháp bảo hộ, thì có lẽ cũng đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lại một cách nghiêm túc mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của mình.

Nửa đầu năm 2016 là khoảng thời gian có nhiều biến động đối với nền kinh tế Việt Nam. Liên tiếp những sự kiện có tác động tiêu cực xảy ra đối với nền kinh tế từ thiên tai hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm biển ở bốn tỉnh miền Trung, cho tới sự sụt giảm đáng kể của xuất khẩu đã khiến cho tốc độ tăng trưởng của nửa đầu năm thấp hơn nhiều so với dự kiến, chỉ đạt 5,6%.

Ngoài những sự cố có thể xem như bất ngờ và bất khả kháng như thiên tai hạn mặn ở miền Nam và sự cố ô nhiễm biển ở miền Trung, thì lý do chủ yếu khiến tốc độ tăng trưởng giai đoạn 6 tháng đầu năm 2016 nhỏ hơn dự kiến là do sự sụt giảm tương đối mạnh của xuất khẩu – vốn được coi là mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam trong hàng chục năm qua. Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới (kể cả các nền kinh tế lớn) đều sụt giảm xuất khẩu và có xu hướng quay về các biện pháp bảo hộ, thì có lẽ cũng đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lại một cách nghiêm túc mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của mình.

Những con số thống kê về tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 trong tương quan với số liệu các năm trước đang cho chúng ta một bức tranh khá toàn cảnh về tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính đến giữa tháng 7.2016 chỉ còn tăng 6,5% so với cùng kỳ 2015. Trong khi đó, mức tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2010 lên tới 17,2%/năm, còn mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2011 - 2015 cũng lên tới 18%/năm.

So sánh với mức tăng trưởng bình quân hàng năm của giai đoạn 10 năm trước, rõ ràng mức tăng trưởng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay của Việt Nam là đáng báo động, khi nó thấp hơn khá nhiều. Và chính vì sự sụt giảm khá mạnh của tăng trưởng xuất khẩu này là một trong những lý do hàng đầu khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với dự kiến.

Có nhiều yếu tố có thể lý giải cho sự sụt giảm trầm trọng này. Trước hết, kinh tế thế giới phục hồi chậm đang là nguyên nhân hàng đầu tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam, do nhu cầu nhập khẩu của nhiều nền kinh tế trên thế giới sụt giảm. Ngoài Việt Nam thì hầu hết các quốc gia mạnh về xuất khẩu ở châu Á như Hàn Quốc hay Thái Lan cũng sụt giảm khá mạnh trong các lĩnh vực xuất khẩu của mình do thị trường thế giới suy trầm. Ngoài ra nhiều quốc gia cũng đang gia tăng các biện pháp rào cản kỹ thuật, yêu cầu các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và xuất xứ, khiến xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn.

Tuy nhiên, nếu đánh giá kỹ hơn, thì mọi chuyện lại không hoàn toàn như vậy. Trước hết, sự sụt giảm xuất khẩu của một số cường quốc xuất khẩu như Hàn Quốc hay Thái Lan là do sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, vì tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc của các nước này khá lớn. Trong khi Việt Nam thì không, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; Trung Quốc chỉ là đối tác xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm giảm không đáng kể.

Trên thực tế, phần lớn các nguyên nhân khiến cho xuất khẩu Việt Nam sụt giảm trong 6 tháng đầu năm nay lại đến từ các lý do trong nước. Trong đó, một phần lớn là do Nhà nước và Chính phủ không có nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu trong khi những rào cản về thuế phí, chính sách cũng như pháp lý lại đang có xu hướng tiếp tục khiến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo “báo cáo doanh nghiệp Việt Nam 2015” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố vào tháng 6.2016 thì các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng teo nhỏ về quy mô hoạt động. Cụ thể, trong giai đoạn 2007 - 2015, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh hơn so với số lượng lao động đã dẫn đến thu hẹp quy mô doanh nghiệp về lao động. Số lao động bình quân trong một doanh nghiệp đã giảm từ mức 49 lao động năm 2007 xuống còn 29 lao động năm 2015. Thiếu những chính sách hỗ trợ xuất khẩu cần thiết từ phía Nhà nước và Chính phủ, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh không được cải thiện khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề trong 6 tháng đầu năm.

Một lý do khác, thậm chí còn quan trọng hơn, đến từ cơ cấu các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong số 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm, thì phần lớn đều là các ngành mà khối FDI chiếm đa số, và chủ yếu lại là các lĩnh vực thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp. Chẳng hạn, hai nhóm hàng xuất khẩu có tỷ trọng lớn nhất là điện thoại và linh kiện (chiếm 20,6%) và hàng dệt may (chiếm 13,2%) đều thuộc diện này.

Đặc điểm chung của các ngành hàng này là thâm dụng lao động đơn giản và có giá trị gia tăng thấp, nhưng lại chịu tác động rất lớn từ sự biến động về chi phí gia công như tăng tiền lương tối thiểu hay phí công đoàn và bảo hiểm xã hội… và sẽ tác động mạnh tới chi phí sản xuất và sức cạnh tranh. Đó là lý do giải thích vì sao xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam bị mất khá nhiều đơn hàng trong các lĩnh vực như dệt may với quy mô lớn trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm, do sự gia tăng về chi phí nhân công và các chi phí đi kèm.

Vì thế, đây có lẽ là thời điểm cần thiết để Việt Nam xem xét lại một cách nghiêm túc chính sách tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong nhiều năm qua của mình. Đúng là vẫn còn khá nhiều dư địa để Việt Nam có thể cải thiện khả năng xuất khẩu của mình; tuy nhiên việc tiếp tục lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có thực sự là việc nên làm hay không. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng nền kinh tế quá phụ thuộc vào khu vực FDI, cũng như những hệ lụy môi trường kinh hoàng từ việc thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá mà Việt Nam phải hứng chịu trong thời gian qua, đều xuất phát từ chính sách tăng trưởng dựa vào xuất khẩu bằng mọi giá của chính chúng ta.

Quá chú trọng xuất khẩu đã khiến Việt Nam vội vã thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá bất chấp những hệ lụy nguy hiểm về lâu dài, trong khi bỏ quên việc hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đồng thời bỏ ngỏ nền kinh tế nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Việc chú trọng xuất khẩu cũng như chú trọng vào tự do thương mại không đồng nghĩa với việc lãng quên xây dựng nền kinh tế nội địa.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan
Chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động đến xuất khẩu cá tra Việt Nam
Với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết" hay là "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã đến lúc Việt Nam cần xem lại mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu