Lãnh đạo Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng xác nhận với Một Thế Giới: Bí thư Trương Quang Nghĩa đã có ý kiến cho xác minh ‘bức tâm thư’ được cho là đại diện người dân Nam Ô gửi Thủ tướng thể hiện ủng hộ và gắn bó với dự án của tập đoàn Trung Thủy.
>> Lại một khu du lịch được Đà Nẵng cấp phép bít lối đi xuống biển của dân
>> Dự án resort ở Đà Nẵng: Bí thư Thành ủy chỉ đạo trả bãi biển lại cho cộng đồng
>> Đà Nẵng: Phá hồn làng cổ, quên thời tiền nhân?
>> Thực trạng các di tích ở làng Nam Ô
>>Quy hoạch lại resort ở làng Nam Ô, giữ nguyên hiện trạng di tích
>>Nhiều người dân chưa đồng ý dự án du lịch ở Nam Ô
Theo lãnh đạo này, sau khi có thông tin về ‘bức tâm thư’, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã có ý kiến cho kiểm tra thực hư. Văn phòng Thành ủy Đã truyền đạt xuống Quận ủy Liên Chiểu để kiểm tra để có kết quả báo cáo.
Trước đó, một ‘bức tâm thư’ với khoảng 18 chữ ký được cho là đại diện cho người dân đang thường trú tại làng Nam Ô, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng với đề dòng gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng, Bí thư quận Liên Chiểu… đề nghị ‘giúp giải quyết vướng mắc cho người dân có điều kiện phát triển cuộc sống’.
Phối cảnh ban đầu của dự án
‘Bức tâm thư’ đề ngày 26.11.2018 dài 4 trang và cũng được tập đoàn Trung Thủy gửi tới nhiều báo. Sau các trình bày, bức thư ghi: “mong mỏi Thủ tướng dành thời gian quan tâm cho cuộc sống dân làng Nam Ô khi ở cạnh một dự án đã kéo dài gần mười năm. Chủ đầu tư thì nói với chúng tôi họ đang chờ các cấp xem xét lại quy hoạch mới có thể triển khai dự án, các cấp chính quyền địa phương thì không phản hồi, đoái hoài gì với những nguyện vọng của chúng tôi”.
Bức thư cũng ghi rằng: “Người dân chúng tôi thì không quan tâm ai quản lý ghềnh Nam Ô, chúng tôi chỉ quan tâm đến việc đơn vị quản lý có đảm bảo là không chặt cây, khai phá làm mất đi cảnh quan và cây xanh của ghềnh hay không. Nếu chủ đầu tư đã đạt được thỏa thuận với chúng tôi về việc bảo vệ sự toàn vẹn của ghềnh thì việc giao cho chủ đầu tư là chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Và nhà nước khi giao ghềnh cho chủ đầu tư phải nêu rõ trong văn bản về việc chủ đầu tư không được xây dựng công trình trên ghềnh, không được chặt cây trên ghềnh. Chỉ như vậy, chúng tôi sẽ ủng hộ và gắn bó với sự phát triển lâu dài của dự án”.
Ban đầu, dự án rào chắn đường xuống biển khiến người dân bức xúc phản ứng
Xác nhận với Một Thế Giới, ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu nói cũng có thông tin về bức tâm thư như thế tuy nhiên chưa tìm hiểu thực hư.
Dự án Lancaster Nam Ô Resort trước đó có tên dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô được UBND TP.Đà Nẵng giao cho Công ty cổ phần Thương mại du lịch đầu tư Cù Lao Chàm. Ngày 11.3.2010, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư này sang cho Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy.
Năm 2010, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy được Đà Nẵng giao đất với diện tích 100.000m2, giá trị hợp đồng là 70 tỉ đồng. Nộp đủ tiền trong vòng 2 tháng, đơn vị này được miễn 10% giá trị. Ngày 24.11.2010, Công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng nộp số tiền 63 tỉ đồng do được miễn giảm 10% tiền sử dụng đất.
Mặc dù ban đầu là khu đô thị sinh thái, với nhiều hạng mục công cộng, đặc biệt đất dành cho resort, sân golf... chiếm phần lớn, nhưng sau 2 lần điều chỉnh, đất dành cho resort và sân golf đã biến mất.
Cụ thể dự án được điều chỉnh quy hoạch từ hơn 43,2ha xuống còn hơn 36ha. Trong đó, đất khu resort từ hơn 100.000m2 giảm xuống còn hơn 64.000m2, đất biệt thự từ hơn 22.000m2 tăng lên 40.000m2. Đất ghềnh đá Nam Ô từ 46.000m2 điều chỉnh tăng lên 49.000m2...
Ban đầu, dự án này được phê duyệt sẽ lấy toàn bộ ghềnh đá Nam Ô, di dời toàn bộ các đình, miếu…là các di tích có giá trị lịch sử gắn với quá trình mở cõi của cha ông.
Các di tích trong làng Nam Ô suýt bị di dời chỗ khác để phục vụ dự án
Mới đây vào ngày 20.3.2018, hàng trăm người dân thôn Nam Ô 1 và Nam Ô 2 đã tập trung phản đối khi Tập đoàn Trung Thủy đã dùng hàng rào sắt bao quanh nhằm chia cắt người dân với mặt biển. Trong khi đó cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây chủ yếu nhờ vào việc đánh bắt trên biển.
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 22.3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa đã đi thị sát và yêu cầu tháo dỡ hàng rào sắt này.
Từ đó đến nay, thành phố Đà Nẵng yêu cầu dừng lại dự án để có những điều chỉnh quy hoạch phù hợp, giữ lại nguyên trạng ghềnh đá và các di tích lịch sử.
Lê Đình Dũng