Có ý kiến chỉ trích thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Taliban năm 2020 quá yếu kém nên dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền tại Kabul.

Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan im lặng giữa tình hình hỗn loạn

Cẩm Bình | 24/08/2021, 15:02

Có ý kiến chỉ trích thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Taliban năm 2020 quá yếu kém nên dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền tại Kabul.

Nhân vật phụ trách đàm phán phía Mỹ là Zalmay Khalilzad. Trong hơn 1 năm ông triển khai mạnh mẽ nỗ lực ngoại giao con thoi với hàng loạt chuyến công du nước ngoài, họp cấp cao, phát biểu trước nhiều tổ chức. Đặc phái viên này tuyên bố Taliban đã sẵn sàng đàm phán chuyện nhượng bộ.

Trước đó, đặc phái viên Khalilzad hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội, nhưng giờ đây khi chính quyền tại Kabul sụp đổ, Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan thì ông lại im hơi lặng tiếng.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đặc phái viên Khalilzad vẫn ở Qatar, làm việc qua điện thoại và ôm hy vọng khuyến khích giải quyết tình hình bằng biện pháp hòa bình.

dafgha.jpg
Đặc phái viên Zalmay Khalilzad - Ảnh: AP

Học giả Husain Haqqani thuộc Viện nghiên cứu Hudson nhận xét thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban năm 2020 không phải thỏa thuận hòa bình, mà là thỏa thuận đầu hàng.

“Ông ta đàm phán quá kém, bao che cho Taliban, giả vờ nói rằng đàm phán sẽ mang lại một thỏa thuận chia sẻ quyền lực mặc dù Taliban chẳng hề muốn làm vậy”, theo học giả Haqqani.

Sự nghiệp lừng lẫy

Khalilzad giữ chức đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan từ năm 2018, tiếp nối sự nghiệp lừng lẫy của quan chức này: Ông góp phần thành lập chính quyền phôi thai tại Afghanistan và Iraq sau khi Mỹ đưa quân đến, nổi tiếng với khả năng thuyết phục các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán.

Washington quyết định đàm phán sau nhiều năm Kabul chìm trong bất ổn, Taliban thường xuyên gây rối bằng hàng loạt vụ đánh bom liều chết ở thủ đô.

Đặc phái viên Khalilzad yêu cầu Pakistan thả Mullah Abdul Ghani Baradar - một trong số nhân vật sáng lập Taliban - để khởi động nỗ lực đối thoại. Suốt nhiều tháng làm việc tại Qatar, ông phát triển mối quan hệ thân thiết với phái đoàn Taliban.

Những bức ảnh chụp vị quan chức Mỹ cười nói cùng đại diện phía Taliban làm dấy lên phẫn nộ ở Afghanistan. Sau khi hai bên đạt thỏa thuận và tổ chức ký kết qua một buổi lễ hoành tráng, đặc phái viên Khalilzad chẳng đảm bảo gì ngoài cam kết mơ hồ về hòa bình từ Taliban.

Cây viết phân tích Kate Clark thuộc trang tin Afghanistan Analysts Network chỉ ra rằng đặc phái viên Khalilzad chỉ ca ngợi đúng một cam kết mạnh mẽ là Taliban sẽ không tấn công Mỹ cùng “đồng minh”. Vấn đề Taliban cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố như al-Qaeda cũng như vấn đề Taliban đối thoại với chính quyền tại Kabul lại càng mơ hồ hơn nữa.

daf01.jpg
Lễ ký kết thỏa thuận Mỹ - Taliban năm 2020 - Ảnh: Reuters

Chính quyền tại Kabul bị dồn vào thế khó

Thỏa thuận giống như tập hợp của một loạt nhượng bộ từ Washington. Mỹ rút quân khỏi Afghanistan mà không có lệnh ngừng bắn nào, khuôn khổ cho tiến trình hòa bình tương lai cũng chưa thiết lập.

Thay vì đảm bảo Taliban làm đúng cam kết, đặc phái viên Khalilzad gây sức ép buộc chính quyền tại Kabul thả hàng nghìn chiến binh Taliban – động thái giúp tổ chức Hồi giáo củng cố lực lượng.

Thỏa thuận còn làm tăng khó khăn bằng cách đặt ra hạn chót rút quân. Ban đầu là tháng 5.2021, sau đó được kéo dài đến tháng 9, rồi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định là ngày 31.8 (nhưng còn có thể thay đổi). Như vậy chính quyền tại Kabul có rất ít thời gian huy động lực lượng.

Cuối cùng, quyết định tăng tốc công tác rút quân vào tháng 4 của Tổng thống Biden châm ngòi cho chiến dịch tiến công thần tốc của Taliban. Mọi chuyện được định đoạt vào ngày 15.8.

Ngày 21.8, nghị sĩ Mỹ Michael Waltz - một cựu binh từng chiến đấu ở Afghanisan - gửi thư cho Tổng thống Biden: “Đặc phái viên Khalilzad đã cung cấp cho ông đề xuất kém cỏi, chiến lược ngoại giao của ông ấy hoàn toàn thất bại. Với thảm họa hiện tại thì đặc phái viên Khalilzad nên từ chức hoặc bị cách chức”.

Cùng ngày, đặc phái viên Khalilzad viết trên Twitter yêu cầu Taliban tìm kiếm giải pháp chính trị đồng thời nhắc nhở chính quyền dựng nên bằng bạo lực sẽ không được công nhận. Nhưng nay đã quá muộn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan im lặng giữa tình hình hỗn loạn