Theo nhiều bị cáo khai trong phiên xử chiều 8.1, việc thiếu các điều kiện trong hợp đồng 33 là không đúng với trình tự của tổng thầu. Tình hình tài chính của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ năm 2010 rất khó khăn, PVC nhận lại một số dự án của tập đoàn và các thành viên của PVN chuyển về.

Đại án PVN: Làm hợp đồng theo chỉ đạo của Đinh La Thăng, dù biết trái luật

Thu Anh | 08/01/2018, 19:00

Theo nhiều bị cáo khai trong phiên xử chiều 8.1, việc thiếu các điều kiện trong hợp đồng 33 là không đúng với trình tự của tổng thầu. Tình hình tài chính của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ năm 2010 rất khó khăn, PVC nhận lại một số dự án của tập đoàn và các thành viên của PVN chuyển về.

Chiều 8.1, phiên xử ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm đã bước vào giai đoạn xét hỏi. Theo đó, HĐXX tập trung làm rõ bản hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng chuyển đổi chủ đầu tư. Đặc biệt, trong phiên xét hỏi này, 2 bị cáo Đinh La Thăng va Trịnh Xuân Thanh bị cách ly ra khỏi phòng xử án.

Bị cáo Vũ Đức Thuận

PVC trong giai đoạn tài chính khó khăn

Khai trước tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC thừa nhận biết việc hợp đồng 33 chưa đầy đủ, trước khi ký cũng đã xin ý kiến Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Bởi theo bị cáo, PVC đang gặp khó khăn về tài chính; việc ký hợp đồng là để trả nợ ngân hàng cũng như sử dụng vào mục đích khác.

Nguyên Kế toán trưởng PVC - bị cáo Phạm Tiến Đạt cho biết khi hợp đồng EPC số 33 được ký kết, bị cáo chưa được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng, sau này có đọc lại và thấy nhiều nội dung còn sơ sài.

“Khi đó, bị cáo đã báo cáo nhanh về tình hình tài chính được làm hàng tháng, quý, phân tích đánh giá tình hình tài chính của đơn vị. Báo cáo này có gửi lên HĐQT và có báo cáo với TGĐ, Phó TGĐ. Nội dung báo cáo gồm, PVC đã đầu tư quá vốn điều lệ 1.013 tỉ đồng; hầu hết các khoản nợ đến quý 3.2011 đến hạn trả; tình hình công nợ phải thu của PVC rất lớn và bị các đơn vị chiếm dụng vốn, trong khi PVC phải đi vay lãi ngân hàng; rủi ro tài chính do các khoản đầu tư của PVC nênnếu các đơn vị không có những cải thiện trong công tác tài chính thì PVC sẽ phải trích lập dự phòng”, bị cáo Đạt trình bày.

Về số tiền tạm ứng cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, theo các bị cáo, thời điểm đó tình hình tài chính của PVC mất cân đối trầm trọng. Các khoản nợ vay ngân hàng đến hạn phải trả nợ, nên khi tiền tạm ứng về hầu hết ngân hàng thu nợ trên tài khoản.

Liên quan đến khoản đầu tư tài chính, bị cáo Đạt khai thực hiện theo nghị quyết HĐQT, bị cáo không nhớ cụ thể ai chỉ đạo trực tiếp vì có rất nhiều nghị quyết. Theo nhận thức ban đầu, bị cáo làm về tài chính nên việc thu xếp tiền nhàn rỗi phục vụ cho nhu cầu trước mắt, sau đó thu hồi về để trả lại, bị cáo nghĩ chắc sẽ không gây hậu quả gì. Sau này làm việc với cơ quan điều tra bị cáo đã nhận thức được việc làm đó là sai.

Hợp đồng chỉ mang tính nguyên tắc

Tiếp tục làm rõ Hợp đồng chuyển đổi chủ đầu tư, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN khai nhận sau khi ký và kiểm tra lại mới thấy thiếu cơ sở pháp lý, không đầy đủ thủ tục và chưa được HĐTV của PVPower phê duyệt, thiếu nhiều điều khoản thanh toán tạm ứng của hợp đồng… Hợp đồng chỉ mang tính nguyên tắc.

Trả lời những câu hỏi trước HĐXX, bị cáo Khánh cảm thấy ăn năn, bứt rứt trước hành vi của mình. Theo bị cáo Khánh, việc công bố quyết định chuyển chủ đầu tư từ PVPower về PVN là do ông Đinh La Thăng chủ trì; trên tinh thần đó, bị cáo đã rà soát lại và thấy thiếu thủ tục pháp lý cơ bản.

“Khi ký, nội dung bản gốc hợp đồng 33 mọi người đã nắm rõ, nội dung chuyển đổi chỉ đơn thuần là chuyển đổi chủ thể từ PVPower về PVN”, bị cáo Khánh khai.

Trong phiên xử chiều nay, bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN nhấn mạnh: “Nguyễn Xuân Sơn có công văn hỏa tốc yêu cầu tạm ứng ngay tiền cho nhà thầu để giải quyết hợp đồng”. Khi biết những sai sót trong bản hợp đồng 33, bị cáo Chương khai đã tổ chức rà soát lại, mời PVC sang làm việc. Đặc biệt, bị cáo Chương khai có làm văn bản nêu lên thực trạng của hợp đồng 33, gửi lãnh đạo, yêu cầu phân tích và thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, trong màn đối chất, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên TGĐ PVN cho biết vai trò của bị cáo Đinh La Thăng là người đứng đầu và có yếu tố quyết định mọi công việc.

Phiên xử sẽ được tiếp tục vào sáng mai (9.1).

Cơ quan chức năng xác định, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Sau đó, Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỉ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỉ đồng.

Nhã Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại án PVN: Làm hợp đồng theo chỉ đạo của Đinh La Thăng, dù biết trái luật