Các chuyên gia nhận định 6 năm là khoảng thời gian Đài Loan có thể còn lại trước khi hứng chịu một cuộc tấn công quân sự từ Trung Quốc.
Sau khi Hồng Kông và Macau được trao trả, đối với Trung Quốc, Đài Loan là mảnh đất cuối cùng chờ được "thống nhất". Dưới thời nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng, 19 thỏa thuận đã được ký kết với Bắc Kinh, đặt nền móng cho thị trường chung giữa hai bờ eo biển. Trung Quốc chiếm 40% hàng xuất khẩu của Đài Loan, con đường do Bắc Kinh vạch ra trước đó 30 năm để thống nhất một cách hòa bình dường như đang được trải thảm đỏ.
Tuy nhiên, giấc mộng thống nhất toàn cõi Trung Hoa đã vụt tắt vào năm 2014 sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn của đảng Dân chủ cấp tiến (DPP) lên nắm quyền. Chính quyền của bà Thái kể từ đó đã tỏ rõ lập trường "giữ nguyên hiện trạng", công khai chỉ trích Bắc Kinh và đẩy mạnh mua vũ khí từ Mỹ để phòng vệ. Trước tình hình này, Bắc Kinh đã gia tăng đe dọa quân sự và ngoại giao với chính quyền bà Thái.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước tuyên bố sẽ hiện thực hóa "tái thống nhất" Đài Loan một cách hòa bình trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai bờ eo biển.
"Chủ nghĩa ly khai độc lập Đài Loan là trở ngại lớn nhất để đạt được sự thống nhất của đất nước và là mối nguy hiểm tiềm ẩn nghiêm trọng nhất đối với sự trẻ hóa quốc gia. Những ai đã quên đi di sản của họ, phản bội quê hương và tìm cách chia cắt đất nước sẽ không có kết quả tốt", ông Tập nói.
Nhã lãnh đạo Trung Quốc khẳng định "tái thống nhất" trong hòa bình đáp ứng tốt nhất lợi ích chung của người dân Đài Loan và Trung Quốc sẽ quyết sẽ bảo vệ chủ quyền cùng sự thống nhất của mình.
“Không ai nên đánh giá thấp quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định và khả năng mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phải hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thống nhất hoàn toàn tổ quốc, sứ mệnh này nhất định sẽ đạt được”, ông Tập cho hay.
Dù Trung Quốc liên tục chỉ trích Mỹ "giao du" với Đài Loan và yêu cầu cam kết "Một Trung Quốc", song dưới mắt Washington, Đài Loan là một con cờ mà giá trị đã tăng lên trong những năm gần đây. Về địa chính trị, Đài Loan là một mắt xích chính trong chuỗi đảo thứ nhất chạy từ Nhật Bản đến Indonesia, chặn ngõ vào Tây Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc. Về kinh tế, Đài Loan thống trị về sản xuất chip bán dẫn thế hệ mới nhất và Mỹ đang muốn ưu thế này ở luôn ở phía liên minh công nghệ dân chủ.
Trước phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện hồi tháng 6, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Tướng Mark Milley nhận định Trung Quốc sẽ có đủ năng lực tấn công Đài Loan vào năm 2027.
Vào tháng 3, cựu chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ (INDOPACOM), Đô đốc Philip Davidson cảnh báo các nghị sĩ Mỹ rằng Trung Quốc có thể đánh Đài Loan "trong 6 năm tới".
Người kế nhiệm ông Davidson là Đô đốc John Aquilino cũng khẳng định vấn đề này hiện đang "gần chúng ta hơn nhiều so với suy nghĩ của hầu hết mọi người".
Theo báo cáo quân sự của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) được công bố tuần trước, Bắc Kinh đã đặt năm 2027 là thời hạn chót để quân đội hiện đại hóa các lực lượng vũ trang bằng cách tích hợp "cơ giới hóa, thông tin hóa và thông minh hóa" toàn bộ hệ thống quân sự của mình.
“Một khi Trung Quốc đại lục đạt được tham vọng hiện đại hóa, họ sẽ sở hữu các lựa chọn quân sự đáng tin cậy hơn trong những tình huống bất ngờ có thể xảy ra với eo biển Đài Loan”, báo cáo cho hay.
Tài liệu của Lầu Năm Góc cũng trích dẫn các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, các mục tiêu của PLA cho năm 2027 bao gồm cả khả năng đẩy lùi các lực lượng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và "buộc lãnh đạo Đài Loan phải ngồi vào bàn đàm phán theo các điều khoản của Bắc Kinh", chấp nhận quy thuận theo hình thức đàm phán thương lượng và ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của các lực lượng quân đội Mỹ.
Giới quan sát đã coi mốc "6 năm" là thời gian lý tưởng cho Bắc Kinh chuẩn bị công cuộc chinh phục Đài Loan. Với việc triển khai số lượng máy bay chiến đấu ngày càng nhiều trong vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng để thực hiện một bước đi nguy hiểm và táo bạo.
Tuy nhiên, số khác nhận định rằng các cuộc xâm nhập gần đây chỉ đơn giản là một phần của sự nâng cao quyết đoán quân sự nói chung của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn giữa Mỹ và Đài Loan.
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng đang tìm cách thống nhất Đài Loan và bằng vũ lực nếu cần, ông cũng tiếp tục thúc đẩy "tái thống nhất hòa bình".
Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn chưa cập nhật Luật Chống ly khai từ năm 2005, cho thấy Đài Loan, trái với hầu hết các phân tích của phương Tây, không phải là ưu tiên hàng đầu. Ông Tập thường bỏ qua việc nhắc đến "Đài Loan" trong các bài phát biểu lớn của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Tập dường như tập trung vào các mục tiêu hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội hơn là giải quyết vấn đề Đài Loan.
Một số nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phải suy tính rất nhiều về khả năng quân đội nước này tiến hành thành công một cuộc đổ bộ vào Đài Loan. Ông Tập được cho đang chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử vào năm 2024 với kỳ vọng Quốc dân đảng (KMT) - đảng phái thân Trung Quốc sẽ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, nếu ông Lại Thanh Đức trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) và chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan vào năm 2024, khả năng cao Trung Quốc sẽ tiến hành đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhắm vào việc thống nhất hòn đảo.
Bắc Kinh từ lâu đã coi lãnh đạo đương nhiệm Thái Anh Văn là một người ủng hộ chủ nghĩa ly khai và nếu Lại Thanh Đức - người từng tuyên bố là "người làm việc thực tế vì độc lập của Đài Loan" - đắc cử, điều này chắc chắn thúc đẩy Trung Quốc tiến tới hành động quân sự.