- Không chỉ dừng lại ở một nhạc cụ truyền thống, những gì gắn với quá trình phát triển của đàn bầu đã cho thấy: cây đàn này thực sự là một “nhân chứng” đặc biệt trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Đàn bầu - kết tinh của văn hóa Việt: Xứng đáng đề cử Di sản thế giới

bai cao | 28/10/2016, 10:41

- Không chỉ dừng lại ở một nhạc cụ truyền thống, những gì gắn với quá trình phát triển của đàn bầu đã cho thấy: cây đàn này thực sự là một “nhân chứng” đặc biệt trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Việt Nam.

>>Đàn bầu là của Việt Nam hay Trung Quốc?

1.Theo NSND Thanh Tâm, trong xã hội VN xưa, đàn bầu được coi là nhạc cụ thân thuộc nhất với cộng đồng. Và trước hết, đó được coi là công cụ mưu sinh của những người hát rong, với tính chất đàn đơn sơ, dễ làm, dễ mang đi để đệm hát. Theo những nhóm hát rong ấy, cây đàn độc đáo này đã dần tới khắp các làng quê và chốn thị thành.

Để tìm hiểu về nguồn gốc đàn bầu, các nhà nghiên cứu đã sưu tập được khá nhiều truyền thuyết hấp dẫn và gần như không trùng khớp với bất cứ truyền thuyết về nhạc cụ nào trên thế giới. Trong đó, điểm chung nhất của các truyền thuyết là câu chuyện của những người lao động lương thiện, có số phận kém may mắn, được trời (Phật/ông bụt) cho cây đàn để kiếm sống.

"Với những truyền thuyết ấy, là cây đàn sinh ra trong cuộc sống lao động khốn khó của tầng lớp thấp trong xã hội, nên đàn bầu cũng thường tấu lên nỗi lòng ai oán, với giai điệu thường chậm rãi da diết nhưng không quá bi ai, vật vã" - NSND Thanh Tâm cho biết.

Trong số này, PGS Đặng Hoành Loan đặc biệt hào hứng với truyền thuyết được sưu tầm năm 1978 từ nghệ nhân nổi tiếng Thân Đức Chinh (Bắc Giang). Theo cụ Chinh, người xưa kể rằng đàn bầu ra đời từ thời nhà Đinh (thế kỷ 10), và là sự sáng tạo của tổ nghề xẩm - vốn là một hoàng thân nhà Đinh vì thất thế mà trở thành người hát rong.

"Chỉ là truyền thuyết, nhưng các tư liệu sưu tập được đều cho thấy: đàn bầu và cách chơi theo lối dây buông đã xuất hiện tại VN từ rất sớm trong dân gian" - PGS Loan nói. "Và tới giữa thế kỷ 18, một thay đổi thú vị diễn ra, khi đàn bầu bắt đầu xâm nhập vào một số hình thức sinh hoạt âm nhạc trong cung đình".

Kiến giải về bước ngoặt này, PGS Loan cho rằng, thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), cách chơi đàn bầu theo lối bồi âm đã xuất hiện, làm thay đổi chất lượng và phong cách nghệ thuật đàn bầu. Bởi vậy, bộ sửĐại Nam thực lụccủa nhà Nguyễn bắt đầu "chú ý" tới cây đàn này, với tên gọi là đàn Nam cầm. Theo bộ sử trên, người tiếp tục sáng tạo về đàn bầu và kỹ thuật chơi là Tôn Thất Dục, một người "hiếu học, giỏi thơ, tinh về thuật số và âm nhạc".

2.Hơn 100 năm sau, đàn bầu (Nam cầm) đã tham gia sâu rộng vào nghệ thuật ca hát thính phòng Huế. Nghiên cứu của các học giả như Hoàng Yến và G. Cordier đều nhắc tới sự xuất hiện của đàn bầu tại Huế trong thập niên cuối của thế kỷ 19.

Và vào đầu thế kỷ 20, trong những bức ảnh Việt Nam (do người Pháp thực hiện), cây đàn bầu cũng từng xuất hiện như một biểu trưng đặc sắc của văn hóa bản địa. Đặc biệt, sau năm 1945, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đã nối tiếp nhau có thêm những sáng tạo đặc biệt để cải tiến và hoàn thiện về cần đàn, bầu đàn, que đàn để phục vụ kháng chiến.

Trong đó, NSND Mạnh Thắng được nhắc tới khá nhiều, khi ông có những cải tiến quan trọng về que gảy hay kỹ thuật khuếch đại âm thanh của đàn bầu. NSND Mạnh Thắng cũng là người góp phần sớm nhất để giới thiệu cây đàn đặc biệt này ra quốc tế, sau khi giành Huy chương vàng tại Ðại hội liên hoan thanh niên và sinh viên toàn thế giới năm 1957 ở Moskva.

Với những sáng tạo của cộng đồng, với sự tồn tại xuyên thời gian và gắn bó với nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc như vậy, không có gì lạ khi trong cuộc hội thảo ngày 21/10 về vấn đề này (Viện Âm nhạc tổ chức), nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị Việt Nam sớm lên kế hoạch xây dựng hồ sơ và trình UNESCO công nhận cây đàn này là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.

         
   

“Đại sứ văn hóa” trong những năm chống Mỹ

   

Không chỉ xuất hiện trong văn hóa Việt, cây đàn bầu cũng được bạn bè quốc tế nhắc tới như một biểu trưng đặc biệt của VN trong những năm chống Mỹ. Khi sang thăm VN trong giai đoạn này, thi sĩ Blaga Dimitrova (Bulgaria) đã có những câu thơ nổi tiếng (được Xuân Diệu dịch):

   

Gẩy trên một dây đàn duy nhất

   

Và bỗng dưng nảy ra suối hát

   

Tiếng chim kêu, tiếng người nấc

   

Một điệu ru con, một trận bão về

   

Rồi dây một mình

   

Tự vọng mãi tiếng ngân nga

   

Tôi run rẩy như tôi hóa câu ca

   

Và tôi hiểu: khi dây căng rất mực

   

Căng đến mức

   

Sắp đứt - thì đây

   

Cả vũ trụ về rung động trên dây…

   
Theo Anh Bảo/ TTVH
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đàn bầu - kết tinh của văn hóa Việt: Xứng đáng đề cử Di sản thế giới