Tối 16.3, người dân Brazil đã biểu tình đòi Tổng thống Dilma Rouseff từ chức, sau khi bà Rousseff phong chức Chánh văn phòng nội các cho vị tiền nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva.

Dân Brazil biểu tình đòi Tổng thống Rousseff từ chức

17/03/2016, 13:47

Tối 16.3, người dân Brazil đã biểu tình đòi Tổng thống Dilma Rouseff từ chức, sau khi bà Rousseff phong chức Chánh văn phòng nội các cho vị tiền nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva.

Trước đó, ngành công tố cáo buộc cựu Tổng thống Lula “rửa tiền” cùng nhiều tội danh khác, liên quan đến vụ tham nhũng tai tiếng ở tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras. Việc bà Rousseff phong chức Chánh văn phòng nội các cho ông Lula bị xem là một cách giúp ông khỏi bị truy tố. Quyết định của Tổng thống Rousseff khiến dân Brazil biểu tình đòi bà từ chức.

Cảnh sát cho biết có khoảng 2.500 người biểu tình bên ngoài Dinh tổng thống ở thủ đô Brasilia. Những người biểu tình khác tràn xuống đại lộ Paulista (thành phố Sao Paolo) cùng các thành phố khác. Họ thả bong bóng hình ông Lula mặc áo tù và trương biểu ngữ đòi luận tội bà Rousseff.

Hàng chục nghị sĩ đối lập cũng “quậy” ở phiên họp quốc hội, đòi bà Rouseff từ chức.

Trước đó, ngày 13.3, khoảng 3 triệu người đã biểu tình chống chính phủ ở nhiều thành phố, phản đối nạn tham nhũng nghiêm trọng và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất ở Brazil từ 25 năm nay. Người ủng hộ ông Lula và bà Rousseff đã phản ứng lại bằng kế hoạch xuống đường trong vài ngày tới.

Dan Brazil bieu tinh doi Tong thong Rousseff tu chuc-hinh-anh-1
Người biểu tình sắp kéo bong bóng Lula bị vẽ mặc áo tù
Cựu Tổng thống Lula được "tặng" nhà có người khác đứng tên
Ông Lula, 70 tuổi, xuất thân từ thành phần lao động giữ chức Tổng thống Brazil từ 2003 đến 2010, trước khi chuyển giao quyền lực cho bà Rousseff.

Chính phủ của ông từng vạch ra chương trình giảm nghèo vốn giúp hơn 40 triệu dân thoát nghèo. Chương trình này giúp ông được tôn vinh là anh hùng dân tộc, giúp đảng Công nhân củng cố quyền lực suốt 13 năm qua.

Ông mãn nhiệm năm 2010 với tỷ lệ tín nhiệm hơn 80%. Nhưng vài tháng qua, uy tín ông Lula xuống thấp sau khi ông bị cáo buộc hưởng lợi từ nhiều công ty xây dựng dính líu đến vụ tham nhũng của Petrobras.

Vài tuần gần đây, cuộc điều tra hướng vào ông Lula và đảng Công nhân do ông thành lập. Ngày 4.3, ông Lula bị cảnh sát bắt để thẩm vấn vài giờ rồi thả. Họ hỏi ông việc sử dụng một căn hộ hạng sang bên bờ biển và một nông trại ở bang Sao Paolo. Ngành công tố nói các công ty chi tiền nâng cấp các cơ sở hạ tầng rồi tặng ông, dù người khác đứng tên.

Vụ bắt ông Lula là giai đoạn thứ 24 của chiến dịch “Rửa xe” - một cuộc điều tra kéo dài hai năm nhắm vào Petrobras, vốn khiến hàng chục doanh nhân bị tù, gần 50 chính khách đương nhiệm bị điều tra. Ngành công tố nói gần 3 tỉ USD đã được chi để đút lót các quan chức.
Dan Brazil bieu tinh doi Tong thong Rousseff tu chuc-hinh-anh-2
Người ủng hộ ông Lula mừng ông được thả về nhà
Ông Lula và bà Rousseff nói chuyện điện thoại, tìm cách tránh bị truy tố
Một cuộc điện thoại bị ghi âm mà phe chống bà Rousseff cáo buộc rằng đó là ông Lula và bà Rousseff nói chuyện với nhau, tìm cách tác động đến cuộc điều tra, nhằm làm “tấm khiên” cho ông Lula khỏi bị truy tố.

Ngày 16.3, Chánh án liên bang Sergio Moro, người giám sát cuộc điều tra tham nhũng, đã ra phán quyết công bố cuộc điện thoại này: “Tôi nhận thấy cuộc nói chuyện của họ xem ra nhằm tác động hoặc tìm sự giúp đỡ của các công tố viên hoặc của tòa án, để ưu ái cựu tổng thống”. Nhưng ông Sergio Moro cũng nói chưa có bằng chứng rằng đã có những nỗ lực tác động đến các cơ quan trên.

Cuộc điện thoại cũng cho thấy bà Rousseff đề nghị cấp bản sao việc chỉ định chức Chánh văn phòng cho ông Lula, “trong trường hợp cần thiết”, ám chỉ để tránh cho ông Lula khỏi bị truy tố.

Trước việc chính phủ phản đối việc công bố đoạn ghi âm, chánh án Moro nói rằng việc này cho phép nhân dân giám sát các lãnh đạo Brazil. Ông viết: “Dân chủ trong một xã hội tự do là người dân có quyền biết lãnh đạo làm gì, ngay cả khi họ hành xử trong bóng tối và được bao che”.

Người chống bà Rousseff nói việc chỉ định này là một "âm mưu tuyệt vọng" để chặn các thủ tục luận tội và để ông Lula khỏi bị bắt. Lãnh đạo đối lập nói sẽ kiện ra tòa vì việc chỉ định này là lạm quyền.

Giải thích về việc chỉ định vị cựu tổng thống, từng giới thiệu bà kế nhiệm chức vị tổng thống, làm Chánh văn phòng nội các, bà Rousseff nói rằng ông Lula có kinh nghiệm chống lạm phát và bình ổn tài chính, có nhiều chính sách kinh tế hiệu quả. Bà nói việc chỉ định này không có nghĩa ông không bị điều tra, thậm chí ông vẫn có thể bị Tòa án tối cao Brazil xét xử.

Ông Lula, bà Rousseff cùng các bộ trưởng phủ nhận các cáo buộc, nói rằng họ không làm gì sai phạm. Luật sư của ông Lula cảnh cáo việc công bố cuộc điện thoại ghi âm của chánh án Moro là “chuyên quyền” và có thể gây hậu quả khiến “xã hội rối loạn”.

Dinh Tổng thống nói sẽ có hành động chống lại chánh án Moro và nói việc ông Lula tuyên thệ nhậm chức sẽ diễn ra đúng kế hoạch là vào sáng 17.3 (giờ Brazil).
Công tố viên trưởng quyết định điều tra bà Rousseff

Cuộc trở lại chính phủ của ông Lula bị phủ bóng đen hôm 15.3, từ việc công bố lời làm chứng của thượng nghị sĩ Delcidio do Amaral, người cáo buộc ông Lula và bà Rousseff biết rõ vụ tham nhũng ở Petrobras. Amaral còn cáo buộc Bộ trưởng Giáo dục Aloizio Mercadante “đề nghị hỗ trợ tài chính” nhằm “mua” sự im lặng của ông.

Bà Rousseff và ông Mercadante nói ông Amaral vu cáo. Tạp chí Veja ngày 16.3 đưa tin công tố viên trưởng quyết định yêu cầu điều tra bà Rousseff từ lời làm chứng của ông Amadal.

Cũng trong ngày 16.3, tờ Valor, một tờ báo kinh tế có uy tín ở Brazil, đưa tin Thống đốc ngân hàng Brazil Alexandre Tombini từ chức vì ông không hài lòng việc chỉ định ông Lula giải quyết vấn nạn kinh tế.

Việc ông Lula được chỉ định làm Chánh văn phòng khiến các nhà đầu tư lo ngại, vì ông có thể “góp ý” bà Rousseff từ bỏ những biện pháp thắt lưng buộc bụng vốn nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách. Ông Lula đã công khai kêu gọi tăng chi tiêu công để kéo kinh tế Brazil khỏi sự suy thoái trầm trọng nhất từ ít nhất 20 năm qua. Năm 2015, kinh tế Brazil suy giảm 3,8% và tỷ lệ này cũng được dự báo cho năm 2016.

Vì vấn nạn kinh tế này, uy tín của bà Rousseff cũng bị xuống thấp. Chính phủ của bà là một liên minh phức tạp, các đảng cạnh tranh nhau và nhiều đảng dính líu vụ tai tiếng Petrobras. Chính vì thế, bà Rousseff gặp khó khăn trong việc thông qua các chính sách xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế.

Hồi tháng 12.2015, Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha khởi động thủ tục luận tội bà Rousseff, cáo buộc bà lén dùng Ngân hàng nhà nước để khỏa lấp sự thâm thủng ngân sách. Bà Rousseff cũng có thể bị Tòa án bầu cử tước quyền làm tổng thống, sau khi có các cáo buộc bà vi phạm luật tài chính, thao túng công quỹ để bà tái đắc cử tổng thống hồi năm 2014.
Bà Rousseff phủ nhận tất cả và không chịu từ chức.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân Brazil biểu tình đòi Tổng thống Rousseff từ chức