Đầu phiên họp sáng 5.11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Quốc hội những thông tin liên quan vụ 39 người chết tại Anh, trong đó nghi có người Việt Nam.
Ông Phúc thông tin, ngày 23.10, cảnh sát Anh nhận được thông tin có 39 người được tìm thấy đã chết trong thùng container đông lạnh ở Anh. Ngày 24.10, cảnh sát Anh thông báo các nạn nhân có thể là người Trung Quốc. Tuy nhiên đến 25.10, nhà chức trách Anh khẳng định họ không chắc chắn và có thể có người quốc tịch khác Trung Quốc.
Ngay sau khi có tin về khả năng có người Việt Nam trong số các nạn nhân, ngày 26.10, Bộ Ngoại giao ra thông cáo khẳng định sẵn sàng bảo hộ công dân nếu có nạn nhân người Việt Nam.
Ngày 2.11, phía Anh đã chuyển cho phía Việt Nam hồ sơ vân tay toàn bộ 39 nạn nhân để đối chiếu chéo, xác định danh tính, quốc tịch nạn nhân. Sau đó, đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng dẫn đầu đã sang Anh phối hợp với nhà chức trách nước sở tại xử lý công việc liên quan.
Ông Phúc cho biết, hiện nay có nhiều nguồn tin về số lượng người Việt trong vụ việc này. Theo thông tin mới nhất tối qua, 4.11, từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, thì thủ tục rất phức tạp, sau khi đối chiếu danh tính phải báo cáo lên Tòaán của Anh và phải được thẩm phán phê duyệt mới có thể công bố nên phải chờ vài ngày nữa mới có thông báo chính thức. Hiện nay đang chờ thông tin do Việt - Anh lệch múi giờ.
Tổng thư ký Quốc hội cũng nói thêm, ngay sau khi có thông tin nạn nhân người Việt, Thủ tướng đã quyết định thành lập tổ công tác liên ngành, thông báo và tư vấn cho các gia đình nạn nhân, phản bác các luận điệu xuyên tạc, xử lý các hành vi vi phạm có liên quan.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, sự việc 39 người chết tại Anh đã gây xúc động mạnh trên toàn thế giới, Quốc hội gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân.
"Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương phối hợp với các nước liên quan xác minh, có biện pháp bảo hộ công dân", ông Uông Chu Lưu nói.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương làm rõ các đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh và có biện pháp phòng ngừa.
Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại Quốc hội chiều 4.11, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp) cho rằng một trong những nguyên nhân góp phần vào tình trạng đưa người sang nước ngoài trái phép là do quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động nhiều bất cập, thông tin về các chương trình xuất khẩu lao động rất nhiễu loạn, người dân thiếu thông tin chính xác, kịp thời từ nhà chức trách.
Hơn nữa, ông Hiển cho rằng chi phí xuất khẩu lao động quá cao và không minh bạch. Việc đào tạo, cấp đổi giấy phép kinh doanh xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập, trong khi nhu cầu ở nhiều địa phương quá lớn.
"Thực tế đó dẫn đến xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lừa đảo, thừa cơ đục nước béo cò. Cò xuất khẩu lao động hoạt động ở mọi nơi, các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép có nhiều đất để hoạt động", ông Hiển phân tích và đề nghị cơ quan quản lý xuất khẩu lao động rà soát kỹ và có giải pháp khắc phục những bất cập trên.
Đại biểu Hứa Thị Hà dẫn số liệu, nửa đầu năm 2019, đã có 67 vụ với 112 bị can bị khởi tố vì tội mua bán người và cho rằng báo cáo của Chính phủ về tình hình mua bán người ở Việt Nam chưa đánh giá toàn diện về thực trạng này. Bà dẫn chứng, việc mua bán bào thai là hành vi mới, hết sức nguy hiểm nhưng việc điều tra, xét xử gặp nhiều khó khăn. Hành vi này cũng chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo về đạo đức và pháp lý.
Tiêu biểu là chỉ ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), công an đã phát hiện 25 phụ nữ Khơ Mú mang thai những tháng cuối bị lôi kéo sang Trung Quốc.
"Khi tìm hiểu vấn đề này, tôi không khỏi xót xa cho những người mẹ vì hạn chế trong nhận thức và trong hoàn cảnh, bị kẻ xấu lợi dụng rủ rê. Đau xót hơn, khi bào thai hay trẻ sơ sinh được coi là món hàng để mua và bán", bà Hà nói.
Lam Thanh