Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR) cảnh báo hầu hết nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường sinh thái khi xây dựng hàng loạt dự án đập thủy điện quy mô ở khắp nơi.
“Các công ty thỏa hiệp giữa mục tiêu xã hội với môi trường, không tuân thủ lộ trình lẫn ngân sách do chính họ đưa ra”, IR viết trong báo cáo mới.
Để thực hiện báo cáo, đội ngũ chuyên gia IR đã đến xem xét thực địa và tiến hành phỏng vấn về bảy dự án tại Uganda, Bờ Biển Ngà, Pakistan, Lào, Chile, Campuchia trong giai đoạn 2016-2019.
Nhiều dự án chẳng hề quan tâm đến ý kiến lo ngại ở địa phương. Bốn trong số này không hề công khai bản đánh giá tác động môi trường, chỉ có dự án Alto Maipo (Chile) thực hiện đánh giá đầy đủ trước khi thi công. Các công ty đều đổ lỗi cho chính quyền nước sở tại đồng thời bao biện rằng những vấn đề như vậy nằm ngoài thẩm quyền của họ.
Ở Uganda, Công ty Thủy lợi - Điện lực quốc tế Trung Quốc (CWE) nhận thầu xây thủy điện Isimba trên sông White Nile bất chấp khuyến cáo dự án sẽ nhấn chìm khu bảo tồn Kalagala có giá trị sinh thái lẫn văn hóa rất lớn với cộng đồng địa phương.
Theo IR: “Hồ chứa Isimba nhấn chìm một số ghềnh nước quan trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành đóng bè đóng góp rất lớn cho nền kinh tế trong vùng”. Đội ngũ chuyên gia phát hiện công tác đánh giá tác động môi trường không được thực hiện dù trên White Nile tồn tại nhiều đập thủy điện, phía CWE nhấn mạnh đây là trách nhiệm chung của cả nhà thầu lẫn chính quyền Uganda.
Ở Pakistan, bản đánh giá tác động môi trường cho thủy điện Neelum-Jhelum chỉ được công bố sau khi dự án khởi công ba năm. Nhà thầu Trung Quốc Gezhouba cho rằng đánh giá tác động môi trường cùng kế hoạch tái định cư dân phải do đơn vị sở hữu là Cơ quan Thủy lợi - Điện lực Pakistan thực hiện, một giám đốc cấp cao còn đảm bảo Neelum-Jhelum sẽ không tạo ra trầm tích chặn dòng chảy.
Ở Bờ Biển Ngà, công ty Sinohydro chẳng hề lập cơ chế khiếu nại cho cộng đồng địa phương bị tác động bởi việc xây dựng thủy điện Soubré. Công ty Huaneng Lancang River Hydropower xúc tiến dự án Lower Sesan 2 bất chấp hàng loạt cuộc biểu tình phản đối ở Campuchia.
Cẩm Bình (theo SCMP)