Hải quân Mỹ hôm 28.5 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) tới gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) để tiếp tục các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

Mỹ đưa chiến hạm tới Hoàng Sa, đi sâu vào vùng Trung Quốc chiếm đóng phi pháp

29/05/2020, 13:03

Hải quân Mỹ hôm 28.5 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) tới gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) để tiếp tục các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) - Ảnh: Hải quân Mỹ

"Vào ngày 28.5, tàu USS Mustin đã khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bằng cách tiến hành hoạt động này, Mỹ thể hiện rằng các vùng biển trên nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải về mặt pháp lý", CNN dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Trung úy Anthony Junco.

Tàu USS Mustin đã đi qua khu vực trong vòng phạm vi 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm và đảo Đá Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa, một quan chức hải quân Mỹ cho biết. Đây là lần thứ 4 trong tháng Mỹ triển khai tàu tới vùng biển chiến lược này.

Hải quân Mỹ trước đó xác nhận tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) và tàu hộ vệ RSS Steadfast (FFS 70) của Singapore đã tiến hành một cuộc tập trận trên Biển Đông trong 2 ngày 24 và 25.5. Tháng trước, Mỹ cũng đã 2 lần điều tàu chiến thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tiến hành hoạt động tương tự gần Hoàng Sa hồi tháng 3.

Phản ứng trước động thái mới nhất của quân đội Mỹ, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Đại tá Li Huamin hôm 28.5 cho biết, quân đội nước này đã điều lực lượng hải quân và không quân tới khu vực có tàu chiến Mỹ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa trái phép các rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gia tăng sự hiện diện của các máy bay và tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh hải của mình. Phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý này vào năm 2016.

Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối.

Hoàng Vũ (theo CNN, Global Times)

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đưa chiến hạm tới Hoàng Sa, đi sâu vào vùng Trung Quốc chiếm đóng phi pháp