Nga đạt nhiều thành tựu công nghệ quân sự mang tính lịch sử và củng cố quan hệ với các cường quốc châu Á, đánh dấu một năm nước này thách thức thế thống trị toàn cầu của Mỹ.
Tổng thống Vladimir Putin năm 2008 vạch ra kế hoạch hiện đại hóa quân đội Nga. Đến tháng 12.2017 trước lúc chính quyền Washington công bố Chiến lược An ninh quốc gia xem Nga cùng Trung Quốc là đối thủ lớn, nhà lãnh đạo Moscow tiết lộ đã hiện đại hóa 79% số vũ khí hạt nhân. Ông còn khẳng định 90% vũ khí tiên tiến của Nga vào năm 2021 sẽ có tên lửa đủ sức xuyên thủng bất cứ hệ thống đánh chặn hiện tại lẫn trong tương lai nào.
Kế hoạch mà Tổng thống Putin theo đuổi càng được đẩy nhanh sau khi Mỹ nới lỏng hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân của bản thân thông qua báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân (NPR) ban hành tháng 2.2018.
Trong Thông điệp Liên bang tháng 3, Tổng thống Putin giới thiệu một loạt vũ khí tiên tiến bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat, tên lửa hành trình 9M730 Burevestnik, tàu ngầm tự hành Poseidon, tên lửa hành trình siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal, tên lửa đẩy - lướt siêu thanh Avangard, hệ thống chiến đấu laser Peresvet.
Lần lượt Sarmat, lò phản ứng hạt nhân cho động cơ tàu Poseidon và Avangard đều trải qua một số cuộc thử nghiệm trong năm nay. Trong khi đó dây chuyền lắp ráp Burevestnik đã vận hành, Peresvet được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh vũ khí cho tương lai, quân đội Nga cũng làm nên lịch sử khi phóng thử tên lửa đất đối không từ hệ thống S-500 trúng mục tiêu cách xa 299 dặm (481 km).
Hải quân nước này phải chịu tổn thất do tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov bị hư hại nghiêm trọng, nhưng lại có thêm tàu ngầm lớp Borei-A và lớp Yasen nâng cấp. Moscow còn thử thành công tên lửa chống hạm siêu thanh 3M22 Tsirkon.
Trong khi đó, tiêm kích đa nhiệm tàng hình Su-57 sắp được trang bị tên lửa siêu thanh tương tự Kinzhal cũng như tích hợp chế độ chiến đấu hoàn toàn tự động.
Củng cố quan hệ
Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang, Nga tổ chức nhiều cuộc tập trận với quốc gia trên khắp các châu lục. Đáng chú ý là tập trận “Anh em Slavic” với Belarus và Serbia vào hai tháng 6 và 7; “Nhiệm vụ hòa bình Tổ chức Hợp tác Thượng Hải” tháng 8 có Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan góp mặt; tập trận “Tổ chức An ninh tập thể” lần đầu tiên.
Ngoài ra, Moscow còn tiến hành tập trận song phương cùng Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập.
Màn phô diễn sức mạnh quy mô lớn nhất chính là Vostok 2018 tháng 9, quy tụ 262.000 quân lính, 1.077 máy bay, 900 xe tăng, 31.000 khí tài quân sự và 300 tàu chiến. Quân đội Trung Quốc cùng Mông Cổ được mời tham gia.
Năm 2018 ghi nhận quan hệ Nga - Trung được thúc đẩy mạnh mẽ. Quan chức hai nước đều nhiều lần ca ngợi giai đoạn tốt đẹp trong quan hệ song phương này.
Cẩm Bình (theo Newsweek)