ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng đất đai có thể dẫn đến đổ máu trong gia đình giữa những người ruột thịt như vụ việc vừa diễn ra ở Hưng Yên gần đây, rất đau lòng.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Đất đai có thể dẫn đến đổ máu giữa những người ruột thịt, rất đau lòng!

Hoài Lam | 03/11/2022, 15:55

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng đất đai có thể dẫn đến đổ máu trong gia đình giữa những người ruột thịt như vụ việc vừa diễn ra ở Hưng Yên gần đây, rất đau lòng.

Thảo luận tổ tại Quốc hội về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng (Điều 86), một số đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa cụ thể, rành rọt các điều kiện, tiêu chí, phân biệt rõ giữa dự án nào mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và dự án nào mục đích kinh tế đơn thuần.

Do vậy, để minh bạch trong thu hồi đất, tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan và khiếu nại, khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi cần rà soát, quy định cụ thể rõ ràng hơn.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, khiếu kiện đất đai rất nóng và chiếm tới 80% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai.

“Đất đai có thể dẫn đến đổ máu trong gia đình giữa những người ruột thịt như vụ việc vừa diễn ra ở Hưng Yên gần đây, rất đau lòng", ông Vân nói.

Theo vị đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau, việc xác định giá đất còn mang tính chủ quan, đôi khi áp đặt. "Chúng ta nói theo thị trường nhưng thực ra chúng ta có theo hết thị trường đâu", ông Vân nêu.

van-2.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội

Ông lấy ví dụ, một sào đất nông nghiệp mỗi năm thu hoạch hai vụ lúa, một vụ màu, mang lại giá trị sau khi trừ chi phí đầu tư có thể được 100 triệu đồng. Mảnh đất sau khi được Nhà nước thu hồi để đầu tư dự án công cộng, đầu tư công hoặc mục đích thương mại thì đã lên giá rất nhiều, 5-10 lần, có chỗ hàng trăm lần.

"Chúng ta bồi thường một giá rất rẻ, đẩy người nông dân ấy vào một tình huống họ không có ruộng để canh tác", ông Vân nêu thực trạng.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho biết người dân khi bị thu hồi đất thì dẫn đến mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, phần lớn lại không có cơ hội và không đủ điều kiện để tìm được việc làm mới, dễ phát sinh khiếu kiện... Do vậy, đại biểu nói cần có chính sách và thể chế đầy đủ các nội dung bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất, của nhà đầu tư trong việc thu hồi đất.

Các đại biểu cho rằng việc đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân là bài toán rất khó. Do vậy, để đảm bảo khả thi của khẳng định này, cơ chế tính giá đất bồi thường sát giá thị trường, nhưng đặc biệt phải bảo đảm tính đúng, tính đủ cho người bị thu hồi. Ngoài ra, các tiêu chí xác định giá thị trường cũng cần phải được quy định thật cụ thể.

Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về phương án ổn định nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất theo hướng nâng cao hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đảm bảo bằng với tài chính, mức sống của người có đất nông nghiệp trước khi bị thu hồi; bổ sung quy định hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu tái định cư để bảo đảm ổn định chỗ ở cho người có đất bị thu hồi.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật quy định rõ các nguyên tắc được tái định cư, thu hồi đất khi dự án tái định cư đã hoàn thành hay chưa hoàn thành, nếu dự án tái định cư chưa hoàn thành được thu hồi đất không?

Liên quan đến câu chuyện định giá đất, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, trước đây, đất không qua đấu thầu, đấu giá, chủ yếu là giao đất và định giá theo khung, theo bảng… là bất cập lớn. Việc tính toán thu thuế trên hợp đồng làm cho người dân không bao giờ khai thật giá trị mua bán thật.

Vì vậy, trong vấn đề này, phương pháp được lựa chọn là phương pháp định giá theo "vùng giá trị, xác định thửa đất chuẩn". Trên thế giới cũng đã thực hiện phương pháp này khi có bản đồ địa chính số và thiết lập được mạng lưới, thiết lập được thông tin về giá đất hàng ngày và chuẩn. Do đó, trong luật này đã chế định, trách nhiệm của người dân, quy định về cách thức giao dịch, dữ liệu về Nhà nước giao đất theo thị trường, việc đấu thầu, đấu giá…

ha.jpeg
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, hiện nay đã có một số đơn vị như TP.HCM và Hà Nội đang làm việc này. Chúng ta hoàn toàn có phương pháp và hoàn toàn thu thập được. Tất nhiên phải có phương pháp và chế định được để làm sao thông tin này chính xác.

"Điều quan trọng nhất là giá đất không được mang tính chủ quan và mọi phương pháp làm phải có thống kê, toán học, độc lập với những người định giá. Còn lại, chúng ta vẫn cần có hội đồng, có cơ quan tư vấn. Nhưng tất cả những vấn đề này đều phải có phần mềm do Bộ TN-MT cùng với các chuyên gia định giá đưa ra. Giá phổ quát trên thị trường không phải là giá do ý chí chủ quan chúng ta đưa ra, mà là toàn bộ hệ thống thu thập được trên các thửa đất chuẩn và ở các vùng giá trị mà chúng ta sẽ xác định", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng TN-MT cũng cho biết, liên quan tới vấn đề bồi thường, khi có những vấn đề do lỗi của Nhà nước thì phải có cách phục hồi và bảo vệ lợi ích của người dân. Trong dự thảo Luật hiện nay, không còn khái niệm Nhà nước thu hồi đất để phục vụ dự án quốc phòng an ninh và làm đường thì giá thu hồi rẻ hơn đối với đất đai làm thương mại và dịch vụ.

Theo ông, để làm điều đó, Nhà nước sẽ trực tiếp điều chỉnh địa tô chênh lệch và phải hài hòa lợi ích giữa địa phương này với địa phương khác, giữa doanh nghiệp-Nhà nước-người dân sử dụng đất và đảm bảo công bằng cho các đền bù khác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chỉ thu hồi khi chứng minh đó là những dự án công, dự án an ninh quốc phòng, dự án kinh tế - xã hội mang lại lợi ích quốc gia, công cộng.

Mặt khác, từ nay trở đi, vấn đề giao đất trong mọi thủ tục hồ sơ không còn khái niệm hộ. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề mang tính lịch sử, những gia đình nào "cấp hộ" thì chúng ta mở ra các gia đình làm rõ mối quan hệ pháp lý và xác định rõ quyền hạn sử dụng đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lê Thanh Vân: Đất đai có thể dẫn đến đổ máu giữa những người ruột thịt, rất đau lòng!