Những ngày qua, hàng chục hộ dân sống 2 bên bờ kênh Tân Hiệp (thị trấn Một Ngàn, H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bức xúc khi cầu Tân Hiệp (nối khu hành chính H.Châu Thành A với trung tâm chợ Một Ngàn) đang được xây dựng có độ cao thông thuyền quá thấp.
Chiếc cầu dài 39 mét, rộng 21,7 mét. Đến nay, công trình đã đạt được 50% tiến độ. Do đây là hệ thống giao thông nội ô nên cầu và đường giao cắt đồng mức cùng cấp. Vì thế, cầu được xây dựng với tĩnh không thông thuyền (độ cao thông thuyền) là… cầu không thông thuyền. Tức độ cao cầu chỉ tương đương mặt đường.
Người dân cho biết một khi cầu này hoàn thành, các phương tiện thủy có trọng tải vừacũng đã không thể lưu thông qua lại được, chứ chưa nói ghe tàu lớn,ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân… Trong khi đó chính quyền cho rằngviệc thiết kế cầu không có độ cao thông thuyền là để tạo mỹ quan.
Tuần rồi, UBND tỉnh Hậu Giang cùng các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại với các hộ dân, nhằm tìm ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, vẫn chưa có ý kiến thống nhất giữa chính quyền và người dân. Cụ thể, nhiều người dân cho rằngviệc xây cầu Tân Hiệp tạo mỹ quan đô thị là cần thiết, tuy nhiên trước khi thi công, chủ đầu tư cần tổ chức đánh giá công trình có tác động, ảnh hưởng đến người dân hay không. Nếu có, tìm phương án giải quyết.
Theo người dân địa phương, không nên thực hiện theo cách “mất bò mới lo làm chuồng”... Ông Nguyễn Minh Phụng (ấp Tân Lợi, TT.Một Ngàn) cho biếtgia đình ông chuyên cho thuê máy gặt đập liên hợp nhưng nếu cầu Tân Hiệp xây dựng xong với thiết kế hiện tại thì gia đình ông sẽ không có hướng nào khác để di chuyển máy từ cơ sở ra kênh xáng Xà No đi các địa phương khác.
Ông VõVăn Đoàn bức xúc tại buổi đối thoại - Ảnh: Thanh Ngọc
Là hộ có cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nằm cạnh kênh Tân Hiệp, ông Võ Văn Đoàn cũng cho rằng: “Việc di chuyển bằng đường bộ là không thể vì gia đình tôi bán vật liệu ở vùng sông nước, phải len lỏi vào các kênhrạch nên không thể nào đi bằng xe tải được”.
Ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND H.Châu Thành Acho rằng việc tạm ngưng thi công sẽ làm chậm trễ tiến độ, vi phạm hợp đồng và phải bồi thường. “Kênh Ba Bọng vừa nạo vét xong, người dân chịu khó đi qua đó thời gian, huyện sẽ xin tỉnh đầu tư mở đường giao thông mới. Mà mở tuyến mới liền cũng không được, phải đi theo trình tự thủ tục theo quy định. Bây giờ sự việc này cũng đã lỡ rồi, tôi xin ý kiến bà con cho tiếp tục tiến hành thi công”, ông Lâmtrình bày.
Ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND H.Châu Thành A đối thoại với người dân - Ảnh: Thanh Ngọc
Nhưng ông Nguyễn Văn Tuôi (ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn) bày tỏ: “Nếu chúng tôi đi được đường khác thì đã đi rồi. Chúng tôi sống ở đây, đường nào chúng tôi cũng hiểu hết. Giờ tôi chỉ yêu cầu: một là nâng cầu lên, hai là tạo một lối đi khác (từ kênh Tân Hiệp sang kênh Xáng Mới) thuận tiện cho bà con”.
Ông Nguyễn Thanh Son, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án H.Châu Thành A, thông tinsau khi tiến hành khảo sát cho thấynếu mở kênh mới nối giữa kênh Tân Hiệp và kênh Xáng Mới thì tổng kinh phí sẽ là 8,3 tỉ đồng. Nếu dự án được tỉnh phê duyệt và triển khai các thủ tục, quy trình đầu tư thì cuối năm 2019 sẽ tiến hành thi công.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằngdự án cầu Tân Hiệp được đầu tư xây dựng đúng quy trình - Ảnh: Thanh Ngọc
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biếtdự án cầu Tân Hiệp với kinh phí 28 tỉ đồng. Để giải quyết bức xúc hiện nay, đề nghị huyện tập hợp cụ thể danh sách hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, sau đó có văn bản đề nghị Thường trực UBND tỉnh xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan. Đặc biệt, đề xuất giải pháp trên cơ sở bà con đi lại đảm bảo.
Theo ông Tuấn, còn dự án cầu Tân Hiệp sẽ tiếp tục thi công. Trước mắt, giao cho ngành chức năng H.Châu Thành A tiếp tục khảo sát và tiến hành nạo vét mở rộng kênh Ba Bọng cho phương tiện lưu thông dễ dàng hơn.
Thanh Ngọc