Dữ liệu cho thấy phổ biến tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh tại nhiều nước trên thế giới trong năm 2020. Nhận định cho rằng dịch bệnh COVID-19 khiến các cặp vợ chồng ở nhiều nước phải trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch sinh con.

Dịch bệnh COVID-19 khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh tại nhiều nước

Đức Thanh | 01/03/2021, 19:20

Dữ liệu cho thấy phổ biến tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh tại nhiều nước trên thế giới trong năm 2020. Nhận định cho rằng dịch bệnh COVID-19 khiến các cặp vợ chồng ở nhiều nước phải trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch sinh con.

anh-ap.jpg
Việc phong tỏa đã làm giảm đáng kể cơ hội hẹn hò của mọi người khiến số lượng cặp bạn tình thành vợ chồng sụt giảm, theo đó cũng giảm số trẻ sơ sinh - Ảnh: AFP

Tờ Thời báo châu Âu (Oushinet) dẫn một nghiên cứu của Tập đoàn HSBC cho biết tỷ lệ sinh trên toàn cầu trong năm 2020 và 2021 có thể giảm từ 10% đến 15%, theo đó số trẻ sinh mới sẽ giảm từ 15 đến 20 triệu, tương đương với 10 lần số ca tử vong do COVID-19. Dữ liệu báo cáo chính thức năm 2020 của Ý cũng cho thấy 37% người Ý trì hoãn kế hoạch sinh con và 21% đã hoàn toàn xua tan ý định sinh con. Ngày 25.2, Viện Thống kê và Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE) công bố số trẻ sinh ra ở Pháp trong tháng 1 năm nay giảm 13% so với tháng 1 năm ngoái, đây là lần đầu tiên có tình trạng chênh lệnh sụt giảm cao như vậy kể từ năm 1975. Tương tự ở châu Á, BBC chỉ ra thực trạng sụt giảm tỷ lệ sinh kỷ lục ở nhiều nước kinh tế phát triển.

3 nguyên nhân chính

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng ra sao trong lựa chọn sinh con của các cặp vợ chồng? Thời báo châu Âu (Oushinet) dẫn nhận định của học giả Eva Beaujouan về nhân khẩu học tại Đại học Vienna (Áo), chỉ ra một số yếu tố khiến tình trạng như vậy: do coronavirus mới tác động đến khả năng sinh con, tình trạng phong tỏa, và lo ngại vấn đề kinh tế.

Về tác động của coronavirus mới, dù người trẻ tuổi không phải nhóm người chịu nguy hiểm cao, nhưng các nghiên cứu ở Mỹ, Trung Quốc và Malaysia đã cho thấy dường như coronavirus mới có tác động nhất định đến khả năng sinh con của nam giới. Còn các biện pháp hạn chế của các nước để ngăn chặn dịch bệnh thì đã khiến người dân cảm thấy căng thẳng và lo lắng, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ham muốn tình dục. Cuối cùng, tác động tâm lý của khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra: “Thất nghiệp và nỗi lo thất nghiệp gây ảnh hưởng rất lớn đến việc mọi người thành lập và mở rộng gia đình”. Học giả Beaujouan nhấn mạnh, một số cặp vợ chồng trong cuộc khảo sát đã cho biết rõ vì viễn cảnh ảm đạm nên không muốn có con.

Một vấn đề nữa, trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa xuân năm ngoái, các cơ sở y tế hỗ trợ sinh sản buộc phải đóng cửa, điều này cũng khiến một số người không thực hiện được kế hoạch sinh con theo kế hoạch. Claire de Vienne, người phụ trách hoạt động liên quan tại cơ quan quản lý y sinh Pháp chỉ ra từ tháng 1 – 10 năm ngoái, số ca phẫu thuật lấy trứng ở Pháp đã giảm 32%, một mức giảm chưa từng có.

Ảnh hưởng của dịch bệnh với tỷ lệ sinh cũng khác nhau giữa các quốc gia. Gilles Pison, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dân số Quốc gia Pháp (Ined), chỉ ra Pháp nhờ có các khoản trợ cấp kinh tế cho dịch bệnh và chính sách về sinh sản khá hoàn thiện nên tỷ lệ giảm mức sinh không lớn như Anh và Mỹ; nhưng với Ý thì bình thường tỷ lệ sinh vốn đã rất thấp, tác động của đại dịch khiến tình hình còn xuống thấp hơn. Alessandro Rosina, nhà thống kê học nhân khẩu tại Đại học Công giáo Milan, cho hay bình quân mỗi phụ nữ tại Ý có trung bình 1,3 trẻ em, là một trong những nước có mức sinh thấp nhất ở châu Âu; cuộc khủng hoảng sinh sản do đại dịch coronavirus mới gây ra có thể gây ra thiệt hại không thể đảo ngược đối với sự cân bằng của dân số Ý, thậm chí về lâu dài có thể gây nguy cơ sụp đổ hệ thống kinh tế và an sinh xã hội của Ý.

Khủng hoảng sinh sản ở châu Á cũng trầm trọng thêm

Ngoài châu Âu và Mỹ, bức tranh khủng hoảng sinh sản cũng diễn ra ở nhiều nước châu Á. Oushinet dẫn số liệu vào đầu tháng 2 từ Trung tâm Nghiên cứu Quản lý chính sách hộ gia đình của Bộ Công an Trung Quốc cho biết, số trẻ sơ sinh đăng ký ở Trung Quốc vào năm 2020 đã giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

em-be.jpg
Tổng số ca sinh ở Trung Quốc đã giảm trong 3 năm liên tiếp, nhưng dự đoán khoảng năm 2030,  người già trên 60 tuổi sẽ chiếm 1/4 tổng dân số Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa Xã

Tại Nhật Bản, năm 2020 số lượng dân số mới sinh ở Nhật Bản lập mức thấp kỷ lục khi giảm 2,9% so với năm trước đó, thậm chí dự kiến tỷ lệ sinh năm 2021 ​​sẽ giảm 10%. Do dân số ngày càng giảm, tại Nhật Bản đã bắt đầu thịnh thành “robot trẻ em” để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Ví dụ một con robot có tên Yotaro có thể bắt chước một em bé, khuôn mặt của robot sử dụng công nghệ chiếu để mô phỏng cảm xúc và biểu cảm của con người, còn có cả phản ứng cảm xúc khi bị chạm vào. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, số người Nhật Bản trên 70 tuổi sẽ nhiều gấp đôi số người từ 15 đến 30 tuổi.

BBC dẫn tin từ Cơ quan thống kê Hàn Quốc công bố rằng vào năm 2020, cả nước Hàn Quốc có 276.000 ca sinh và 308.000 ca tử vong, số trẻ sơ sinh không chỉ giảm mức thấp kỷ lục mới 10%, mà còn là lần đầu tiên xảy ra mức tăng dân số âm. Năm ngoái, số con dự kiến ​​của mỗi phụ nữ Hàn Quốc đã giảm xuống còn 0,84, thấp hơn mức kỷ lục lịch sử vào năm 2019 là 0,92.

Tình hình ở Đài Loan cũng tương tự khi lần đầu tiên tăng trưởng dân số âm với 165.000 ca sinh và 173.000 ca tử vong.

Tại Hồng Kông, BBC dẫn tin cho biết số trẻ sơ sinh trong 11 tháng đầu năm ngoái đã giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, và số ca tử vong cũng lần đầu tiên vượt quá số trẻ sơ sinh.

Tại Singapore, nơi có tỷ lệ sinh vốn dĩ đã rất thấp (tỷ lệ trung bình 1,1 trẻ em trên một phụ nữ), để khuyến khích các cặp đôi sinh con, chính phủ quyết định cung cấp 3.000 USD cho mỗi trẻ sinh từ ngày 1.10.2020 đến ngày 30.9.2022.

Theo http://www.oushinet.com/static/content/guojinews/2021-02-27/8152
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch bệnh COVID-19 khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh tại nhiều nước