Tổng thống Trump 2 tuần trước đã công bố một chiến lược phòng chống COVID-19 cho nước Mỹ bắt đầu với tiêu đề "15 ngày làm chậm sự lây lan". Thông qua các cuộc phỏng vấn với nhân viên Nhà Trắng và các cố vấn, các phóng viên của tờ Politico đã điểm lại những diễn biến kể từ khi chính quyền Washington bắt đầu mạnh tay chống dịch.

Điểm lại diễn biến chiến dịch ‘15 ngày làm chậm sự lây lan’ của chính quyền Trump

01/04/2020, 16:28

Tổng thống Trump 2 tuần trước đã công bố một chiến lược phòng chống COVID-19 cho nước Mỹ bắt đầu với tiêu đề "15 ngày làm chậm sự lây lan". Thông qua các cuộc phỏng vấn với nhân viên Nhà Trắng và các cố vấn, các phóng viên của tờ Politico đã điểm lại những diễn biến kể từ khi chính quyền Washington bắt đầu mạnh tay chống dịch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng - Ảnh: Politico

Một sự yên tĩnh kỳ lạ len lỏi vào Nhà Trắng. Bàn làm việc bỏ trống, đèn văn phòng đã tắt, nhiều nhân viên được yêu cầu làm ở nhà, và cảnh tượng các đoàn du khách thường ngày đổ xô vào thăm quan Cánh Tây Nhà Trắng đã không còn. Chỉ còn đó là Tổng thống Donald Trump, cùng các trợ lý hàng đầu và một nhóm nhỏ nhân viên ở lại Nhà Trắng để lên kế hoạch chiến đấu lại với COVID-19. Tất cả đều nhận thức sâu sắc những quyết sách trong những ngày tới không chỉ định hình di sản của họ mà còn quyết định tương lai công việc sau khi mà nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc vào cuối năm 2020.

Đó là sự khởi đầu của giai đoạn 15 ngày mà Nhà Trắng hy vọng có thể làm chậm coronavirus và ngăn chặn sự chảy máu kinh tế khi nó xuất hiện. Trong 2 tuần này, tổ công tác đặc biệt chống COVID-19 của tổng thống khuyến khích người Mỹ về cơ bản tự cách ly, trong khi các cố vấn làm việc với các thống đốc bang và tranh cãi với các nhà lập pháp đàm phán về dự luật phục hồi kinh tế lớn nhất chưa từng thấy.

Mỗi ngày tạo ra những thách thức và tranh cãi mới. Trong khi Tổng thống Trump đề cao những phương pháp chữa trị tiềm năng vẫn chưa được chứng minh, các trợ lỳ của ông thì đau đầu không ngừng về tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế. Cùng với đó, tất cả mọi người vật lộn với tình trạng số người chết tăng cao tại Mỹ.

Khởi đầu: 2.1

Ca nhiễm: 0

Cũng giống như nhiều người Mỹ, mức độ nghiêm trọng của vấn đề không được đánh giá cao ở Nhà Trắng. Ngay từ ngày 2.1, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), ông Robert Redfield đã liên lạc với Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về tình hình đang bùng phát ở Trung Quốc liên quan đến một loại bệnh về đường hô hấp chưa xác định. 10 ngày sau, Trung Quốc báo cáo đã có 1 ca tử vong đầu tiên. Sau đó, giống như ngọn lửa bốc lên từ cành khô, coronavirus bắt đầu lan rộng.

Trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 ghi nhận tại Mỹ vào 21.1. Những ngày sau đó, tổng thống thành lập tổ công tác đặc biệt để chống dịch. Nhưng khi phát biểu công khai, Tổng thống và cố vấn cho rằng tình hình được kiểm soát vì ông đã ra lệnh cấm hầu hết việc di chuyển từ Trung Quốc vào đầu tháng 2.

Trong nội bộ, một số quan chức Nhà Trắng vốn đang theo sát tình hình ở nước ngoài cảm thấy thất vọng vì các quan chức cấp cao, bao gồm cả tổng thống đánh giá thấp vấn đề. Họ lập luận rằng các lệnh hạn chế đi lại từ Trung Quốc là không đủ, đồng thời thúc giục ông Trump phải có hành động quyết liệt hơn, viện dẫn những dự báo cho thấy Mỹ có thể phải đối mặt với tình hình giống Ý, nơi chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 vào giữa tháng 2.

Tổng thống Trump dường như đã bắt đầu nhận thức mức độ nghiêm trọng của đại dịch vào cuối tháng 2, trong chuyến bay trở về từ Ấn Độ kéo dài 18 giờ. Trên phi cơ, ông theo dõi những thông tin cập nhật trên các phương tiện truyền thông về dịch bệnh. Theo cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, nhà lãnh đạo Mỹ đã không ngủ trên suốt hành trình của chuyến bay.

Vài phút sau khi hạ cánh vào sáng 26.2 tại Washington D.C., trên mạng xã hội Twitter, ông Trump thông báo sẽ tổ chức họp báo về COVID-19. Ông vội vã chỉ định Phó tổng thống Mike Pence phụ trách giám sát tổ công tác chống dịch và dự đoán số ca nhiễm coronavirus ở Mỹ “sẽ sớm về 0”.

Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra. Đầu tháng 3, tổng thống và nhóm phụ tá của ông đã bị bủa vây bởi những lo lắng bùng lên trên cả nước. Tại thời điểm đó, Mỹ ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Thị trường chứng khoán lao dốc, thậm chí phải tạm dừng giao dịch trong 15 phút ngày 9.3.

Trước tình hình đó, Trump và các phụ tá phải tìm cách trấn an người dân bằng bài phát biểu từ phòng Bầu dục (Nhà Trắng). Tổng thống tuyên bố cấm tất cả người nhập cảnh từ châu Âu và cho biết các công ty bảo hiểm đồng ý chi trả cho việc điều trị COVID-19. Điều này đã khiến các nhà đầu tư hoang mang, bởi liệu hàng hóa từ châu Âu có còn được phép vào Mỹ hay không. Các công ty bảo hiểm thì bất ngờ, họ chỉ đồng ý trả tiền xét nghiệm chứ không phải toàn bộ chi phí điều trị. Nhà Trắng sau đó vội vàng làm rõ. Thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm, giao dịch một lần nữa bị dừng 15 phút ngày 12.3.

Một quan chức Nhà Trắng nói với Politico rằng đây là tuần thay đổi tất cả. Coronavirus bất ngờ lật đổ văn hóa tập thể của Mỹ khiến cuộc sống thường ngày của người dân bị đảo lộn. Chỉ trong vòng vài phút tối 11.3, ngôi sao Hollywood Tom Hanks cùng vợ thông báo dương tính với COVID-19, Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia Mỹ (NCAA) hủy giải bóng rổ, giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA cũng bị đình chỉ.

Tại thời điểm gam go này, ông Trump cùng nhóm cố vấn của mình nhận thức được cần phải có hành động quyết liệt và đã quyết định công bố khởi động chiến dịch phòng chống COVID-19 cho nước Mỹ bắt đầu với tiêu đề "15 ngày làm chậm sự lây lan".

Ngày đầu tiên: 16.3

Ca nhiễm: 6.400

Ca tử vong: 83

Sau khi xem xét dự báo mới khủng khiếp của Đại học Hoàng gia London công bố rằng nếu không bị kiềm chế, đại dịch COVID-19 có thể khiến 2,2 triệu người chết ở Mỹ, thái độ của tổng thống bất ngờ thay đổi.

Vào ngày 16.3, chính quyền Trump đã công bố một loạt khuyến cáo khi khởi động chiến dịch 15 ngày, yêu cầu người dân không tụ tập quá 10 người - biện pháp gắt gao gấp 5 lần so với chỉ dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) 1 ngày trước đó. "Với vài tuần tập trung hành động, chúng ta có thể xoay chuyển tình thế nhanh chóng. Chính phủ của chúng ta đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết", ông Trump tuyên bố.

Bác sĩ Deborah Birx, một chuyên gia y tế toàn cầu được giao nhiệm vụ điều phối nhóm phản ứng coronavirus của Nhà Trắng, đã kêu gọi người dân Mỹ thực hiện các chỉ dẫn của chính phủ. “Chúng tôi thực sự muốn mọi người hạn chế tụ tập vào thời gian này, nhằm có thể ngăn chặn sự lây lan virus một cách toàn diện, trong khi chưa có vắc-xin hoặc một loại thuốc điều trị”, bà nói.

Tổng thống cũng chỉ thị Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vạch ra một dự luật ngân sách tại quốc hội để thúc đẩy kinh tế. “Hãy hành động ngay bây giờ, nếu không, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới hai chữ số”, ông Mnuchin cảnh báo các nhà lập pháp đảng Cộng hòa trong bữa ăn trưa trền đồi Capitol.

Ngày thứ 3: 18.3

Ca nhiễm: 13.700

Ca tử vong: 150

Đường phố ở các thành phố lớn như San FranciscoNew York đã bắt đầu vắng lặng. Còn tại Nhà Trắng, ông Trump đã đưa ra thông điệp mới rằng “Đất nước đang trong cuộc chiến” và tự gọi mình là “Tổng thống thời chiến”.

“Cho đến ngày nay, không ai thấy bất cứ điều gì giống như những gì họ có thể làm trong Thế chiến II. Chúng ta phải cùng nhau hy sinh, bởi vì tất cả chúng ta đều phải đối mặt với vấn đề này và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua. Virus là kẻ thù vô hình. Nó luôn là kẻ thù khó nhằn nhất. Nhưng chúng ta sẽ đánh bại kẻ thù vô hình trên. Tôi nghĩ chúng ta sẽ làm điều đó còn nhanh hơn mình nghĩ và rồi sẽ đạt được chiến thắng toàn diện. Đó sẽ là một chiến thắng toàn diện”, ông Trump nhấn mạnh.

Tổng thống sau đó tuyên bố sẽ kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng, cho phép ông yêu cầu ngành công nghiệp tăng cường sản xuất các thiết bị và vật tư quan trọng như máy thở, khẩu trang và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế có nhu cầu nhằm đối phó đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng ông chỉ kích hoạt nó "trong trường hớp xấu nhất".

Tại Nhà Trắng, “kẻ thù” đã ở rất gần. Trump và nhiều phụ tá thân cận đã tiếp xúc với những người nhiễm coronavirus. Con gái ông, Ivanka Trump, quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mulvaney và chánh văn phòng sắp nhậm chức, Mark Meadows cùng một số thành viên quốc hội, cũng phải tự cách ly. Ngay cả, thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cũng làm việc tại nhà.

Nhà Trắng tăng cường phòng thủ. Các bác sĩ đo thân nhiệt của người ra vào. Bên trong Cánh Tây, những người hắt hơi và ho đều được xem là mối đe dọa tiềm tàng. Những lọ nước khử trùng tay được đặt xung quanh Nhà Trắng. Trước khi bất cứ ai tiếp xúc với tổng thống, họ phải đo thân nhiệt một lần nữa. Phòng họp báo của Nhà Trắng, vốn thường chật kín phóng viên và nhiếp ảnh gia, giờ chỉ còn một nhóm nhỏ nhà báo.

Bản thân nước Mỹ cũng tăng cường phòng thủ. Tổng thống Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng tuyên bố Mỹ - Canada tạm thời hạn chế tất cả hoạt động đi lại không thiết yếu. Trong khi, Quốc hội vội vã cung cấp gói “phòng thủ” kinh tế cho người Mỹ. Cùng ngày hôm đó, Thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ gói cứu trợ khổng lồ giúp tăng cường trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo nghỉ phép có lương và xét nghiệm coronavirus miễn phí.

Ngày thứ 4: 19.3

Ca nhiễm: 19.100

Ca tử vong: 206

Tổng thống bước lên bục phát biểu, quyết tâm cho thấy sự tiến bộ của công tác chống dịch, tuyên bố hai loại thuốc chống sốt rét chloroquineremdesivir đã cho thấy những dấu hiệu tích cực trong điều trị COVID-19. Người đứng bên cạnh ông Trump, lãnh đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, ông Stephen Hahn cho biết vẫn chưa chắc chắn về mức an toàn và hiệu quả của các loại thuốc này vì các nghiên cứu mới chỉ được thực hiện thông qua quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Đáng chú ý, mặc dù kêu gọi mọi người đoàn kết trong khủng hoảng, tổng thống vẫn hướng những lời chỉ trích về phía truyền thông và nói: "Tôi bất ngờ khi đọc những thứ họ viết”.

Trump đặc biệt nổi giận bởi câu hỏi tại sao ông bắt đầu gọi coronavirus là "virus Trung Quốc" khi không một nhà lãnh đạo thế giới nào sử dụng thuật ngữ như vậy cũng như Tổ chức Y tế thế giới WHO từ lâu đã khuyến cáo không gắn tên một quốc gia hay địa điểm với một căn bệnh có thể dẫn đến “phân biệt đối xử”. Tuy nhiên, tổng thống và các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông đã nhiều lần nhấn mạnh virus bắt nguồn từ Trung Quốc và chỉ trích nước này đã che giấu dịch trong giai đoạn đầu và gây thiệt hại cho thế giới.

Ông Trump sau đó gạt những câu hỏi sang một bên và nói: “Tuần trước, mọi thứ trở nên hỗn loạn. Bây giờ, các bạn có thể thấy rõ tôi. Không có sự hỗn loạn nào ở đây cả. Tôi chính là người khuyên bảo mọi người cần bình tĩnh. Và không có một sự hỗn nào ở Nhà Trắng”.

Ngày thứ 9: 24.3

Ca nhiễm: 65.800

Ca tử vong: 780

Yêu cầu của các thống đốc và quan chức y tế công cộng về đề nghị kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng cuối cùng đã được Tổng thống Trump đáp ứng. Giám đốc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) Peter Gaynor thông báo đã được ưu tiên sử dụng luật để bổ sung vật tư y tế.

Máy thở đang trở nên khan hiếm ở Mỹ khi một số bang lo lắng họ thiếu máy thở để điều trị các ca bệnh nặng. Thống đốc của bang New York, ông Andrew Cuomo đã mô tả sự thiếu hụt máy thở - thiết bị hỗ trợ hô hấp cho người bệnh khi họ không thể tự thở - như những cỗ máy thiên văn học bởi vì "chúng không có sẵn trong nhà kho, tất nhiên cũng không có kho dự trữ máy thở".

Trong một cuộc họp báo giữa trưa tại thành phố New York, ông Cuomo bày tỏ thất vọng về Trump. "Ông định để 26.000 người chết", Cuomo nói sau khi tổng thống chỉ đồng ý cung cấp 4.000 máy thở trong khi New York - ổ dịch lớn nhất nước Mỹ lại yêu cầu 30.000 máy. Tuy nhiên, ông Trump sau đó nói rằng "liệu ông Cuomo và New York có thật sự cần đến từng ấy máy thở không?"

Bên cạnh đó, Trump khiến mọi người bất ngờ khi nói ông tuyên bố để ngỏ khả năng nới lỏng quy định về giảm tiếp xúc xã hội, mở cửa nền kinh tế vào trước Lễ Phục sinh 12.4 để giảm thiểu những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra mà ông tin rằng “khó có thể khắc phục”. Ngay cả khi các cố vấn y tế của ông cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu người Mỹ được phép quay trở lại các cuộc tụ họp lớn hoặc nơi làm việc đông đúc, ông chủ Nhà Trắng vẫn định cho phép người dân Mỹ trở lại cuộc sống bình thường.

Các tiểu bang như Ohio, Nam DakotaMaryland cho rằng phải đến tháng 5 đỉnh dịch mới qua. Một số bang ở Trung Tây nước Mỹ thậm chí bàn bạc với nhau kế hoạch duy trì "cách ly xã hội" nếu Tổng thống sớm dỡ bỏ các hạn chế quốc gia.

Ngày thứ 11: 26.3

Ca nhiễm: 101.700

Ca tử vong: 1.295

Nước Mỹ thức dậy vào ngày 26.3 với một con số khủng khiếp: 3,3 triệu người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang đối diện với cơn khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 mang lại. Chưa bao giờ đất nước nhìn thấy con số như vậy.

Hàng loạt nhà hàng, cửa hiệu và khách sạn tại Mỹ đã phải đóng cửa. Cùng với việc các hãng hàng không giới hạn hoạt động, sự đình trệ chung đã đẩy số người xin trợ cấp thất nghiệp lên cao. Số đơn xin tăng vọt tại gần như tất cả các bang có ghi nhận ca nhiễm. Dịch bệnh này ảnh hưởng nặng nề tới các ngành dịch vụ ăn uống, nơi ở, giải trí, y tế và giao thông vận tải.

Đến cuối ngày, Mỹ lại nhận thêm một con số khủng khiếp khác: Hơn 1.000 người đã chết vì dịch bệnh. Khi số lượng các trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới tăng vọt hơn nửa triệu, Mỹ vượt qua Trung Quốc, trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu trong khi vẫn đang cố gắng tăng cường khả năng xét nghiệm. Phó tổng thống Mike Pence nói với phóng viên, tính đến 26.3, nước này tiến hành khoảng 552.000 xét nghiệm. Giới chức bang vẫn tiếp tục phàn nàn về tình trạng thiếu hụt vật tư y tế.

Tất cả những con số này dường như đã làm tổng thống sầu não. Ông lo lắng về thị trường chứng khoán trượt dốc, khi trước đó vốn được coi là niềm tự hào trong nhiệm kỳ của ông. Nhưng Trump đã tìm thấy sự thoải mái trong các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của người dân đối với chiến dịch xử lý đại dịch của ông.

Tổng thống đã gửi một lá thư đầy lạc quan đến các thống đốc bang, nói rằng Nhà Trắng đang tìm cách giảm bớt hạn chế khi khả năng xét nghiệm đã được cải thiện. Hành động của ông Trump diễn ra sau khi Thượng viện Mỹ vào ngày 25.3 đã chính thức thông qua gói cứu trợ kinh tế kỷ lục 2.000 tỉ USD để giúp đỡ những người lao động thất nghiệp và các ngành công nghiệp đang chịu thiệt hại bởi COVID-19, cũng như cung cấp hàng tỉ USD để mua thiết bị y tế cần thiết nhằm đối phó với dịch bệnh.

Ngày thứ 15: 30.3

Ca nhiễm: 163.479

Ca tử vong: 3.148

Đây là ngày đánh dấu kết thúc chiến dịch "15 ngày làm chậm sự lây lan" của đại dịch COVID-19 của chính quyền Trump, nhưng những gì tiếp theo vẫn là một bí ẩn. Các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump dự kiến sẽ tiết lộ kế hoạch tiếp theo của mình.

Trong bối cảnh số người nhiễm COVID-19 tăng vọt khi Mỹ vẫn chưa đến đỉnh dịch, Tổng thống Donald Trump hôm 29.3 thừa nhận rằng số người tử vong do dịch bệnh này tại Mỹ có thể lên tới 100.000 người và thông báo gia hạn quy định về giữ khoảng cách xã hội quốc gia đến ngày 30.4.

Nhà lãnh đạo 73 tuổi nói việc giữ số người tử vong dưới 100.000 đã là một nỗ lực “rất tốt” của nước Mỹ. "Nếu chúng ta có thể duy trì dưới ngưỡng đó, dưới ngưỡng 100.000 người, đây là một con số khủng khiếp, nhưng cùng với nhau, chúng ta đã làm rất tốt rồi", ông Trump nói.

Ngoài ra, Tổng thống Trump dự đoán số người chết ở Mỹ sẽ tăng gấp đôi từ ngày 2.4 đến 5.4 và tỷ lệ tử vong có thể sẽ đạt đỉnh được sau 2 tuần nữa. Ông cũng chỉ ra rằng, các mô hình dự báo 2,2 triệu người chết ở Mỹ nếu các biện pháp quyết liệt không được đưa ra để giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh, nhưng ông hy vọng đất nước sẽ trên đà phục hồi vào ngày 1.6.

Bình luận của ông Trump được đưa ra sau khi phóng viên đề nghị ông nói về cảnh báo của ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, rằng số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ có thể lên tới 100.000 đến 200.000 người.

Được biết, Tiến sĩ Fauci, người đã trở thành tiếng nói đáng tin cậy đại diện cho Nhà Trắng đối với công chúng trong bối cảnh đại dịch lây lan, nhấn mạnh nỗi lo lắng đang tràn ngập khắp nước Mỹ và ngay cả Nhà Trắng. "Các bạn không thể đưa ra các mốc thời gian. Mà chính virus làm việc đó", ông nói.

Hoàng Vũ (theo Politico)

Bài liên quan
Bộ Thương mại Mỹ: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 11.2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm lại diễn biến chiến dịch ‘15 ngày làm chậm sự lây lan’ của chính quyền Trump