Vi rút gây COVID-19 chắc chắn sẽ tiếp tục tiến hóa, vắc xin dựa trên biến thể cũ sẽ kém hiệu quả hơn. Vì vậy, giới khoa học phải không ngừng nỗ lực điều chỉnh vắc xin để đối phó với COVID-19.

Điều chỉnh vắc xin COVID-19 chống lại các biến thể nguy hiểm có dễ thực hiện?

Cẩm Bình | 24/08/2021, 09:21

Vi rút gây COVID-19 chắc chắn sẽ tiếp tục tiến hóa, vắc xin dựa trên biến thể cũ sẽ kém hiệu quả hơn. Vì vậy, giới khoa học phải không ngừng nỗ lực điều chỉnh vắc xin để đối phó với COVID-19.

Đầu năm 2021, Nam Phi quyết định không sử dụng vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất vì nhận thấy loại này không hiệu quả lắm với biến thể Beta đang lây lan nhanh trong nước.

Beta được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 5.2020, thuộc nhóm biến thể đáng quan ngại (VOC), dễ lây hơn và giảm hiệu quả của loạt biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán, vắc xin cùng phương pháp điều trị sẵn có. Các đơn vị sản xuất gồm cả AstraZeneca đang tiến hành điều chỉnh vắc xin.

Tại Ấn Độ, biến thể Delta hoành hành gây nên làn sóng dịch bệnh thứ hai, làm hai loại vắc xin Covaxin và AstraZeneca được dùng trong nước này giảm hiệu quả. Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn (ICMR) xác định hiệu quả của Covaxin (dùng công nghệ bất hoạt) giảm 3 lần, của AstraZeneca (dùng công nghệ véc tơ vi rút) giảm 2 lần. Vắc xin dùng công nghệ mRNA được cấp phép sử dụng tại Mỹ gồm Pfizer, Moderna cũng giảm hiệu quả trước biến thể Delta.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng các loại vắc xin dù dựa trên vi rút SARS-CoV-2 gốc nhưng vẫn cung cấp khả năng bảo vệ nhất định trước biến thể mới. Vì vậy khi người tiêm chủng đầy đủ nhiễm COVID-19, rủi ro trở nặng nhập viện và tử vong sẽ thấp.

vfl75mmnvpjlingxmdvgphccjxm.jpg
Vắc xin hiện hành dù dựa trên vi rút SARS-CoV-2 gốc nhưng vẫn bảo vệ được người tiêm trước biến thể mới ở mức độ nhất định - Ảnh: AP

Vì sao vắc xin giảm hiệu quả?

Tất cả vắc xin đang được sử dụng đều nhắm vào protein gai – thành phần giúp vi rút bám lên rồi xâm nhập tế bào người. Tuy nhiên, đây là protein liên tục đột biến.

Thay đổi trong sắp xếp protein gai càng khiến vắc xin khó kích hoạt hệ thống miễn dịch sản sinh kháng thể nhắm vào chúng hơn. Song, ngoài kháng thể, vắc xin còn kích hoạt sản sinh tế bào T cùng tế bào B vốn được xem như lá chắn lâu dài chống lại vi rút.

covid-host-cell-graph.png
Protein gai (đỏ) đột biến liên tục - Ảnh: Live Science

Là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, tế bào T chia thành loại hỗ trợ (helper T) và loại tiêu diệt (killer T). Khi tìm thấy protein vi rút, tế bào T hỗ trợ giải phóng tín hiệu hóa học kích hoạt thành phần miễn dịch khác hoạt động, trong đó có tế bào T tiêu diệt, xử lý tế bào nhiễm vi rút.

Còn tế bào B là loại tế bào bạch huyết thuộc phân nhóm tế bào lympho, có thể biến thành tế bào plasma sinh kháng thể khi có kháng nguyên lạ kích hoạt hoặc biến thành tế bào ghi nhớ.

Điều chỉnh vắc xin có dễ thực hiện không?

Đây không phải việc mới. Vắc xin cúm thường được cập nhật mỗi mùa để theo kịp những thay đổi của vi rút từ năm này sang năm khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có cả cơ chế giám sát và lựa chọn điều chỉnh cho vắc xin cúm thường.

Mức độ khó dễ trong điều chỉnh vắc xin tùy thuộc nền tảng công nghệ của vắc xin.

Vắc xin Pfizer và Moderna hoạt động bằng cách đưa vật liệu di truyền của vi rút (mRNA hay RNA thông tin) vào tế bào người, thúc đẩy chúng tạo ra protein gai của vi rút. Lúc này, hệ thống miễn dịch sẽ phát hiện protein gai và kích hoạt sản sinh kháng thể chống lại.

Như vậy với vắc xin mRNA, các nhà khoa học chỉ cần thay thế vật liệu di truyền cũ bằng vật liệu di truyền từ biến thể mới.

Vắc xin truyền thống dùng vi rút bất hoạt giống AstraZeneca tốn nhiều thời gian điều chỉnh hơn, nhưng công ty đã bắt tay vào nghiên cứu phiên bản mới chuyên chống lại biến thể Beta.

Một điểm quan trọng nữa là giới quản lý dược phẩm có thể không yêu cầu thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn vắc xin điều chỉnh như loại ban đầu. Họ chỉ cần dữ liệu an toàn từ thử nghiệm quy mô nhỏ.

Một số đơn vị sản xuất còn đang phát triển vắc xin mới không chỉ nhắm vào tế bào gai mà còn vài thành phần di truyền khác của vi rút. Loại như vậy được gọi là vắc xin đa trị – đủ sức đối phó nhiều biến thể khác nhau.

Bài liên quan
Vắc xin đầu tiên được FDA phê duyệt đầy đủ: Hy vọng cho Mỹ tăng tỷ lệ tiêm chủng
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) hôm 23.8 đã phê duyệt đầy đủ cho vắc xin Pfizer – BioNTech. Qua đó, nó trở thành vắc xin COVID-19 đầu tiên được sự đảm bảo xác nhận của FDA khi các cơ quan y tế đấu tranh để chiến thắng những người hoài nghi vắc xin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều chỉnh vắc xin COVID-19 chống lại các biến thể nguy hiểm có dễ thực hiện?