Không có vắc xin COVID-19 nào có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể nhiễm vi rút, đặc biệt là biến thể Delta.

Triệu chứng và cách xử lý khi nhiễm COVID-19 đột phá dù đã tiêm 2 liều vắc xin?

Sơn Vân | 23/08/2021, 23:00

Không có vắc xin COVID-19 nào có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể nhiễm vi rút, đặc biệt là biến thể Delta.

Không biết chính xác có bao nhiêu ca nhiễm đột phá COVID-19 đang xảy ra vì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) không thu thập dữ liệu này toàn quốc. Dựa trên các báo cáo từ 25 bang theo dõi những dữ liệu này, Tổ chức Gia đình Kaiser ước tính rằng tỷ lệ nhiễm COVID-19 đột phá là dưới 1%.

Nhiều người thắc mắc về việc phải làm gì nếu đã tiêm vắc xin nhưng kết quả xét nghiệm vẫn dương tính với COVID-19. Họ có nên cách ly không và trong bao lâu? Còn các thành viên trong gia đình - tất cả họ có nên đi xét nghiệm không? Những loại triệu chứng nào khiến ai đó lo ngại rằng có thể bị nhiễm đột phá? Làm thế nào để giải quyết những người hoài nghi về việc tiêm vắc xin nếu bạn vẫn có thể nhiễm độg phá?

Để thu thập câu trả lời cho những câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến nhà phân tích Y khoa của CNN, Tiến sĩ Leana Wen.

Leana Wen là bác sĩ cấp cứu và là giáo sư thỉnh giảng về chính sách và quản lý y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken thuộc Đại học George Washington. Cô cũng là tác giả của cuốn sách mới mang tên "Dòng đời: Hành trình của bác sĩ trong cuộc chiến vì sức khỏe cộng đồng".

trieu-chung-va-cach-xu-ly-khi-nhiem-covid-19-dot-pha-du-da-tiem-2-lieu-vac-xin1(1).jpg
Tiến sĩ Leana Wen

CNN: Mọi người nên làm gì nếu bị nhiễm đột phá? Họ có nên cách ly với các thành viên trong gia đình không? Có vấn đề gì nếu họ có các triệu chứng?

Tiến sĩ Leana Wen: Một người nào đó đã tiêm vắc xin đầy đủ và xét nghiệm dương tính với COVID-19 chắc chắn nên tuân theo các quy trình cách ly nghiêm ngặt vì dễ lây hoặc có thể lây bệnh cho người khác. Nếu có triệu chứng, người này nên cách ly ít nhất 10 ngày kể từ ngày đầu tiên bắt đầu có triệu chứng, theo CDC. Người đó có thể kết thúc việc cách ly miễn là không bị sốt trong hơn 24 giờ và các triệu chứng khác đang được cải thiện. Nếu không có triệu chứng nhưng vẫn có kết quả dương tính với COVID-19, người này nên cách ly trong 10 ngày sau khi xét nghiệm.

Cách ly có nghĩa là họ không nên đến nơi công cộng, nơi có thể lây nhiễm cho người khác. Họ cũng nên cách ly khỏi những người tiếp xúc gần gũi trong gia đình. Điều đó có nghĩa là nếu có thể, hãy ở trong một phần của ngôi nhà cách xa những người khác, trong phòng riêng của họ. Về cơ bản, khi một người nhiễm COVID-19, dù họ đã được tiêm chủng hay không cũng không quan trọng vì có thể lây cho người khác và cần phải tuân theo các quy trình cách ly tiêu chuẩn.

CNN: Nếu một người trong gia đình nhiễm đột phá, mọi người có nên đi xét nghiệm không?

Tiến sĩ Leana Wen: Có. Tất cả F1 phải được kiểm tra, với "tiếp xúc gần" được xác định là ở trong phạm vi 6 feet (khoảng 2m) ít nhất 15 phút, khoảng thời gian có thể lây nhiễm. CDC phân biệt hướng dẫn cho những người được tiêm vắc xin và những người chưa được chủng ngừa. Những người chưa được tiêm vắc xin, nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, nên cách ly trong 10 ngày. Họ có thể rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất 5 ngày sau khi tiếp xúc. Trong thời gian cách ly đó, họ không được ở nơi công cộng.

Mặt khác, những người được tiêm chủng đầy đủ, khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, không cần phải cách ly trừ khi họ phát triển các triệu chứng. Họ vẫn nên đi xét nghiệm trong vòng 3 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc và đeo khẩu trang ở nơi công cộng để được bảo vệ thêm.

CNN: Các triệu chứng nhiễm COVID-19 đột phá là gì?

Tiến sĩ Leana Wen: Lợi ích chính của việc tiêm vắc xin là làm giảm khả năng bị bệnh nặng. Những người được chủng ngừa vẫn nhiễm SARS-CoV-2 nhiều khả năng bị các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với khi không được chủng ngừa. Một người chưa tiêm vắc xin có thể bị bệnh nặng với sốt cao, ho nhiều và khó thở đến mức cần thở oxy hoặc máy thở. Trong khi người đã tiêm vắc xin đầy đủ có thể chỉ bị đau nhức cơ thể, mệt mỏi và sụt sịt. Đó là sức mạnh của tiêm vắc xin – vốn làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật.

Dù các triệu chứng ở người đã tiêm vắc xin nhẹ hơn nhiều so với người chưa được chủng ngừa, hãy chú ý đến ngay cả một trong những triệu chứng của COVID-19. Chúng bao gồm sốt, ớn lạnh, ho, mệt mỏi, đau nhức cơ hoặc cơ thể, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, tiêu chảy và mất vị giác hoặc khứu giác. Tất nhiên, đây là một danh sách rộng và cũng có thể chỉ ra các bệnh do vi rút khác.

Với số lượng ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở hầu hết các vùng đất nước, hãy giữ cho radar của bạn luôn ở trạng thái cảnh giác cao. Nếu có điều gì đó bất thường với bạn, hãy kiểm tra.

CNN: Liệu một mũi tiêm vắc xin tăng cường có giúp giảm thiểu nhiễm trùng đột phá không?

Tiến sĩ Leana Wen: Có thể. Các quan chức y tế liên bang nói rằng những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, những người đã tiêm vắc xin Pfizer hoặc Moderna, có thể nhận được liều thứ ba ngay bây giờ. Nhà Trắng vừa thông báo rằng bắt đầu từ 20.9, trong khi chờ FDA và CDC đưa ra quyết định cuối cùng, họ sẽ bắt đầu cho phép những người trải qua ít nhất 8 tháng kể từ lần tiêm vắc xin đầu tiên được tiêm liều thứ ba. Đó là vì hiệu quả của vắc xin chống lại bệnh có triệu chứng dường như giảm theo thời gian (mặc dù vắc xin vẫn bảo vệ rất tốt chống lại bệnh nặng), thế nên người ta có thể mong đợi rằng một mũi tiêm nhắc lại sẽ ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng đột phá trong tương lai. Tôi khuyên bạn nên nói chuyện với bác sĩ. Quyết định cho một liều tăng cường có thể không phải là khuyến nghị chung cho tất cả, mà là quyết định cá nhân tùy thuộc vào tình trạng y tế và sức khỏe của bạn.

CNN: Tiêm vắc xin có ích gì nếu nhiễm trùng đột phá vẫn có thể xảy ra?

Tiến sĩ Leana Wen: Chúng ta tiêm vắc xin vì hai lý do. Hãy nhớ rằng tiêm phòng làm giảm khả năng bị bệnh nặng khoảng 25 lần, theo ước tính từ dữ liệu của CDC. Thứ hai, tiêm vắc xin cũng làm giảm mắc COVID-19 khoảng 8 lần. Một người đã tiêm vắc xin ít có khả năng mắc COVID-19 và lây lan nó hơn nhiều so với người không được chủng ngừa.

Tại sao nhiễm trùng đột phá vẫn xảy ra? Chúng ta có thể coi tiêm vắc xin như một chiếc áo mưa rất tốt. Áo mưa sẽ giúp bạn luôn khô ráo trong cơn mưa phùn. Nó thậm chí có thể hoạt động trong một cơn giông bão. Nhưng nếu bạn ở trong cơn giông ngày này qua ngày khác và đôi khi đi qua những trận cuồng phong, một lúc nào đó, bạn có thể bị ướt. Vấn đề không phải là áo mưa không hoạt động mà là có quá nhiều thời tiết xấu xung quanh bạn.

Đó là những gì đang xảy ra với COVID-19 trên khắp đất nước. Số lượng ca mắc COVID-19 cao đến mức chỉ riêng vắc xin có thể không đủ để bảo vệ bạn. Đó là lý do tại sao khẩu trang có thể giúp giảm thiểu số lượng rủi ro có nguy cơ cao ở môi trường mà bạn đang ở. Cuối cùng, chúng ta cần giảm mức độ vi rút xung quanh chúng ta và cách tốt nhất để làm điều đó là tất cả đều tiêm chủng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triệu chứng và cách xử lý khi nhiễm COVID-19 đột phá dù đã tiêm 2 liều vắc xin?