Đô đốc Philip Davidson xem Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng với tương lai Mỹ. Đây là nơi Trung Quốc đe dọa chiến lược lâu dài nhất về an ninh.

Đô đốc Philip Davidson: Mỹ nên xác định rõ chiến lược có bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công?

Nhân Hoàng | 10/03/2021, 22:10

Đô đốc Philip Davidson xem Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng với tương lai Mỹ. Đây là nơi Trung Quốc đe dọa chiến lược lâu dài nhất về an ninh.

my-nen-xac-dinh-ro-chien-luoc-co-bao-ve-dai-loan-neu-trung-quoc-tan-cong.jpg
Tàu khu trục USS Russell của Mỹ đi ngang qua eo biển Đài Loan vào tháng 6.2020

Đô đốc Philip Davidson năm nay 61 tuổi, là đô đốc bốn sao trong Hải quân Mỹ, hiện làm chỉ huy thứ 25 Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ kể từ ngày 30.5.2018. Trước đây, ông từng là chỉ huy của Bộ Tư lệnh Lực lượng Hạm đội Mỹ và Hải quân Lực lượng Bộ Tư lệnh Miền Bắc từ năm 2014 đến 2018.

Khi ra khỏi giường mỗi sáng và vén bức màn, Trung Quốc sẽ thấy Mỹ và các đồng minh đoàn kết ở Tây Thái Bình Dương, đảm bảo quyền tiếp cận của chính mình và kết luận ‘chúng tôi không muốn làm xáo trộn khả năng đó, năng lực đó và những gì tôi biết là ý chí’. Sau đó, Trung Quốc đóng màn và không đi đánh nhau. Bạn biết đấy, đó là những gì chúng tôi đang cố gắng đạt được", Đô đốc Philip Davidson đã nói như vậy khi ông làm chứng tại phiên điều trần tại Thượng viện về đề xuất ngân sách Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hôm 9.3.

Ông gọi Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng với tương lai Mỹ và cho biết đây vẫn là sân khấu ưu tiên của nước này, nơi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lâu dài nhất về an ninh.

"Thành thật mà nói, tôi nghĩ Trung Quốc đã nói với chúng ta tham vọng thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thay nó bằng một trật tự mang đặc trưng Trung Quốc, điều mà họ nói rằng dự định thực hiện vào giữa thế kỷ", Đô đốc Philip Davidson chia sẻ thêm.

Sắp nghỉ hưu, Philip Davidson không ngại ngùng khi đề xuất rằng nên đánh giá lại chiến lược mơ hồ kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ với Đài Loan.

Trong nhiều thập kỷ, Washington đã giữ một lập trường mà Đài Loan không thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ mình. Song, Bắc Kinh cũng không thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công vào hòn đảo này.

Khi được hỏi bởi Thượng nghị sĩ Rick Scott, đảng viên Cộng hòa từ Florida rằng: “Liệu đã đến lúc Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta sẽ không cho phép Trung Quốc xâm lược và khuất phục Đài Loan hay không?", Philip Davidson đã không cam kết điều này.

Philip Davidson nói: “Tôi thức dậy mỗi ngày, cố gắng đánh giá bản chất năng động của môi trường địa chiến lược, và anh biết đấy, thành thật mà nói, chúng ta phải suy nghĩ về những điều này mỗi ngày. Tôi sẽ khẳng định rằng chúng ta đã có hơn 40 năm mơ hồ chiến lược, như anh biết, đã giúp giữ cho Đài Loan và tình trạng hiện tại của nó, nhưng anh biết những điều này nên được xem xét lại thường xuyên".

Về phía Trung Quốc, Philip Davidson cũng cho biết bắt buộc phải tăng cường bảo vệ Guam, tiền đồn quân sự quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương.

"Ngày nay Guam là một mục tiêu. Nó cần được bảo vệ", đô đốc bốn sao nói và lưu ý rằng lực lượng không quân Trung Quốc đã đưa ra một video tuyên truyền cho thấy máy bay ném bom tấn công căn cứ không quân Anderson ở Guam.

Trong Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương, bản tóm tắt về các ưu tiên đầu tư của bộ chỉ huy tác chiến, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương đang yêu cầu được tài trợ để lắp đặt một Aegis Ashore ở Guam để có "hệ thống phòng thủ tên lửa 360 độ cố định và bền bỉ từ chuỗi đảo thứ hai".

my-nen-xac-dinh-ro-chien-luoc-co-bao-ve-dai-loan-neu-trung-quoc-tan-cong1.jpg
Aegis Ashore là hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ do Mỹ thiết kế.

Chuỗi đảo thứ hai đề cập đến một khu vực của Tây Thái Bình Dương chạy từ đông nam Nhật Bản đến Guam và phía nam Indonesia.

"Cấu trúc hiện tại, radar THAAD không có khả năng đáp ứng quỹ đạo hiện tại của các mối đe dọa từ Trung Quốc", Philip Davidson nói, đề cập đến Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối.

THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Hệ thống được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn.

Trong cuộc đánh giá tư thế lực lượng toàn cầu mà Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đảm nhiệm, Philip Davidson cho biết ý tưởng là có một "thiết kế và thế trận phân tán hơn trong khu vực" thông qua sự kết hợp của các lực lượng được triển khai thường trực phía trước ở Nhật, Hàn Quốc và Guam, cộng với sự luân chuyển của lực lượng đóng tại các vùng tiếp giáp Mỹ, Alaska và Hawaii.

Khi được hỏi bởi Thượng nghị sĩ Thom Tillis, đảng viên Đảng Cộng hòa từ Bắc Carolina, rằng: “Liệu mức độ hiện diện thường trực hiện tại ở phía tây của đường ngày quốc tế có đủ?”, Philip Davidson nói là có, nhưng nếu có cơ hội, Mỹ sẽ xem xét Đông Nam Á và Nam Á là ưu tiên.

Philip Davidson cho hay: “Vì có rất nhiều cuộc đối thoại sẽ phải diễn ra với các đồng minh và đối tác trong khu vự… tôi khá hài lòng với việc đóng quân thường xuyên của các lực lượng trong khu vực ngay bây giờ. Nếu tình hình thuận lợi cho chúng tôi, tôi nghĩ rằng nhiều khả năng hơn ở Đông Nam Á và Nam Á sẽ là ưu tiên. Song trong thời gian chờ đợi, điều có thể đạt được là giúp giải quyết các địa điểm phân tán và với sự bố trí của các lực lượng luân phiên trong lãnh thổ Mỹ, và về cơ bản là các quốc gia liên kết tự do trong khu vực, cũng như các đồng minh quan trọng của chúng tôi trong khu vực".

Philip Davidson cũng cho rằng Nhật Bản không thể thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phải mất gần ba tuần để phản hồi từ Bờ Tây của Mỹ và 17 ngày để phản hồi từ Alaska để đi đến chuỗi đảo đầu tiên và tiến hành các hoạt động trong chuỗi đảo thứ hai. Rõ ràng Nhật Bản mang đến khả năng đổ bộ. Họ có khả năng tác chiến với máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra hàng hải. Với tôi, Nhật Bản là đồng minh số một trong khu vực và họ cũng cực kỳ quan trọng với an ninh của khu vực”, ông nói.

Chuỗi đảo đầu tiên đề cập đến một nhóm các đảo bao gồm Đài Loan, Okinawa (Nhật) và Philippines.

Về các mối quan hệ đối tác mới nổi, Philip Davidson nói rằng việc Ấn Độ tham gia tích cực vào Đối thoại Tứ giác An ninh với Mỹ, Nhật Bản và Úc, là cơ hội mà Mỹ nên nắm bắt.

"Tiềm năng của việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược với quốc gia như Ấn Độ hoặc trong một hình thành đa phương, như bộ tứ Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc, tôi nghĩ là một cơ hội chiến lược quan trọng với Mỹ cùng ba nước đó. Ấn Độ từ lâu đã có một cách tiếp cận được gọi là tự chủ chiến lược... một cách tiếp cận không liên kết với các nước khác, nhưng tôi nghĩ chắc chắn các hoạt động dọc theo Ranh giới Kiểm soát Thực tế với Trung Quốc đã mở ra cho họ những nỗ lực hợp tác với những người khác, có thể thấy ý nghĩa như thế nào với nhu cầu phòng thủ của chính họ”, Philip Davidson nói và ám chỉ các cuộc đụng độ nổ ra hồi tháng 6 giữa binh sĩ Ấn Độ với Trung Quốc.

Trong khi Ấn Độ có thể vẫn cam kết với cách tiếp cận không liên kết trước mắt, Philip Davidson nghĩ rằng nước này sẽ tăng cường sự tham gia của họ với nhóm Quad (Bộ tứ kim cương). Ông Philip Davidson nói: “Tôi nghĩ đó là cơ hội chiến lược quan trọng cho chúng tôi, Úc và Nhật Bản”.

Thượng nghị sĩ Angus King từ bang Maine nhận định: "Đó sẽ là sự phát triển lớn về địa chính trị nếu Ấn Độ liên kết chặt chẽ hơn với các quốc gia khác".

Các nhà lãnh đạo Quad sẽ tổ chức cuộc họp chung đầu tiên vào ngày 12.3 tới kể từ khi nhóm được thành lập vào năm 2007. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ - Joe Biden, Thủ tướng Úc - Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản - Suga Yoshihide và Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi dự kiến sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Bài liên quan
Mỹ xây dựng mạng lưới tên lửa tấn công chính xác chống Trung Quốc dọc chuỗi đảo đầu tiên, Nhật có tham gia?
Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ yêu cầu tăng gấp đôi chi tiêu trong năm tài chính 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đô đốc Philip Davidson: Mỹ nên xác định rõ chiến lược có bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công?