Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, hiện doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam có sự phát triển vượt bậc.
Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2021, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ sự trăn trở khi nói về những “nỗi đau của đất nước”, như cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, biến đổi khí hâu, chênh lệch giàu nghèo, đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế... Thủ tướng cho rằng đó là những “bài toán” đặt ra với những người làm công nghệ để giải quyết.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, những nỗi đau mà Thủ tướng “trăn trở” sẽ là động lực cho anh em trong giới công nghệ giải quyết; thông qua đó giúp Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết kể từ thời điểm Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần 1 (năm 2019), các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, CNTT, công nghệ số được thống nhất dưới cái tên là doanh nghiệp công nghệ số và có sự phát triển vượt bậc.
Tính tới hiện tại, Việt Nam đang có cộng đồng khoảng 64.000 doanh nghiệp số. Doanh thu của cộng đồng này năm 2021 ước đạt trên 135 tỉ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, công nghệ số tạo ra 3 xu thế, gồm phi trung gian hóa, phi tập trung hóa, phi vật chất hóa. Điều này giúp cho kinh tế hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, chuyển đổi số tạo ra dữ liệu như một loại đất đai mới.
“Chuyển đổi số là sáng tạo của toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân. Để làm điều này, chúng ta cần công bố bài toán chuyển đổi số ở tầm Quốc gia, bộ ngành và địa phương. Bộ TT-TT sẽ là đầu mối'”, Bộ trưởng khẳng định.
Công bố giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ công bố giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” 2021. Theo đó, 4 hạng mục được trao giải năm nay, gồm Thu hẹp khoảng cách số; Giải pháp số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Nền tảng số xuất sắc.
Cụ thể, các Giải Vàng ở mỗi hạng mục thuộc về những sản phẩm: Nền tảng tạo đề thi, bài tập online Azota; Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc; Bộ thiết bị Mesh wifi VNPT; Nền tảng Thương mại điện tử Vỏ sò Viettel.
Giải Bạc thuộc về Dự án Chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý hiến máu tình nguyện và đảm bảo an toàn truyền máu; Trung tâm điều hành thông minh IOC của VNPT; Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh Rynan; Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA.
Giải Đồng thuộc về những sản phẩm: Phần mềm sổ thu chi MISA; Nền tảng ứng dụng điện toán đám mây cho camera VNG Cloud; Hệ thống điều hành dữ liệu DOC Viettel; Bản đồ số Map4D của IOTLink.
Đáng chú ý, IoTLink đã phát triển thành công Map4D platform - Nền tảng bản đồ số 2D, được thể hiện bởi không gian 3D và chiều thời gian 4D. Map4D của IoTLink là nền tảng bản đồ số 4D thuần Việt đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, do chính các kỹ sư Việt Nam thực hiện dưới sự hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia công nghệ hàng đầu Microsoft.
Sản phẩm cung cấp nền tảng bản đồ số cho Chính phủ trong quá trình số hóa, xây dựng thành phố thông minh và dịch vụ Logistic tại Việt Nam cũng như các lĩnh vực, các dịch vụ khác liên quan đến bản đồ số cho doanh nghiệp.
Theo quy chế giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2021, các sản phẩm được tôn vinh phải thỏa mãn 2 nhóm tiêu chí chính, gồm thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế. Trong nhóm tiêu chí “Giá trị thực tế”, cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng chiếm khoảng 70% số điểm.
Được biết, các sản phẩm đạt giải năm nay khá đa dạng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực, như chuyển đổi số, tài chính, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh… Nhiều sản phẩm đã giải quyết các bài toán cộng đồng xã hội, đặc biệt là y tế, giáo dục, phòng chống đại dịch. Các công nghệ mới, công nghệ của CMCN 4.0 như AI, BigData, IoT… đã được ứng dụng trong nhiều sản phẩm tham dự cuộc thi…