Theo ghi nhận của Một Thế Giới, triển lãm Nhượng quyền thương hiệu và ngành bán lẻ quốc tế (VIETRF 2014) được kết hợp cùng triển lãm trưng bày các sản phẩm Hàn Quốc (Korea Sourcing Fair). Do đó, sự xuất hiện của các doanh nghiệp Hàn Quốc (khoảng 150) tại đây khá nổi bật, cả về số lượng lẫn hình thức.
Gian hàng của các doanh nghiệp này chủ yếu trưng bày nhiều mặt hàng nổi tiếng do Hàn Quốc sản xuất như mỹ phẩm, dụng cụ chăm sóc sức khỏe, dụng cụ làm đẹp, thiết bị y tế, đồ ăn, uống, các loại vật dụng gia đình, may mặc, trang sức, vật dụng trang trí và lưu niệm, thiết bị điện tử...
Gian hàng nào cũng được đầu tư kỹ lưỡng, cách thiết kế có nét riêng, gây ấn tượng. Mỗi gian hàng đều có người phiên dịch, thậm chí một số người Hàn cũng nói được tiếng Việt nên việc giao thương và mua bán khá tấp nập.
Có nhiều thương hiệu vốn đã có tiếng với người tiêu dùng Việt Nam cũng xuất hiện với tư cách nhà nhượng quyền như: Lotteria, Lock&Lock, Everon, LG Electronics, Happy Cook, Orion, Tous Les Jours, Lotte Mart, Ông Kim…
Bên cạnh yếu tố là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam có cơ hội hợp tác bán lẻ hoặc nhượng quyền thì đối với những người đam mê văn hóa Hàn hay sản phẩm Hàn, triển lãm này lại giống như một "thiên đường mua sắm tổng hợp".
Chị Nguyễn Ngọc Lý (ngụ quận 7, TP.HCM), một khách tham quan cho biết: “Sản phẩm của Hàn Quốc trước giờ có tiếng là chất lượng cao, công dụng tốt, nhất là mỹ phẩm. Nghe tiếng vậy nên tôi cũng đến tham quan và mua thử ít sản phẩm về dùng vì mua ở ngoài sợ gặp phải hàng giả. Khi dùng thử thì công nhận hàng của họ tốt và cách bán hàng của người Hàn cũng rất lịch sự”.
Còn chị Kiều Hân, nhân viên kinh doanh một công ty dệt may thì cho rằng sản phẩm Hàn Quốc chất lượng hơn hẳn các sản phẩm nội địa.
“Mới mấy năm trước, để mua được một sản phẩm có xuất xứ Hàn Quốc là rất khó. Còn bây giờ thì đồ Hàn Quốc bày bán rất nhiều. Sản phẩm của họ không những mẫu mã đẹp mà chất lượng còn rất đảm bảo. Không chỉ mỹ phẩm, quần áo hay các loại máy chăm sóc sức khỏe mà cả đồ gia dụng như nồi, niêu, xoong chảo chất lượng cũng hơn hẳn. Tôi nghĩ người Hàn họ rất thông minh khi chọn Việt Nam để đầu tư”.
Đúng như người tiêu dùng nhận xét, ngày 29.10 đoàn doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu kỹ thuật thông tin Hàn Quốc (KITRI) đã sang và làm việc tại TP.HCM và tổ chức hội thảo Tiếp cận thị trường thực phẩm Hàn Quốc, nhằm tăng cường tìm đối tác kinh doanh.
Theo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài, hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, là nước cung cấp vốn ODA nhiều thứ 2 cho Việt Nam.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng tăng nhanh. Năm 2013 đạt 25,7 tỉ USD và mục tiêu 2020 là 70 tỉ USD.
Riêng trong 10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 23,3 tỉ USD, tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là 2,5 tỉ USD, dẫn đầu về mức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc là nông sản và thực phẩm. Hàn Quốc không chỉ là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn các sản phẩm mà còn phù hợp với tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lại chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc.
Phan Diệu