Nhà sáng lập công ty công nghệ Lenovo Liễu Truyền Chí - nhân vật nổi tiếng trong giới doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc - vốn luôn giữ quan điểm doanh nhân nên tránh xa chính trị. Nhưng nay chính ông phát hiện ra rằng kinh doanh không thể chỉ là kinh doanh.
Tuần qua vị doanh nhân kỳ cựu này bị vạ lây khi nền tảng gọi xe Didi Chuxing nơi con gái ông là bà Liễu Thanh giữ vị trí nhân sự quản lý cấp cao bị Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) xử lý.
CAC ngày 4.7 yêu cầu các kho ứng dụng ngừng cung cấp Didi Chuxing vì nền tảng thu thập dữ liệu người dùng phi pháp. Động thái xử lý được thực hiện không lâu sau khi Didi Globla - cơ quan quản lý Didi Chuxing - phát hành đợt cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán New York.
Cộng đồng mạng Trung Quốc ngay lập tức công kích Didi Chuxing và bà Liễu, sau đó cả ông Liễu.
Từ khóa #Didiapppulledfromappstores xuất hiện trên tài khoản Weibo chính thức của Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc) nhận được hơn 1 tỷ lượt xem ngay trong 24 giờ đầu đăng tải. Hàng loạt người dùng Weibo gọi Didi Global là “kẻ phản bội” và “tay sai của Mỹ”, kêu gọi trừng phạt ông Liễu vì “bán rẻ lợi ích quốc gia”.
Trước đó đã có tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) hứng chịu trừng phạt vì dám lên tiếng chê bai hệ thống quản lý tài chính Trung Quốc. Kế hoạch IPO trên 2 sàn Thượng Hải cùng Hồng Kông của công ty công nghệ tài chính Ant Group (sở hữu nền tảng thanh toán di động Alipay) bị ngăn chặn, tập đoàn Alibaba bị điều tra chống độc quyền.
Lần xử lý Didi Chuxing mới nhất có thể còn ảnh hưởng sâu rộng hơn. Không ít người xem đây như tín hiệu cảnh báo cảnh báo công ty công nghệ không được niêm yết cổ phiếu tại Mỹ do Trung Quốc phát đi.
Theo nhà sáng lập nền tảng quay video ngắn Ishizh Mã Xương Bác, các nhà khai thác hạ tầng mạng như Didi Chuxing nay phải chứng minh tính hợp pháp và đúng đắn về chính trị với nhà nước.
“Đây là phân tách Mỹ - Trung giai đoạn sau. Trên thị trường vốn, mô hình “chơi với cả 2 phe” đang đi đến hồi kết”, doanh nhân Mã viết trên tài khoản Wechat cá nhân.
Kể từ những năm 1990, công ty công nghệ Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác với đối tác nhiều nước: Alibaba nhận đầu tư của Yahoo (Mỹ) và SoftBank (Nhật), Tencent được Naspers (Nam Phi) hậu thuẫn. Họ cũng sao chép mô hình phát triển của công ty công nghệ hoạt động tại thung lũng Silicon (Mỹ).
Công ty công nghệ Trung Quốc còn có dư địa phát triển lớn hơn khi giới chức nước này chặn hầu hết doanh nghiệp nước ngoài như Facebook hay Google khỏi thị trường nội địa. Hàng loạt đơn vị sau đó niêm yết cổ phiếu trên sàn New York nơi có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm hơn sàn Thượng Hải cùng Hồng Kông.
Động thái xử lý Didi Chuxing làm đảo lộn mọi tính toán. Một nữ doanh nhân đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn New York than phiền công ty khởi nghiệp phát triển phần mềm của bà khó niêm yết trên sàn Hồng Kông với định giá cao vì lĩnh vực phần mềm cung cấp như một dịch vụ vẫn còn khá mới mẻ ở Trung Quốc. Một nhà đầu tư tại Bắc Kinh cho biết do yêu cầu an ninh dữ liệu mà Trung Quốc đặt ra, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển phần mềm và trí tuệ nhân tạo trước mắt sẽ không cân nhắc niêm yết cổ phiếu trên sàn New York nữa.
Không chỉ nhận phải kiểm soát gắt gao hơn từ chính phủ Trung Quốc, công ty công nghệ Trung Quốc còn hứng chịu thái độ dè chừng và hàng loạt biện pháp tăng cường giám sát từ chính phủ Mỹ. Bên cạnh trừng phạt Nhà Trắng ban hành trước đó gây khó khăn cho nỗ lực niêm yết cổ phiếu, giới nghị sĩ Mỹ thời gian gần đây còn đề xuất dự luật yêu cầu công ty Trung Quốc tuân thủ tiêu chuẩn kiểm toán tương tự như công ty Mỹ thì mới được niêm yết.