Trước tình trạng hàng chục nghìn container phế liệu "ùn ứ" tại các cảng biển, vừa gây ách tắc vừa chiếm dụng kho bãi, cơ quan hải quan cho biết giải pháp lâu dài là sẽ bắt buộc doanh nghiệp ký vào quỹ bảo vệ môi trường trước khi nhập phế liệu vào Việt Nam.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, qua một số vụ việc điều tra, xử lý, cơ quan hải quan phát hiện một số doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu nhưng không sản xuất, thậm chí không có nhà xưởng, máy móc sản xuất. Bên cạnh đó, việc cấp phép đối với từng lô hàng có đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực tế lô hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Tính đến nay, cơ quan hải quan đã khởi tố hơn 10 vụ việc liên quan đến nhập lậu phế liệu (chuyển một số vụ đến cơ quan công an mở rộng điều tra làm rõ); trong đó Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khởi tố 4 doanh nghiệp, Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Cục Hải quan An Giang khởi tố 7 cá nhân nhập lậu phế liệu.
Bên cạnh đó cũng đã chuyển cơ quan công an khởi tố vụ buôn lậu phế liệu có liên quan đến nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre và 1 cán bộ Chi cục Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre...
Đối với hơn chục nghìn container phế liệu ùn ứ tại các cảng, gây ách tắc và chiếm dụng kho bãi hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cụ thể, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan liên quan đến khai thác cảng biển.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tổng rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý. Đồng thời, cơ quan hải quan tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi nhập rác phế liệu... Các bộ ngành liên quan đã thống nhất được phương án xử lý các container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng biển trên cả nước.
Đối với hơn 3.000 container tồn đọng quá 90 ngày tại các cảng biển hiện nay, cơ quan hải quan cho biết đã thông báo tìm chủ sở hữu mà không có người đến nhận sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại, yêu cầu vận chuyển lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tiêu hủy.
Các lô hàng phế liệu tồn đọng còn lại sẽ có hướng xử lý tương tự. Về giải pháp lâu dài, cơ quan hải quan sẽ yêu cầu bắt buộc phải ký quỹ bảo vệ môi trường trước nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng việc phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu sẽ là gánh nặng và thiệt thòi về tài chính. Bởi hiện doanh nghiệp phải lo 2 khoản tiền để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường là ký quỹ và thực hiện đề án cải tạo. Trong khi đó, tiền hoàn trả với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tín dụng, tiền ký quỹ không được quay vòng để phục vụ sản xuất. Do vậy, cần có các quy định hướng dẫn để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp về tài chính.
Đơn cử như ngành thép, mỗi năm phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn sắt thép các loại. Năm 2013, ngành thép phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn sắt thép phế liệu với tổng số tiền lên đến hơn 1,4 tỉ USD. Theo đó, số tiền kí quỹ nhập khẩu phế liệu sẽ là hơn 1 tỉ USD/năm.
Việc cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu buộc phải ký quỹ bảo vệ môi trường trong bối cảnh hiện nay là điều hợp lý, nhưng cũng cần phải xem xét giảm mức giá trị ký quỹ để doanh nghiệp có thể tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Tuyết Nhung