Nhận thấy cơ quan chức năng đã vào cuộc và từng bước làm rõ hành vi sử dụng chữ ký đóng dấu của Trưởng đoàn Tư vấn người nước ngoài không đúng pháp luật để “phá” dự án chống ngập “chết chìm”, và thừa biết trách nhiệm sẽ rất nặng nề nếu sự thật được bóc trần, ông Nguyễn Viết Thanh – người được Báo CAND đề cập trong một bài viết mới đây, đã cuống cuồng chỉ đạo nhân viên đối phó với cơ quan Công an.

Đối phó với Công an bằng cách… đổ lỗi cho Trưởng đoàn tư vấn

cand | 05/11/2018, 15:35

Nhận thấy cơ quan chức năng đã vào cuộc và từng bước làm rõ hành vi sử dụng chữ ký đóng dấu của Trưởng đoàn Tư vấn người nước ngoài không đúng pháp luật để “phá” dự án chống ngập “chết chìm”, và thừa biết trách nhiệm sẽ rất nặng nề nếu sự thật được bóc trần, ông Nguyễn Viết Thanh – người được Báo CAND đề cập trong một bài viết mới đây, đã cuống cuồng chỉ đạo nhân viên đối phó với cơ quan Công an.

Họp để đối phó

Như Báo CAND đã thông tin, ngày 22.10 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã mời bà P.X.L.T., thư ký phiên dịch của Văn phòng Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” đến làm việc. Mục đích, nhằm làm rõ nội dung phản ánh về việc một số nhân viên tư vấn bị đe dọa mà Liên danh này đưa ra trước đó để từ chối làm việc với Trung tâm chống ngập thành phố và các bên liên quan theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.

Dù tự cho mình là “nạn nhân” nhưng TVGSHĐ lại không hợp tác với cơ quan Công an. Tại Văn bản số HTFC-SCFC/LO-18-077 ngày 25.10 gửi Phòng Cảnh sát hình sự, đại diện Liên danh TVGSHĐ cho rằng việc mời bà P.X.L.T là không cần thiết và đưa ra yêu sách đòi cơ quan điều tra muốn làm rõ thông tin gì phải có văn bản chính thức, TVGSHĐ sẽ xem xét trả lời sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND thành phố.

Sở dĩ liên danh TVGSHĐ “cảnh giác” với cơ quan Công an là bởi tại cuộc họp với các sở, ban ngành của TP Hồ Chí Minh vào ngày 8-10 vừa qua, ông Phạm Văn Hoàng - Điều phối viên dự án đến dự theo ủy quyền qua email của ông L. Fernando Requena, Trưởng đoàn Tư vấn - người có thẩm quyền thay mặt Liên danh, bị chất vấn dồn dập nên đã thừa nhận ông L. Fernando Requena đã trở về Mỹ từ ngày 14.7.2018.

Biết “phi vụ” dùng chữ ký dấu đã bị bại lộ, sau chuyến đi Mỹ kéo dài một tuần, vừa đặt chân xuống sân bay vào ngày 21.10 vừa qua, ông Nguyễn Viết Thanh lập tức triệu tập các nhân viên, thành viên Đoàn tư vấn liên quan đến dự họp. Ai ở xa không về kịp phải họp trực tuyến.

Theo tài liệu mà PV Báo CAND thu thập được, việc đầu tiên mà ông Thanh làm khi bắt đầu cuộc họp này là… mắng ông Hoàng một trận vì cho rằng ông Hoàng “làm lộ bí mật” việc tư vấn dùng chữ ký đóng dấu của ông L. Fernando Requena.

Tiếp đó, ông Thanh yêu cầu nhân viên thư ký kiểm tra lại toàn bộ văn bản TVGSHĐ đã phát hành trước và sau khi ông L. Fernando Requena rời Việt Nam; các bản dịch công văn ra tiếng Anh, email xin ý kiến, email phải hồi… Quá trình kiểm tra phát hiện có nhiều văn bản tiếng Việt đã được TVGSHĐ phát hành dù không có email trả lời đồng ý từ ông L. Fernando Requena.

Đặc biệt, qua rà soát của bộ phận văn thư, 100% văn bản của TVGSHĐ đã gửi các cơ quan chức năng trước khi thư ký gửi bản dịch để xin ý kiến Trưởng Đoàn Tư vấn qua email, tức “tiền trảm, hậu tấu”. Trước thực tế rối bời này, ông Nguyễn Viết Thanh lo lắng và bày cho cấp dưới cách trả lời cán bộ Công an về việc các ông gởi văn bản tới cơ quan chức năng thành phố trước rồi mới gởi email xin ý kiến ông L. Fernando Requena sau.



“Bí” quá cứ… đổ cho Tư vấn trưởng

Tại cuộc họp trên, ông Thanh yêu cầu các nhân viên công nghệ thông tin tìm cách điều chỉnh thời gian gửi, nhận các thư đính kèm công văn trên hệ thống mail và ghi lùi thời gian một số văn bản đã phát hành cho khớp thực tế. Ông Thanh thừa nhận: “Hồ sơ này không như mong muốn ban đầu…”.

Sau khi nghe “sếp” Thanh chỉ vẽ “đường đi, nước bước” và các chiêu trò đối phó với cơ quan điều tra, một số nhân viên đã tỏ ra không yên tâm. Tuy nhiên, ông Thanh và một số nhân viên tại văn phòng cũng vẫn bày ra và thống nhất cách đối phó khi làm việc với cơ quan điều tra như thế nào cho có hiệu quả nhất (!).

Đối với việc sử dụng chữ ký đóng dấu của Trưởng đoàn tư vấn người nước ngoài, ông Thanh yêu cầu các nhân viên dưới quyền thống nhất lời khai tại Cơ quan điều tra là ông L. Fernando Requena đồng ý cho khắc dấu và sử dụng chữ ký dấu.

Ông Thanh căn dặn nhân viên thư ký: “Em nhớ khai với Công an lúc đi khắc con dấu thì có ông L. Fernando Requena cùng đi đến chỗ khắc dấu và đồng ý khắc. Chúng ta thống nhất là ông L. Fernando Requena yêu cầu cho T đi khắc dấu và T là người duy nhất ông ấy tin, giao giữ con dấu chứ không ai được quyền chạm vào. Phải khai như vậy nếu không sẽ dẫn đến câu chuyện mình tự khắc và đóng dấu. Làm gì cũng phải được sự đồng ý của ổng. Bây giờ lỡ rồi…”.

Tại cuộc họp để bàn cách đối phó với Công an do ông Thanh chủ trì này, một số nhân viên lo ngại Công an sẽ hỏi về quy trình sử dụng chữ ký đóng dấu của Trưởng đoàn tư vấn. Ông Thanh bày kế: “Hợp đồng tư vấn không buộc chúng ta phải làm quy trình. Công an hỏi thì cứ nói nếu các anh chỉ ra trong hợp đồng có điều khoản nào bắt phải làm quy trình thì tụi em sẽ làm theo quy trình. Chỉ có UBND thành phố và Trung tâm chống ngập mới có quyền yêu cầu; còn nếu các anh hỏi thì chúng tôi khẳng định quy trình này thực hiện từ tháng 6.2017 đến nay. Còn các anh muốn kiểm tra nội dung này có chính xác hay không thì đợi ông L. Fernando Requena qua Việt Nam để xác nhận”.

Ông L. Fernando Requena được ủy quyền làm Trưởng đoàn tư vấn bởi 3 đơn vị trong liên danh (Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt - Việt Nam, Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải và Công ty CP Tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12). Câu hỏi đặt ra là cả 3 DN này chịu trách nhiệm đến đâu khi sự việc “động trời” này diễn ra ngay trước mắt?

Bảo Sơn/báo Công an nhân dân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối phó với Công an bằng cách… đổ lỗi cho Trưởng đoàn tư vấn