Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Trung Quốc phạm tội “diệt chủng và tội ác chống lại loài người” ở Tân Cương, đòn giáng cuối cùng vào Bắc Kinh của chính quyền Trump.
Trong tuyên bố hôm 19.1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc gồm giam giữ tùy tiện và ép buộc lạo động hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương ít nhất là từ tháng 3 năm 2017 "sau khi đã kiểm tra cẩn thận các dữ liệu có sẵn".
“Kể từ ít nhất là tháng 3 năm 2017, chính quyền địa phương (ở Trung Quốc) đã gia tăng đáng kể chiến dịch đàn áp kéo dài hàng thập kỷ chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác,” Pompeo nói.
Theo người đúng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, các chính sách lạm dụng về mặt đạo đức của họ được thiết kế một cách có hệ thống nhằm phân biệt đối xử đối người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, hạn chế quyền tự do đi lại, di cư và đi học của họ cũng như phủ nhận các quyền hội họp cơ bản khác của con người…
Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra sau khi quốc hội Mỹ tháng trước đã thông qua luật yêu cầu chính quyền Washington phải xác định trong vòng 90 ngày rằng Trung Quốc có phạm tội ác chống lại loài người hay tội diệt chủng hay không.
Ngoài ra, động thái mới này của Ngoại trưởng Mỹ được cho là có cùng lập trường với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Biden về Tân Cương và có thể làm gia tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về thông tin trên.
Trước đó, ông Biden cũng từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về Tân Cương hồi cuối năm 2019. “Việc Trung Quốc giam giữ gần một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới hiện nay. Mỹ không thể im lặng - chúng ta phải lên tiếng chống lại sự áp bức này và không ngừng bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”, Biden nói.
Đáng chú ý, Antony Blinken, người được Tổng thống đắc cử Biden đề cử vào chức ngoại trưởng, nói với Ủy ban Đối ngoại thượng viện trong phiên điều trần xác nhận đề cử ngày 19.1 rằng ông đồng ý với tuyên bố diệt chủng.
Ngày 2.12, chính quyền Trump đã mở rộng áp lực kinh tế lên Tân Cương, cấm nhập khẩu bông từ tổ chức bán quân sự quyền lực của Trung Quốc với lý do "sử dụng lao động bị cưỡng bức". Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết lệnh này sẽ cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm bông từ Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), một trong những nhà sản xuất lớn nhất của Trung Quốc.
Blinken nói rằng một trong những điều ông sẽ làm trong 30 ngày đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ là "xem xét để đảm bảo không nhập khẩu các sản phẩm do lực lượng lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương làm ra".
Liên Hợp Quốc ước tính có tới hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc, đồng thời khẳng định các trại giam quy mô lớn tại Tân Cương là “các trung tâm giáo dục” hoàn toàn tự nguyện, và thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.
Trung Quốc nhiều lần khẳng định không có vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Ban đầu, chính quyền Bắc Kinh phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung, sau đó họ lại mô tả chúng là các chương trình đào tạo nghề và giáo dục nhằm xóa đói giảm nghèo và chống lại các mối đe dọa khủng bố.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng 8 năm ngoái đã lặp lại tuyên bố rằng tất cả những người được đưa tới các “trung tâm giáo dục lại” ở Tân Cương đã hoàn thành “cải tạo” và đã tự do tham gia vào thị trường lao động mặc dù các nhóm nhân quyền và các gia đình người Duy Ngô Nhĩ cho biết việc “giam giữ” các nhóm thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương vẫn tiếp diễn.
“Quyền của tất cả học viên trong chương trình giáo dục và đào tạo đã được đảm bảo hoàn toàn cho dù tư tưởng của họ đã bị thấm đẫm chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Bây giờ tất cả những người đó đã tốt nghiệp, hiện không còn ai trong trung tâm giáo dục và đào tạo. Tất cả bọn họ đã tìm được việc làm”, ông Vương giải thích.