Đồng minh cũ của Tổng thống Venezuela, nữ Công tố viên trưởng Luisa Ortega đã phải bỏ trốn sau khi bị bãi nhiệm, nhưng bà dọa sẽ vạch trần những vụ tham nhũng của ông Nicolas Maduro và các quan chức chính phủ.

Đồng minh cũ của Tổng thống Venezuela bỏ trốn, dọa tố tham nhũng

Trần Trí | 14/08/2017, 18:13

Đồng minh cũ của Tổng thống Venezuela, nữ Công tố viên trưởng Luisa Ortega đã phải bỏ trốn sau khi bị bãi nhiệm, nhưng bà dọa sẽ vạch trần những vụ tham nhũng của ông Nicolas Maduro và các quan chức chính phủ.

Bà Ortega từng là người ủng hộ cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người chọn ông Maduro kế nhiệm và người tài xế xe buýt này trúng cử hồi 4 năm trước.

Lui vào hoạt động bí mật

Bà Ortega cũngtừng ủng hộ chế độ Maduro, nhưng rồi bà chỉ trích việc tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến để soạn Hiến pháp mới của ông Maduro là vi hiến.

Ngày 18.5, bà Ortega tuyên bố không ủng hộ cuộc bầu cử này, ca ngợi Hiến pháp 1999 là di sản đẹp nhất của ông Chavez, và là một trong những bản Hiến pháp hiện đại nhất thế giới.

Sau cuộc bầu cử ngày 30.7, bà Orgeta bị Quốc hội Lập hiến bãi nhiệm, và đầu tháng 8, khi cảnh sát chống bạo loạn chặn không cho bà Orgeta đến văn phòng làm việc, bà liền nhảy lên xe mô-tô để tài xế chở bà bỏ trốn.

Từ đó, bà Ortega bị cấm xuất cảnh, tài khoản ngân hàng của bà bị đóng băng. Bà nói với báo The Wall Street Journal (WSJ) rằng bà phải trốn sự truy bắt của đặc vụ Cục tình báo Venezuela (SEBIN).

Mỗi ngày, bà Ortega ẩn mình ở tầng hầm nhà của từng người bạn, làm việc cùng những nhân viên thân cận. Bà cho biết chính phủ tìm cách chặn cuộc điều tra, hù dọa những công tốviên trung thành với bà.

Chính phủ Venezuela không công bố lệnh bắt bà Ortega. Văn phòng Phó Tổng thống Venezuela (quản lý SEBIN) từ chối bình luận.

Binh lính canh gác trụ sở Viện công tố Venezuela ở Caracas

Nỗ lực truy vết quan chức tham nhũng

Trước khi bị cách chức, bà Orgeta đã chép những tài liệu cần cho cuộc điều tra những quan chức chính phủ tham nhũng. Bà cũng đã truy tố nhiều quan chức nhận tiền hối lộ của tập đoàn xây dựng Odebrecht SA (Brazil).

Ngành công tố Brazil nói họ tiếp tục xem bà Ortega là công tố viên trưởng hợp pháp của Venezuela, tiếp tục hợp tác với cuộc điều tra của bà về vụ đưa hối lộ của Oderbrecht. Khoảng 20 quốc gia châu Mỹ cũng ra tuyên bố ủng hộ bà Ortega.

Tuần trước, bà cử 2 công tố viên Venezuela qua Brazilđể phỏng vấn 2 người dính líu Odebrecht. Tập đoàn này đã chịu nhận tội hối lộ với Bộ Tư pháp Mỹ hồi cuối năm 2016 (để được xét giảm tội) và khai đã hối lộ các quan chức Venezuela gần 100 triệu USD.

Hai người dính líu là cặp vợ chồng tư vấn chính trị Monica Moura và José Santana (đều là người Brazil). Họ làm chứng đã nhận 9 triệu USD của Odebrecht và công ty xây dựng Andrade Gutierrez (Brazil) để tặng cho quỹ tranh cử tổng thống năm 2012 của ông Chavez.

Bà Moura cũng khai đã nhận 11 triệu USD từ chính tay ông Maduro đưa cho quỹ tranh cử này.

Bà Ortega trả lời báo chí sau khi bị cách chức

Bà Ortega nói Bộ Tư pháp Mỹ, lãnh đạo Odebrecht cũng hợp tác với cuộc điều tra của bà. Văn phòng Tổng thống Maduro từ chối bình luận về cáo buộc của Odebrecht.

Ông Maduro đã luôn nói những cáo buộc chính phủ ông là kế hoạch Mỹ để bôi nhọ ông. Bộ Thông tin Venezuela không bình luận về cuộc điều tra của bà Ortega. Công tố viên trưởng tạm quyền Tarek Saab nói ông chưa thể bình luận gì.

Bà Ortega cho biết đang chuẩn bị lập một trang web mớiđể đăng chi tiết kết quả điều tra chính phủ Maduro tham nhũng và ngược đãi nhân quyền. Bà cũng hứa vài ngày tới sẽ công bố thông tin mới về vụ quan chức Venezuela nhận hối lộ của Odebrecht: Bà nói: “Tôi có cách để vụ này không chết, thông tin sẽ không bị mất”.

Theo WSJ, bà Ortega cũng đã có tài liệu về tình trạng ngược đãi nhân quyền của chính phủ Tổng thống Maduro, đàn áp người biểu tình chống chính phủ suốt 4 tháng qua.

Theo các luật sư và những nhà hoạt động nhân quyền, cuộc điều tra của bà Ortega sẽ có thể khiến chính phủ Maduro bị trừng phạt thêm nữa và bị cô lập tài chính.

Bà Ortega, 59 tuổi, nói với WSJ: có thể bà sẽ trình đơn tố cáo lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ở thành phố Hague (Hà Lan).

Thẩm phán do MUD chỉ định cũng phải bỏ trốn

Tuy nhiên, phe đối lập Liên minh dân chủ thống nhất (MUD) bị một mất mát lớn là tài khoản mạng xã hội Twitter của bà Ortega bị khóa một ngày sau khi bà bị cách chức. Tài khoản này là nguồn đăng tải chính thức số người chết vì bạo lực với cảnh sát trong những cuộc biểu tình chống chính phủ 4 tháng qua.

Theo người của bà Ortega, đã có hơn 120 người chết, đa số là người biểu tình. Bà từng truy tố an ninh và lực lượng dân phòng là thủ phạm gây ra 2/3 cái chết này.

Người của bà đã truy tố hàng chục cảnh sát và binh lính sử dụng vũ lực quá tay. Nhưng bà nói quân đội và các tòa án thân chính phủ đều cố tình phớt lờ các lệnh bắt những người này.

Người ủng hộ MUD biểu tình chống chính phủ Venezuela

Theo Reuters, Miguel Angel Martin biết ông phải rời bỏ Venezuela, khi đặc vụ Cục tình báo SEBIN ngồi trên những chiếc xe màu đen theo dõi ông, vài ngày sau khi Quốc hội (do MUD kiểm soát) chọn ông cùng 33 thẩm phán khác để lập Tòa án tối cao nhằmthay thế Tòa án tối cao thân chính phủ Maduro.

Ông Martin đã phải lái xe 500 km từ thủ đô Caracas, rồi ngồi thuyền 7 giờ qua đảo Curacao trước khi lên được máy bay đến Washington D.C (Mỹ) nơi ông đang sống trong một nhà trọ.

21 thẩm phán khác cũng trốn ra nước ngoài, như ông Martin cùng 7 người khác qua Mỹ, 6 người đi bộ vượt biên giới qua Colombia láng giềng, và 8 người sống trong các cơ sở ngoại giao của Chile và Panama ở Caracas.

Tổng thống Maduro và Tòa án tối cao nói các thẩm phán do MUD chọn là phi pháp, dọa bắt họ vào ngày 21.7, tức là ngày họ được MUD chọn. Họ nói hàng đêm, an ninh đi truy bắt họ.

Bộ Thông tin Venezuela từ chối bình luận.

3 người bị bắt, số còn lại không biết ở đâu. Người đầu tiên bị bắt là luật sư Angel Zerpa. Các thẩm phán trốn được ra nước ngoài cho Reuters biết: ông đang bị nhốt trong một phòng tắm chật chội ở trụ sở SEBIN.

Thẩm phán Jesus Rojas cũng bị bắt, nhưng đài truyền hình nhà nước chiếu video, quay cảnh ông tuyên bố ngay từ đầu không muốn gia nhập Tòa án tối cao do MUD lập. Các đồng nghiệp nói ông bị tra tấn nên đã có phát biểu trên.

Thẩm phán Alejandro Rebolledo chuyên về chống rửa tiền, đã qua được Mỹ (ông không cho biết cách đi trốn) nói: “Chúng tôi biết không có trát bắt chúng tôi, nhưng các quan chức cung cấp ảnh đến các sân bay ở Venezuela để có thể bắt chúng tôi nếu chúng tôi trốn đi”.

Các thẩm phán ra được nước ngoài, dự tính đi khắp thế giớiđể tố cáo việc chính quyền Maduro “phá vỡ trật tự hiến pháp”, và để kêu gọi các nước khác cùng Mỹ trừng phạt các quan chức cầm quyền ở Venezuela.

Trung Trực (theo The Wall Street Journal, Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng minh cũ của Tổng thống Venezuela bỏ trốn, dọa tố tham nhũng