UMC đã đồng ý trả khoản tiền phạt 60 triệu USD để giải quyết vụ kiện gián điệp công nghiệp với Bộ Tư pháp Mỹ.

Đóng phạt 1428 tỉ đồng, nhà sản xuất chip Đài Loan hứa giúp Mỹ truy tố công ty Trung Quốc

Nhân Hoàng | 29/10/2020, 13:00

UMC đã đồng ý trả khoản tiền phạt 60 triệu USD để giải quyết vụ kiện gián điệp công nghiệp với Bộ Tư pháp Mỹ.

Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ hai Đài Loan, United Microelectronics Corporation (UMC) đã đồng ý trả khoản tiền phạt 60 triệu USD (khoảng 1428 tỉ đồng) để giải quyết vụ kiện gián điệp công nghiệp với Bộ Tư pháp Mỹ, chấm dứt tranh chấp pháp lý kéo dài 2 năm liên quan đến công ty sản xuất chip nhớ khổng lồ Micron Technology của Mỹ và một nhà sản xuất chip Trung Quốc do Bắc Kinh hậu thuẫn.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết UMC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn thứ 4 thế giới, đã nhận tội trộm cắp bí mật thương mại. Ngoài khoản tiền phạt, UMC cũng đồng ý hợp tác với Chính phủ Mỹ "trong việc điều tra và truy tố đồng bị cáo của mình, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc".

Công ty Trung Quốc được đề cập là Fujian Jinhua Integrated Circuit, nhà sản xuất chip DRAM từng được kỳ vọng sẽ thách thức các hãng dẫn đầu thị trường như Samsung, SK Hynix và Micron.

Fujian Jinhua Integrated Circuit là một phần trong tham vọng của Trung Quốc nhằm đạt được khả năng tự cung cấp các linh kiện bán dẫn quan trọng, cắt giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Trở lại năm 2016, UMC cho biết sẽ phát triển chip DRAM với Fujian Jinhua Integrated Circuit nhưng sau đó đã đình chỉ quan hệ đối tác khi Mỹ truy tố cả hai thực thể về tội gián điệp công nghiệp.

Theo trang Nikkei, UMC sau đó đã thu nhỏ dự án một cách đáng kể. Fujian Jinhua Integrated Circuit đã bị cấm nhận bất kỳ công nghệ và hỗ trợ nào của Mỹ sau cáo trạng từ chính quyền Trump, được đưa ra vào cuối năm 2018.

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo 60 triệu USD là khoản tiền phạt lớn thứ hai từ trước đến nay trong một vụ án hình sự bí mật thương mại, đồng thời tiết lộ thêm rằng phán quyết này buộc UMC phải chịu thời hạn quản chế 3 năm, hợp tác đầy đủ với Chính phủ Mỹ. Dù vậy, các cáo buộc hình sự khác và một vụ kiện dân sự song song của Mỹ chống lại UMC sẽ bị bác bỏ.

"UMC đã đánh cắp bí mật thương mại của một công ty hàng đầu Mỹ [Micron Technology] trong lĩnh vực bộ nhớ máy tính để giúp Trung Quốc đạt được chiến lược ưu tiên: Tự túc sản xuất bộ nhớ máy tính mà không phải tốn thời gian hoặc tiền bạc để kiếm được nó", Phó Tổng chưởng lý Jeffrey Rosen nói.

dong-phat-60-trieu-usd-nha-san-chip-dai-loan-hua-giup-my-truy-to-cong-ty-trung-quoc.jpg
UMC đồng ý trả khoản tiền phạt 60 triệu USD vì trộm bí mật công nghệ của Micron Technology và giúp Mỹ truy tố Fujian Jinhua Integrated Circuit

Vào đầu tháng 11.2018, UMC, Fujian Jinhua Integrated Circuit và ba nhân viên của mình đã bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội làm gián điệp kinh tế vì cáo buộc ăn cắp công nghệ của Micron Technology. Mỗi công ty phải đối mặt với khoản tiền phạt tối đa hơn 20 tỉ USD - gần 60 lần so với lợi nhuận ròng hàng năm của UMC là 339 triệu USD vào 2019.

UMC cũng từ bỏ kế hoạch niêm yết một công ty con tại Thượng Hải, nơi họ từng hy vọng sẽ tận dụng tỷ lệ giá trên thu nhập cao của thị trường vốn Trung Quốc vào giữa năm 2019, do quan hệ với chính quyền nước này và đối tác công nghệ địa phương đang trở nên căng thẳng.

"UMC hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hành động của nhân viên và chúng tôi rất vui khi đạt được một giải pháp phù hợp về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc cung cấp các công nghệ logic và đặc biệt cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất sắc cao nhất cho các công ty trong mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp điện tử", UMC cho biết hôm 29.10.

Cung cấp sản phẩm cho nhiều hãng phát triển chip trên toàn thế giới như Qualcomm, Broadcom, NXP và MediaTek, UMC nói thêm rằng họ coi trọng thị trường Mỹ, nơi chiếm 1/3 doanh thu và nhấn mạnh sự tham gia lâu năm của họ tại nước này.

Hãng sản xuất chip Đài Loan cho biết: “UMC có các mối quan hệ kinh doanh lâu dài, với tư cách là nhà cung cấp và khách hàng, với nhiều công ty Mỹ có uy tín và lâu đời trong ngành bán dẫn”.

Bản cáo trạng năm 2018 đã giáng đòn mạnh vào những nỗ lực phối hợp của Trung Quốc nhằm tăng sức mạnh công nghệ nước này. Song, đây không phải là trường hợp duy nhất về rắc rối pháp lý liên quan đến chính quyền Mỹ và những nhân vật công nghệ Trung Quốc.

Giám đốc tài chính Huawei - Mạnh Vạn Châu, con gái của người sáng lập công ty - Nhậm Chính Phi, đã bị bắt ở biên giới Canada một tháng sau khi Fujian Jinhua Integrated Circuit bị truy tố vì cáo buộc gian lận ngân hàng.

ASML (công ty cung cấp hệ thống hàng đầu thế giới cho ngành vật liệu bán dẫn để sản xuất chip điện tử) cũng vướng vào mối quan hệ Mỹ - Trung, với kế hoạch giao một công cụ sản xuất chip tiên tiến hiện đại cho SMIC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc) bị đình chỉ từ cuối năm 2019 do áp lực từ Mỹ.

Bài liên quan
Mỹ trừng phạt hãng chip lớn nhất Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu thừa nhận sự thật phũ phàng
Thời báo Hoàn Cầu thừa nhận rằng Trung Quốc dù khắc phục điểm yếu và bất lợi thì vẫn đi sau Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu hai nước ở thế cân bằng vào thời điểm này thì hầu hết các quốc gia và công ty nhiều khả năng sẽ theo chân Mỹ trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tăng trưởng xanh là cốt lõi, nhưng quyết không 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong 2 yếu tố cốt lõi, nhưng kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đóng phạt 1428 tỉ đồng, nhà sản xuất chip Đài Loan hứa giúp Mỹ truy tố công ty Trung Quốc