Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng đồng rúp đã bị sụt giảm giá trị thành "đống đổ nát". Nhưng giờ thì điều này không còn đúng nữa.
Trong những ngày sau khi chiến tranh Ukraine bắt đầu, sự sụp đổ của đồng rúp là một biểu tượng mạnh mẽ cho sự cô lập tài chính mới dành Nga.
Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với chế độ của Tổng thống Vladimir Putin đã đẩy đồng rúp xuống mức thấp kỷ lục là 121,5 rúp / USD Mỹ, gợi nhớ về những ký ức về sự suy thoái diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998.
Mọi thứ trông có vẻ thảm khốc đến mức Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng đồng rúp đã bị sụt giảm giá trị thành "đống đổ nát".
Bây giờ, điều đó chắc chắn đã không. Đồng rúp đã tăng trở lại mức cũ trước khi ông Putin tiến quân vào Ukraine, gần ở mức 79,7 rúp ăn 1 USD tại thị trường hối đoái Moscow vào ngày 6.4.
Mặc dù có nhiều gói trừng phạt cực kỳ rộng đối với chính phủ Nga và các nhà tài phiệt, cùng sự rút lui của các doanh nghiệp nước ngoài, các hành động phần lớn là vô ích nếu người nước ngoài tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga - hỗ trợ đồng rúp bằng cách gia tăng tích trữ trong Kho bạc của ông Putin.
Ngay cả khi Nga hầu như vẫn bị cắt đứt khỏi nền kinh tế toàn cầu, Bloomberg Economics dự kiến nước này vẫn kiếm được gần 321 tỉ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn một phần ba so với năm 2021.
Sự phục hồi nhanh chóng của đồng rúp mang lại cho ông Putin một chiến thắng lớn ở Nga, nơi nhiều người quan tâm đến sự lên xuống của đồng tiền này, ngay cả khi chiến sự ở Ukraine vẫn chưa có lối thoát cùng với áp lực trên mặt trận ngoại giao quốc tế với Nga
Ông Guillaume Tresca, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi, cho biết: "Đối với giới chính trị gia, đó là một công cụ PR tốt khi nói rằng các lệnh trừng phạt không có bất kỳ tác động nào. Và nó sẽ giúp hạn chế tác động của lạm phát".
Trong lịch sử nước Nga thời hậu Xô Viết, tỷ giá đồng rúp với USD được cho là chỉ số kinh tế mà người Nga quan tâm nhất. Tỷ giá được phát đi bởi các ki-ốt đổi tiền mọc lên ở mọi thị trấn và thành phố, từng ghi nhận sự sụp đổ của đồng tiền khi siêu lạm phát bùng nổ vào đầu những năm 1990. Đồng rúp lại giảm sau khi Nga vỡ nợ vào năm 1998.
Khi sự hỗn loạn đó lắng xuống, chính phủ đã bỏ đi ba số không. Sau đó, trong cuộc khủng hoảng năm 2008, các nhà chức trách đã tung hàng tỉ USD để làm chậm đà trượt giá của đồng tiền, một phần là để tránh gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Vào năm 2014, khi Nga đối mặt các lệnh trừng phạt đối với việc sáp nhập Crimea và giá dầu sụt giảm, Thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina đã quyết định mạo hiểm bằng việc chuyển tiền tệ sang thả nổi tự do.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt năm nay, Nga đã ban hành các biện pháp kiểm soát vốn dường như cũng đang hậu thuẫn đồng rúp. Điều này gồm việc đóng băng tài sản do các nhà đầu tư không thường trú tại Nga nắm giữ và yêu cầu các công ty Nga chuyển 80% ngoại tệ mà họ nắm giữ thành đồng rúp.
Nga đã có thể ổn định thị trường trong nước và thậm chí ngăn chặn tình trạng vỡ nợ hỗn độn ở nước ngoài - ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Điều này có nghĩa là nếu liên minh các chính phủ chống lại ông Putin muốn làm tổn thương đồng rúp một lần nữa, họ có thể sẽ phải thay đổi cách giải quyết.
Đầu tuần này, Bộ Tài chính Mỹ ngăn chặn Nga thanh toán cho những người nắm giữ khoản nợ quốc gia hơn 600 triệu USD từ nguồn dự trữ trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ, đồng thời nói rằng Điện Kremlin phải lựa chọn giữa việc rút hết dự trữ USD và vỡ nợ.
Khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, trị giá hơn 300 tỉ USD, đã bị các nước phương Tây đóng băng như một phần của các lệnh trừng phạt Nga vì tấn công Ukraine.
Đáp lại, Bộ Tài chính Nga hôm 6.4 thông báo Moscow đã lần đầu tiên thanh toán cho các chủ sở hữu trái phiếu Châu Âu ở nước ngoài bằng đồng rúp sau khi nỗ lực giải quyết khoản thanh toán 649,2 triệu USD đã bị một tổ chức tài chính nước ngoài từ chối theo lệnh của Washington.
Theo CNN, các cơ quan xếp hạng tín dụng có thể sẽ coi Nga là một quốc gia vỡ nợ nếu Moscow không trả được các khoản lãi hoặc trả các khoản nợ phát hành bằng USD hoặc euro trong thời gian ân hạn. Điện Kremlin cáo buộc phương Tây đẩy Nga rơi vào tình trạng "vỡ nợ giả" thông qua các biện pháp trừng phạt, đồng thời khẳng định Nga có đủ tiền và sẵn sàng trả nợ.