Được báo cáo từ Malaysia là "dễ lây nhiễm gấp 10 lần" nhưng đột biến D614G của coronavirus chủng mới không phải mối lo ngại với Ấn Độ vì đã phổ biến ở đây và không độc hại hơn chủng có nguồn gốc ở Vũ Hán.
Hôm 16.8, ông Noor Hisham Abdullah - quan chức Bộ Y tế Malasia cho biết đã phát hiện ra đột biến D614G từ coronavirus chủng mới ở nhóm người, gồm cả một chủ nhà hàng trở về từ Ấn Độ.
Việc Noor Hisham Abdullah khẳng định “D614G có khả năng lây nhiễm cao gấp 10 lần và dễ lây lan hơn bởi ca siêu lây nhiễm riêng lẻ" khiến dư luận xôn xao. Thế nhưng, các nhà khoa học ở Ấn Độ đã xua tan nỗi sợ hãi và cho rằng mọi người không cần quá lo lắng.
Trên tờ The Times of India, nhà virus học Upasana Ray (Ấn Độ) cho hay đột biến D614G có thể mới ở Malaysia nhưng không phải là với thế giới.
"Chúng tôi đã thấy D614G vào tháng 4.2020 và cuối cùng nó đã xuất hiện ở nhiều quốc gia. Nó mới với Malaysia nhưng không phải là một đột biến mới", nhà khoa học cấp cao tại Viện Sinh học Hóa học của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ nói.
D614G là một biến thể của dòng coronavirus lần đầu được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12.2019.
Trong khi một số nguồn tin cho rằng D614G tăng cường khả năng lây nhiễm của coronavirus chủng mới, điều này không cũng không chỉ ra rằng nó có độc lực mạnh hơn hoặc gây hại hơn. Upasana Ray cho biết ngay cả một biến thể có khả năng lây nhiễm cao và dễ lây lan của virus cũng có thể gây hại cho người thấp hơn.
Vào tháng 7.2020, một nghiên cứu trên tạp chí Cell của các nhà khoa học, bao gồm Bette Korber từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở Mỹ, chỉ ra rằng một biến thể của coronavirus chủng mới được gọi là D614G, có thể lây nhiễm mạnh hơn các chủng khác.
Nghiên cứu cho biết D614G nhanh chóng trở thành chủng đột biến thống trị trên toàn thế giới ngay sau khi xuất hiện lần đầu và phát triển nhanh hơn trong các tế bào được nuôi ở phòng thí nghiệm. D614G có khả năng lây nhiễm cao hơn 10 lần so với chủng ban đầu vì protein đột biến của nó ít bị phá vỡ hơn.
Kumar Somasundaram, giáo sư tại Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) ở thành phố Bangalore, đồng ý rằng đột biến D614G (còn được gọi là G clade) đã phổ biến ở Ấn Độ từ tháng 4.
Ông nói D614G hoặc các biến thể hiện chiếm khoảng 70-75% các trường hợp mắc COVID-19 ở Ấn Độ.
Vào tháng 6.2020, nhóm của Kumar Somasundaram đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Current Science về phân tích hàng trăm mẫu virus ở Ấn Độ.
"Quay lại tháng 4, nếu 100 mẫu bệnh nhân được phân tích ở Ấn Độ thì 40-50% trong số đó có virus G clade. Nếu bạn nhìn vào những mẫu được phân tích vào tháng 6, gần 95% là G clade. Nếu bạn cộng tất cả các mẫu đã được phân tích trong nhiều tháng, G clade chiếm 70-75% các trường hợp ở Ấn Độ", ông giải thích.
Trong khi coronavirus từ ổ dịch Vũ Hán, Trung Quốc là D clade, hầu hết bệnh nhân COVID-19 trở về từ châu Âu mắc virus G clade gây bùng phát dịch ở Ấn Độ.
"Vào tháng 2 đến tháng 3, các loại virus mà chúng tôi phát hiện ở bệnh nhân Ấn Độ chủ yếu đến từ châu Âu và ở một mức độ nào đó từ Trung Đông, châu Đại Dương. Ngay khi đó, châu Âu đã có sự đa dạng của virus G clade. Sau đó chủng này bắt đầu phát triển ngày càng phổ biến ở Ấn Độ", Kumar Somasundaram nói.
Trong khi một số nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ xuất hiện các chủng khác, Kumar Somasundaram lưu ý rằng ở Ấn Độ thì G clade phổ biến hơn cả kể từ khi dịch bùng phát.
"Vì loại virus này có thể phát triển nhanh hơn nên có thể chiếm lợi thế hơn các loại khác và đã bắt đầu chiếm lĩnh gần như hoàn toàn các chủng khác. Điều này đúng ngay cả trong bối cảnh toàn thế giới khi nó đang thống trị các chủng khác. Trong một khoảng thời gian, G clade đã tận dụng khả năng lây lan của nó và đã chiếm gần 95% số bệnh nhân bị nhiễm bệnh tại một thời điểm”, Somasundaram chia sẻ thêm.
Thế nhưng, ông giải thích rằng G clade không có gì khác biệt coronavirus "hoang dã" hay các chủng khác về độc lực cũng như dễ gây tử vong cho bệnh nhân COVID-19.
"Virus G clade không có bất kỳ tác động nào khác đến mức độ nghiêm trọng hoặc kết quả của bệnh. Vì vậy, theo cách đó, nó không khác gì loại hoang dã", Somasundaram nói.
Theo Somasundaram, sự phổ biến của G clade có thể không tác động đến sự phát triển vắc xin COVID-19: “Ban đầu, người ta cho rằng một loại vắc xin được phát triển để chống lại loại vi rút hoang dã có thể không hiệu quả với dạng đột biến. Nhưng đột biến này có thể không có bất kỳ sự khác biệt nào về cách hệ thống miễn dịch nhận ra virus”.
Somasundaram giải thích thêm: “Protein S đột biến có chứa virus cũng có thể bị vô hiệu hóa bằng một loại vắc xin được phát triển để chống lại loại virus hoang dã”.
Các hạt coronavirus chứa bốn protein cấu trúc chính là protein spike (S), màng (M), vỏ (E) và nucleocapsid (N). Protein S gồm hai tiểu phần S1 hình cầu ở đầu và S2 là phần cuống, tạo nên cấu trúc gai đặc biệt trên bề mặt của virus và có vai trò trung gian gắn vào thụ thể chủ của tế bào vật chủ.
Nhóm của Angela Rasmussen từ Trường Y tế Công cộng Columbia Mailman ở Mỹ cũng đưa ra lưu ý như vậy: "Đột biến D614G không có khả năng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của vắc xin đang được sản xuất".
Vắc xin COVID-19 Trung Quốc đắt gấp 15 lần Nga và điều đáng lo về cuộc đua vắc xin. Xem chi tiết tại đây.
‘
Nhân Hoàng