Ghi nhận tại các bệnh viện trong thời gian gần đây cho thấy xu hướng bệnh nhân bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa khiến nhiều người lo lắng.

Đột quỵ gia tăng ở những người trẻ, cần lưu ý thời gian vàng của bệnh nhân

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 24/10/2022, 12:30

Ghi nhận tại các bệnh viện trong thời gian gần đây cho thấy xu hướng bệnh nhân bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa khiến nhiều người lo lắng.

Điều đáng nói nhất là xu hướng bị đột quỵ trẻ hóa nhiều nhưng thông tin dành cho người bị đột quỵ lại không mấy ai để ý khiến bệnh nhân khi mắc thường mất đi "thời gian vàng" chữa trị khiến bệnh nặng hơn.

Gia tăng đột quỵ ở những người trẻ, bị lỡ mất thời gian vàng

Theo báo cáo mới đây của Hội Đột quỵ Việt Nam, người trẻ bị đột quỵ chiếm khoảng 20-25% tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện. Theo các chuyên gia, đột quỵ ở người trẻ ngày càng nhiều do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân thuộc về bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể người bệnh, nhưng cũng có nguyên nhân từ thói quen nếp sống sinh hoạt của người trẻ hiện nay. Những người trẻ thường bị dị dạng mạch máu não, do không có triệu chứng trước đó nên không thể kiểm soát được nguy cơ. Bệnh nhân bị đột quỵ do phình vỡ mạch máu gây xuất huyết, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ cơn, bệnh lý van tim… sẽ tạo ra những huyết khối trong tim và theo máu đưa tới não và xuất huyết não (đột quỵ não).

Đột quỵ có thể gặp ở một số bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch xoang. Những bệnh nhân này thường có rối loạn chức năng đông-cầm máu do liên quan đến các bệnh lý ác tính, viêm nhiễm mạn tính, phụ nữ mang thai, sau nạo phá thai, sử dụng các thuốc tránh thai kéo dài… Bên cạnh đấy, nguyên nhân đột quỵ cũng xuất phát từ những thói quen xấu của những người trẻ như hút thuốc lá, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, lạm dụng rượu bia… Những thói quen xấu này khiến người trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý: tăng huyết áp, rối chuyển hóa mỡ máu, béo phì… đến gần hơn với đột quỵ. Bác sĩ Phạm Văn Cường (Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho hay trước đây đột quỵ thường là bệnh lý của người già, nhưng ngày nay, số lượng người trẻ bị đột quỵ chiếm khoảng 20-25% tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện.

dot-quy-5.jpg
Đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi ngày càng nhiều

Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Với hiện tượng tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì…, nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, rượu bia. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường về mạch máu, yếu tố đông máu… thì cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc, loại trừ nguy cơ. “Không ít bệnh nhân trẻ tuổi tình cờ phát hiện sớm ung thư dạ dày, dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh là từ 72 - 92%. Còn phát hiện muộn, tỷ lệ khỏi bệnh giảm dần và khi đó việc điều trị chỉ mang tính chất kéo dài thời gian sống”.

Để giảm tối đa những biến chứng không mong muốn do đột quỵ gây ra, theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân có thời gian vàng khi xuất hiện các dấu hiệu của đột quỵ. Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là “thời gian vàng” quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Thời gian vàng trong đột quỵ não là 3 - 4 giờ rưỡi kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ, người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì tỷ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm.

Đối với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, thì mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng vô cùng nặng. Đặc biệt với các bệnh nhân có bệnh lý về huyết áp hay tim mạch, khi có những dấu hiệu méo miệng, lưỡi tê cứng, khó nói hoặc không nói được, mắt mờ thì gia đình cần gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Ở miền Bắc, khi thời tiết trở lạnh đột ngột, rét đậm, rét hại cũng là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Để phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh, nhất là những ngày có rét đậm rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số huyết áp thường xuyên, uống thuốc huyết áp theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Đồng thời cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm. Không dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cần ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người trung niên, cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ để được tư vấn dự phòng đột quỵ. Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn để cấp cứu, điều trị kịp thời.

Cần có chiến lược thông tin tuyên truyền để hiểu về "thời gian vàng"

Theo GS-TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, những năm qua hội cũng đã tư vấn cho Bộ Y tế về công tác tuyên truyền căn bệnh này, tránh sự chủ quan ở các gia đình, tuy nhiên tình trạng gia tăng khiến việc chữa trị cho các bệnh nhân thêm phần khó khăn. Điều quan trọng nhất người dân cần có ý thức thế nào là "thời gian vàng" để đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế kịp thời điều trị. Nếu không có những xử lý kịp thời và đúng cách thì tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa, nếu có cứu kịp cũng sẽ có những di chứng nặng nề. Hiện nay, Hội Đột quỵ cũng đã hỗ trợ để phát triển nhiều trung tâm điều trị đột quỵ ở các địa phương để bệnh nhân được điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất các di chứng của đột quỵ.

dot-quy.jpg
Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ ngày càng bị các bệnh lý mạch máu sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch

"Tôi mong muốn nước ta thiết lập được chiến lược thông tin tuyên truyền về đột quỵ để bao phủ thông tin rộng hơn đến mọi người dân, bởi vì hiện nay tỷ lệ tử vong do đột quỵ còn nhiều hơn nhồi máu cơ tim, đứng thứ 2 chỉ sau ung thư. Người dân cần hiểu và biết các biện pháp dự phòng như thay đổi thói quen, lối sống theo chiều hướng tích cực, năng vận động, ăn uống khoa học, hợp lý, đối với các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… cần kiểm soát tốt bệnh để có thể dự phòng đột quỵ hiệu quả. Đặc biệt người trẻ hiện nay cũng cần phải lưu ý về lối sống và kiểm tra sức khỏe định kỳ bởi tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng nhanh”- GS Nguyễn Văn Thông chia sẻ.

Thống kê tại các bệnh viện chữa trị về đột quỵ cho thấy có tới 80% bệnh nhân sau đột quỵ chịu những di chứng với tổn thương nặng nề và 30% trong số họ không thể hồi phục. Do đó, người bệnh cần thực hiện phục hồi chức năng, tập luyện bền bỉ, tăng cơ hội phục hồi các di chứng. Sau đột quỵ các bệnh nhân thường gặp các di chứng rối loạn vận động như liệt, các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt, khó vận động, ăn uống... Đặc biệt, bệnh nhân sau đột quỵ có rối loạn tâm lý, cảm xúc, chức năng tình dục...

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhu cầu phục hồi chức năng tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt là sau dịch bệnh COVID-19, tai nạn, đột quỵ... Bộ Y tế ước tính cả nước có hơn 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, tập trung nhiều hơn ở độ tuổi 50-59 và nhiều nhất thuộc nhóm bệnh rối loạn cơ xương khớp. Nhu cầu người dân thì lớn song theo điều tra của Bộ Y tế năm 2020, chỉ có tới 40% được tiếp cận phục hồi chức năng, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ này lên 80%. Trong đó đặc biệt ưu tiên thông tin cho người bệnh cũng như người nhà về giai đoạn cấp thiết để cứu người đột quỵ diễn ra trong vòng 48 giờ đầu, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm. Giai đoạn hai diễn ra từ sau 48 giờ đến 3 tháng là giai đoạn "vàng." Giai đoạn tiếp theo diễn ra 3-6 tháng sau đó, cũng là giai đoạn phục hồi tốt nhưng chậm hơn. Sau 6 tháng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính.

PGS Nguyễn Trọng Lưu - Phó chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho rằng khi số lượng người bị đột quỵ ngày càng tăng, các phương pháp can thiệp sau đột quỵ là rất quan trọng giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Thống kê cho thấy có tới 80% bệnh nhân sau đột quỵ chịu những di chứng với tổn thương nặng nề và 30% trong số họ không thể hồi phục. Do đó, người bệnh cần thực hiện phục hồi chức năng, tập luyện bền bỉ, tăng cơ hội phục hồi các di chứng. Đột quỵ là một trong số các bệnh có nhu cầu tập phục hồi chức năng cao. Đây được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ nên phương pháp phục hồi phải đa dạng, đa mô thức, từ thuốc, can thiệp ngoại khoa, can thiệp phục hồi chức năng bằng máy, tay, bài tập và chia ra nhiều giai đoạn. Bệnh nhân đột quỵ cần tiếp cận phục hồi chức năng sớm nhất có thể ngay sau khi điều trị, thời gian lý tưởng nhất là trong 6 tháng đầu sau khi bệnh nhân bị đột quỵ.

Có thể nói hiện nay số người trẻ bị đột quỵ đang tăng lên cao vì họ thường hay coi nhẹ việc bảo vệ sức khỏe, ít chú ý tới thông tin cảnh báo về đột quỵ trước đó. Người trẻ thường đối mặt với áp lực công việc ngày càng cao, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học khiến người trẻ gia tăng nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...

"Những người trẻ thường khá chủ quan, không quan tâm tới các tiền sử về bệnh lý, chính vì thế việc tăng cường tuyên truyền, tăng tầm soát sức khỏe định kỳ hằng năm sẽ giúp giảm 50% nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Người bị đột quỵ nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng "thời gian vàng" vẫn có thể trở lại cuộc sống bình thường. Đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như: tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói "không" với thuốc lá, hạn chế bia rượu… Khi thấy bản thân có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, nôn, yếu chân tay, méo miệng... thì cần đến các cơ sở y tế thăm khám sớm trong thời gian vàng" - bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu khẳng định.

Bài liên quan
Đột quỵ khi thức giấc giữa đêm: Cách nhận biết và xử trí
Đột quỵ khi thức giấc giữa đêm là tình trạng người bệnh xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ ngay sau khi thức dậy vào ban đêm hoặc sáng sớm. Việc không xác định được chính xác thời điểm khởi phát đột quỵ gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đột quỵ gia tăng ở những người trẻ, cần lưu ý thời gian vàng của bệnh nhân