Các chuyên gia cho rằng dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó dữ liệu được xem là một vấn đề cốt lõi.
Theo Gartner, khoảng 90% các chiến lược doanh nghiệp sẽ coi thông tin là tài sản quan trọng của doanh nghiệp vào năm 2022. Hơn nữa, họ cũng xem phân tích dữ liệu là một năng lực thiết yếu.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, trong đó, dữ liệu lớn có vai trò đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng quá trình số hóa hiện nay vẫn còn chưa đạt kỳ vọng, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư và xây dựng nền tảng số.
Tại VIETNAM DATAFEST 2024 vừa diễn ra, ông Hoàng Nguyên Vân, Phó viện trưởng Viện Sáng tạo và chuyển đổi số cho rằng số hóa đang thay đổi nhanh chóng bối cảnh cạnh tranh đối với mọi nền kinh tế và mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo đó, để dẫn đầu và tận dụng tối đa các cơ hội mà công nghệ số mang lại, các doanh nghiệp trên toàn cầu cần xây dựng một tổ chức tinh gọn, nhanh nhẹn, khả năng phân phối dựa trên kỹ thuật số, nền tảng công nghệ thông tin có thể mở rộng và xử lý dữ liệu trên quy mô lớn.
“Trong bối cảnh như vậy, dữ liệu ngày càng trở thành yếu tố hạn chế chính nếu không được thu thập, lưu trữ và xử lý một cách đúng đắn và hiệu quả, dựa trên một kiến trúc dữ liệu có thể đáp ứng các yêu cầu về công nghệ cũng như xử lý dữ liệu để cho ra các báo cáo phân tích nội bộ hỗ trợ ra quyết định và hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp cũng như toàn nền kinh tế”, ông Vân nêu.
Theo ông Vân, các tổ chức đã bắt đầu coi thông tin như một tài sản hiện có lợi thế cạnh tranh so với mọi doanh nghiệp trong ngành của họ. Việc có cái nhìn rộng rãi và hiểu biết về các điểm dữ liệu khác nhau cho phép chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp thấy được giá trị lớn hơn, từ đó mở rộng và nâng cao trải nghiệm của khách hàng với chúng.
Ông Nguyễn Trọng Khánh (Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT-TT) cũng cho rằng dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân.
“Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045”, ông Khánh nêu.
Theo đó, ông Khánh khuyến nghị cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thu thập, xây dựng, phát triển, khai thác, sử dụng và làm giàu dữ liệu. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong kết nối, chia sẻ dữ liệu.
“Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu; chuyển đổi nhận thức từ tra cứu dữ liệu sang chia sẻ, tích hợp, tái sử dụng dữ liệu, từ sở hữu riêng dữ liệu sang chia sẻ dữ liệu sử dụng chung và cùng hưởng các lợi ích mà dữ liệu mang lại”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh rằng thị trường dữ liệu là yếu tố đột phá; từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu; lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực; khai thác, sử dụng dữ liệu phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, trong các nỗ lực của Chính phủ, có thể thấy những chuyển biến cơ bản như đã ban hình Khung Chính phủ điển tử 2.0 hướng đến liên thông dữ liệu ngàng và dọc.
Về mặt chính sách, Bộ TT-TT đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, cùng với việc ra mắt Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn).
Tuy nhiên, câu chuyện dữ liệu vẫn còn nhiều vấn đề còn để ngỏ như: Tiêu chuẩn và quy chuẩn dữ liệu cho việc kết nối, chia sẻ, đặc biệt là với dữ liệu mở; cổng dữ liệu cần có một kiến trúc dữ liệu chuẩn tắc để gia tăng tính kết nối, tổng hợp cho các dịch vụ dữ liệu như phân tích, cung cấp các dịch vụ thông qua hệ thống API, hoặc định nghĩa về trục liên thông dữ liệu khối cơquan nhà nước…
Theo các chuyên gia, trong quá trình phát triển chiến lược dữ liệu của Việt Nam, vai trò dẫn dắt của Chính phủ thông qua các bộ ngành là đặc biệt quan trọng. Một kiến trúc dữ liệu phù hợp ở tầm quốc gia đảm bảm các định hướng như nêu ở trên, và trong đó có tính đến các xu hướng chuyển dịch của các nền tảng kỹ thuật cho các kiến trúc dữ liệu.
Theo đó, mỗi bộ ngành cần có một hệ thống dữ liệu tuân thủ các quy tắc kỹ thuật và dữ liệu để đảm bảo tính liên thông. Ngoài ra, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đóng vai trò quan trọng cung cấp hạ tầng số và hạ tầng Cloud cho việc phát triển đa dạng nhu cầu về dữ liệu và xử lý dữ liệu trên Cloud…