Dù Đài Loan đang chờ chuyển giao 66 chiến đấu cơ F-16 vào cuối năm 2026, thì việc thiếu hụt phi công chiến đấu giỏi khiến khả năng tự vệ của hòn đảo giảm đáng kể nếu xung đột xảy ra.

Đài Loan cần những phi công chiến đấu tinh nhuệ

Bảo Vĩnh | 02/03/2023, 17:18

Dù Đài Loan đang chờ chuyển giao 66 chiến đấu cơ F-16 vào cuối năm 2026, thì việc thiếu hụt phi công chiến đấu giỏi khiến khả năng tự vệ của hòn đảo giảm đáng kể nếu xung đột xảy ra.

taiwan-pilots-f-16-wp.jpg
Phi công Đài Loan kiểm tra chiếc F-16 trước khi cất cánh - Ảnh: Washington Post

Nỗ lực thu hút và đào tạo thêm phi công của Đài Loan đã bị cản trở bởi một loạt các yếu tố, trong đó bao gồm tỷ lệ sinh của hòn đảo suy giảm. Vì thế, chính quyền Đài Loan hồi tháng 12.2022 đã gia hạn quy định nhập ngũ bắt buộc từ 4 tháng lên một năm, theo Washington Post.

“Chiến thuật vùng xám” nhằm làm đối phương kiệt sức

Một trong những nguyên nhân hàng đầu, có khả năng dẫn đến xung đột ở eo biển Đài Loan, là sự va chạm giữa các máy bay quân sự xuất hiện ngày càng thường xuyên gần đây. Các phi công Đài Loan thường lái F-16 để ngăn chặn máy bay chiến đấu từ đại lục.

Các cuộc chạm trán nhằm thăm dò khả năng phòng vệ của hòn đảo, nhưng đồng thời cũng buộc phi công của cả hai bên phải tránh những sai lầm có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng mất kiểm soát.

Cách đây 5 năm, trung tá Hsiao Yi-chiao, một trong số ít phi công chiến đấu giỏi của không quân Đài Loan, nhận lệnh bay chặn một máy bay của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hướng về phía Đài Loan. Hsiao cất cánh trong vòng 6 phút, bám theo 1 chiếc J-16 của PLA.

Bỗng nhiên chiến đấu cơ này bay chậm lại, quay đầu và bắt đầu tăng tốc thẳng vào chiếc F-16 của Hsiao. Trung tá Hsiao cảnh giác vì không biết phi công PLA sẽ làm gì do không thể liên lạc. Nhưng chiếc J-16 lướt qua và hướng về đại lục. Hsiao cho biết: “Tôi phải cảnh giác cao độ, không để xảy ra bất cứ tai nạn nào với hậu quả khôn lường”.

Rủi ro hiện nay thậm chí cao hơn vì Trung Quốc đang điều thêm máy bay phản lực với phi công kinh nghiệm hơn đến gần đảo chính Đài Loan. Nhiều đồng đội của Hsiao cũng thường lâm vào cảnh ngộ có thể xảy ra va chạm với máy bay của PLA, do phi công của hai bên thường bám theo nhau.

Các cuộc xuất kích là một phần trong chuỗi hoạt động tập trận quân sự của Bắc Kinh. Kể từ đầu tháng 8.2022, quân đội Trung Quốc đại lục thường diễn tập gần đảo Đài Loan nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Mới đây vào ngày 1.3, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan nói rằng 19 máy bay quân sự Trung Quốc, trong đó có chiến đấu cơ J-10, đã bay vào góc tây nam của vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), dù gần bờ biển Trung Quốc đại lục hơn Đài Loan. Tuy nhiên, số máy bay trên đã không vượt qua đường trung tuyến nhạy cảm ở eo biển Đài Loan.

Sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu Trung Quốc là một phần chính của việc sử dụng “chiến thuật vùng xám”, tức là các biện pháp o ép nhưng tránh xung đột nhằm đe dọa và khiến đối phương kiệt sức.

“Chiến thuật vùng xám” không chỉ đe dọa mà còn ngăn các phi công tinh nhuệ như Hsiao (37 tuổi, nay là một huấn luyện viên) có thời gian đào tạo thế hệ phi công kế thừa. Trong 2 tháng qua, Hsiao đã phải hoãn công tác huấn luyện hai lần để chờ máy bay PLA ra khỏi không phận thì mới tiếp tục công việc.

Học viên phi công F-16 phải tích lũy ít nhất 250 giờ bay

Để tăng cường khả năng tự vệ, Đài Loan đã quyết định bổ sung chiến đấu cơ hiện đại, trong đó 66 chiếc F-16 của hãng Lockheed Martin (Mỹ) sẽ được giao vào cuối năm 2026. Không quân Đài Loan sẽ có hơn 200 chiến đấu cơ thế hệ thứ tư và đó sẽ là một trong những phi đội lớn nhất tại khu vực.

Tính cơ động của F-16 cho phép dễ dàng phát hiện, truy vết và tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa. Đài Loan sẽ cần khoảng 100 phi công mới để điều khiển số chiến đấu cơ F-16, nhưng từ năm 2011 - 2019, không quân chỉ mới có thêm 26 phi công, theo số liệu của chính quyền Đài Loan.

Chieh Chung, một giáo sư trợ giảng ở Viện Nghiên cứu các Vấn đề quốc tế và Chiến lược thuộc Đại học Đạm Giang (Đài Loan) nói: “Sẽ rất khó bù đắp vào nguồn nhân lực bị thiếu hụt trong 3 năm tới. Số phi công cấp cao của chúng tôi sẽ không đủ và gánh nặng của họ sẽ ngày càng nặng nề”.

Để tuyển thêm phi công, không quân Đài Loan đã hạ các tiêu chuẩn tuyển dụng, bao gồm đo thị lực và số điểm của các bài kiểm tra. Các sĩ quan nhấn mạnh việc hạ tiêu chuẩn sẽ không giảm chất lượng của phi công vì các quy định huấn luyện vẫn được giữ nguyên.

Khóa huấn luyện bay cơ bản trong 16 tháng bắt đầu với 45 học viên, nhưng đến cuối khóa chỉ còn 21 học viên. Các học viên được đào tạo để lái chiến đấu cơ F-16 cũng phải tích lũy ít nhất 250 giờ bay trên các yêu cầu đào tạo cơ bản. Tổng cộng có thể mất tới 5 năm để trở thành một phi công máy bay F-16. 

Học viện không quân Đài Loan cho biết: “Tiêu chuẩn tuyển quân của chúng tôi có thể đã được nới lỏng, nhưng quá trình huấn luyện bay vẫn được giữ nguyên. Chúng tôi làm mọi việc có thể để họ đạt các tiêu chuẩn, từ đó mới có thể có được số phi công cần thiết”.

Các sĩ quan không quân nói họ tin tưởng sẽ có thể bù sự thiếu hụt bằng cách trả tiền thưởng để giữ lại các phi công gần đến tuổi hưu. Lực lượng cũng tuyển dụng các sĩ quan của các binh chủng khác muốn học làm phi công, đồng thời cho phép các phi công đã quen lái các kiểu chiến đấu cơ khác chuyển sang điều khiển loại F-16.

taiwan-pilots-at3-wp.jpg
Phi công Đài Loan trở về căn cứ ở Cao Hùng sau một lần bay tập - Ảnh: Washington Post

Tại căn cứ không quân Chiayi, Hsiao nhớ lại sức mạnh của chiếc F-16 đầu tiên mà ông điều khiển lần đầu tiên hồi 11 năm trước. Lúc đó, lưng ông bị ép sát vào ghế khi tăng tốc lên hơn 320 km/h. “Đó là một cảm giác rất ngầu”, ông nói.

Cao Wei-wen (24 tuổi) vừa hoàn tất khóa huấn luyện cơ bản với không quân Đài Loan. Trong khi ngày càng ít thanh niên Đài Loan muốn đi lính, Cao lại mơ ước trở thành phi công F-16. Lúc nhỏ, Cao thường xem các cuộc triển lãm hàng không tại một căn cứ ở Đài Trung.

Cao hiện đã tốt nghiệp Học viện Không quân Đài Loan và sẽ sớm tham gia khóa huấn luyện phi công nâng cao. Tuy nhiên, gia đình anh ra sức ngăn cản khi tình hình eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng. Trong quá trình huấn luyện suốt một năm qua, Cao cũng cảm nhận được sự nguy hiểm đó.

Cao nói: “Khi tình hình ít nghiêm trọng, chúng tôi nghe radio thông báo tình hình khẩn cấp rằng cứ mỗi 2 tuần lại có một lần xua đuổi máy bay từ đại lục. Khi tình hình tệ hơn, tần suất nghe thông báo là 2 - 3 ngày/lần và điều đó khiến tôi bị sốc”.

Bài liên quan
Nguy cơ va chạm ngoài kiểm soát giữa tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan
Với việc liên tục hoạt động dọc vùng tiếp giáp lãnh hải, tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan hầu như cận kề nhau từng ngày, từ đó có nguy cơ đâm va ngoài ý muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan cần những phi công chiến đấu tinh nhuệ