Việc gì cũng có 2 mặt. Công nghệ dù tiên tiến nhất vẫn có những hạn chế nhất định. VAR chỉ hỗ trợ chứ không làm thay, trọng tài vẫn là người quyết định.

Đừng trách VAR khi tuyển Việt Nam liên tục bị bất lợi, hãy học tuyển futsal

Nguyễn Văn Mỹ | 14/10/2021, 06:55

Việc gì cũng có 2 mặt. Công nghệ dù tiên tiến nhất vẫn có những hạn chế nhất định. VAR chỉ hỗ trợ chứ không làm thay, trọng tài vẫn là người quyết định.

Đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa kết thúc vòng loại thứ 3 với 4 trận toàn thua, đứng chót bảng B và là đội bóng duy nhất của chưa có điểm nào, dù Ban huấn luyện và các cầu thủ đã nỗ lực hết mức. Đáng tiếc nhất là trận thua trước Trung Quốc, đối thủ từng không có nổi cú sút nào trúng đích trước Úc và Nhật Bản.

Trận thua trước Oman càng bộc lộ những gót chân Achilles của tuyển Việt Nam. Không ít người hâm mộ công kích HLV Park Hang Seo, lên án cần thủ vì đó là trận thua tệ nhất. Lần đầu ra biển lớn, gặp toàn sóng dữ, cầu thủ Việt Nam vẫn tự tin khi đối mặt các đội bóng lớn, thậm chí ghi bàn dẫn trước các đội Ả Rập Saudi, Oman. Điều mà trước kia, mơ cũng khó, nói chi thực.

Có người tự an ủi là Việt Nam thua vì xếp hạng thấp nhất trong bảng. Trước vòng loại thứ 3 World Cup, Việt Nam xếp hạng 94, Trung Quốc 76, Oman 82 (bảng B). Lebanon hạng 90, Iraq 70 UAE 71, Syria 79 (bảng A). Việt Nam và Lebanon được xem là đội lót đường, kém nhất trong 2 bảng,

Khi Việt Nam toàn thua; Lebanon đã cầm hòa cả Iraq và UAE, thắng Syria 3 – 2, được 5 điểm, xếp thứ 3/6 đội. Oman chỉ hơn Việt Nam 12 bậc. Thua Ả Rập Saudi (hạng 71) 3 - 1 trong điều kiện 10 chống 11 (Duy Mạnh bị thẻ đỏ) là quá hay nhưng thua Oman cùng tỷ số thì rất tệ. Việt Nam vẫn rất chật vật khi gặp Thái Lan (hạng 113), Malaysia (hạng 154), Indonesia (hạng 173)…

Các bàn thắng của Việt Nam đều là những bàn thắng đẹp, có đẳng cấp châu lục. Ngược lại, các bàn thua đều lãng nhách. Cầu thủ Oman chỉ cao hơn Việt Nam vài cm. Cả chiều cao lẫn thể lực của Oman chưa bằng tuyển Úc nhưng trước hai đối thủ, tuyển Việt Nam đều chơi hiệu quả tỉ lệ nghịch. Nhiều người đổ cho trọng tài, đặc biệt là VAR (Video Assistant Referee) công nghệ hỗ trợ trọng tài bàng video quay chậm.

Việc gì cũng có 2 mặt. Công nghệ dù tiên tiến nhất vẫn có những hạn chế nhất định. VAR chỉ hỗ trợ chứ không làm thay, trọng tài vẫn là người quyết định. Nhưng ít nhất khán giả được xem lại các pha quay chậm để nhận định về hành xử trọng tài. Mỗi trọng tài, dựa vào luật chung, có biên độ xử phạt theo cách riêng mà không phạm luật.

Chính VAR đã giúp trọng tài thay đổi quyết định trước đó trong một số trường. Điều này không thể làm và chưa bao giờ xảy ra, nếu không có VAR. Trong trận đấu Việt Nam – Oman, trọng tài xem lại VAR, săm soi lâu cũng bị lên án. Trọng tài cười với cầu thủ chủ nhà khi nói chuyện cũng bị nghi ngờ.

Dẫn bàn trước, Việt Nam bị Oman lội ngược dòng ghi liền 3 bàn thắng. 4 trận, mỗi trận thua một kiểu. Việt Nam không còn là hiện tượng như Thường Châu 2018. Các đội chiếu trên không còn chủ quan mà nghiên cứu rất kỹ lối chơi của Việt Nam để khắc chế. Cả Trung Quốc và Oman đều khai thác triệt để gót chân Achilles của tuyển Việt Nam. Oman buộc Việt Nam thất bại muối mặt nhưng tâm phục. Nếu may mắn hơn, tỉ số không chỉ là 3 – 1.

Việt Nam cũng mổ băng, nghiên cứu đối thủ nhưng “lực bất tòng tâm” vì khả năng chỉ tới đó. Chiến thắng bằng ý chí, quyết tâm và may mắn thì khó lâu dài. Phải là kỹ thuật, nền tảng thể lực và chiến thuật phù hợp, mới bền vững. Dĩ nhiên, không thể thiếu khát khao chiến thắng và bản lĩnh thi đấu. Khi gặp các đối thủ ngang cơ hoặc thấp hơn, khoảng cách giữa cầu thủ đá chính và dự bị tuyển Việt Nam không lớn. Nhưng gặp đội chiếu trên, khoảng cách này khó lấp đầy.

Khí thế hừng hực Thường Châu 2018 của tuyển Việt Nam đã suy giảm. Những ngôi sao như Quang Hải, Công Phượng… không còn khuynh đảo đối phương như xưa. Thủ môn Bùi Tiến Dũng còn không được gọi lên tuyển. Hàng thủ từng là niềm tự hào giờ sa sút với những bàn thua ngớ ngẩn. So với trước đây, Việt Nam có nhiều tiến bộ nhưng thiên hạ cũng tiến bộ, thậm chí nhiều hơn.

Đáng nói nhất là 2 quả penalty trong trận gặp Oman của 2 hậu vệ cùng kịch bản, gạt tay trúng mặt cầu thủ đối phương. Nếu cố tình, họ đã bị thẻ đỏ. Đó là những phản xạ tiểu xảo, trọng tài khó phát hiện nếu không có VAR quay chậm. Những lỗi này cũng giống như để tay chạm bóng vậy. Tiểu xảo kiểu này và tương tự, khá phổ biến ở các đội bóng câu lạc bộ.

Việt Nam là đội tuyển bị nhiều penalty nhất. Huấn luyện viên trưởng cũng không lý giải chính xác, chỉ đoán là do áp lực hoặc do thói quen ở các câu lạc bộ. Áp lực, đội nào chẳng có. Cầu thủ Việt Nam sở trường rê dắt khéo léo nhưng rất ít bị phạm lỗi penalty. Phải chăng cầu thủ các nước chơi bóng chuyên nghiệp hơn?

“Thất bại là mẹ thành công” nếu biết cách học và sửa sai. Trước mắt, bóng đá Việt Nam cần tiếp cận sớm và làm quen với các tình huống can thiệp của VAR từ giải vô địch quốc gia. Tiếp đến là khắc phục nhưng sai sót trong các bàn thua. Cảm giác mong trận đấu kết thúc sớm khi Việt Nam đang dẫn trước 1 bàn chẳng vui vẻ gì.

Điều bóng đá nam chưa thể, futsal nam đã làm được. Nhà nước và người hâm mô chưa thật sự quan tâm nhưng chỉ mới hơn 10 năm hình thành, futsal Việt Nam đã góp mặt vòng 8 đội mạnh nhất thế giới. Chỉ gục ngã trước Nga (hạng 4 thế giới, đương kim á quân Futsal 2016) với tỉ số sát nút 3 - 2. Trận đấu mà người Nga muốn thời gian trội thật nhanh để bảo toàn tỉ số, Việt Nam ước có thêm vài phút chơi Power Play gỡ hòa.

Futsal nam Việt Nam xếp hạng 39 thế giới, hạng 6 châu Á. Bóng đá nữ Việt Nam đang xếp hạng 35 thế giới, thứ 6 châu Á. Futsal nữ từng hạng 4 châu Á năm 2018. U 23 Việt Nam đương kim á quân Asia, nhưng xem trận đấu giao hữu vừa rồi với Tajikistan thấy rất lo. Khó mà giữ được thành tích, nói chi vượt qua.

Trong thi đấu thể thao, thắng – thua là chuyện bình thường nhưng phải hợp lý và coi được. Việt Nam vẫn còn 6 trận kế tiếp trong đó có 5 trận sân nhà. Lọt tiếp vòng trong là điều không tưởng. Việc ghi điểm bằng các trận hòa hay thắng trong 6 trân còn lại cũng rất khó nhưng không phải quá sức.

Điều quan trọng nhất hiện nay là nhìn lại, biết mình đang ở đâu sửa sai, điều chỉnh và thắp sáng lại tinh thần Thường Châu 2018. Biến trận đấu thất bại thành những bài học đắt giá để ngày mỗi trưởng thành, không ngừng tập luyện và tự tin hơn. Đừng đổ lỗi, chẳng lẽ VAR chỉ làm khó Việt Nam còn các đội khác thì không?

Lên án VAR làm mất nét đẹp bóng đá tự nhiên cũng giống như trách máy bơm làm mất chiếc gàu tát nước vậy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng trách VAR khi tuyển Việt Nam liên tục bị bất lợi, hãy học tuyển futsal