Đơn vị nghiên cứu BMI của tổ chức Fitch Solutions cho biết thời tiết cực đoan do El Nino làm dấy lên lo ngại nguồn cung hạt cà phê robusta tại các nước sản xuất hàng đầu như Việt Nam và Indonesia bị ảnh hưởng, khiến giá cả tăng.
Không chỉ Việt Nam và Indonesia, vụ mùa robusta tại Brazil cũng chịu tác động tiêu cực bởi hạn hán, theo BMI.
Robusta đắng và có hàm lượng axit cao hơn, chứa nhiều caffein hơn arabica cao cấp, đắt tiền.
Với việc nguồn cung bị ảnh hưởng, giá cà phê hòa tan cùng espresso - được pha chế từ robusta - có thể chịu áp lực tăng giá trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung và nhu cầu tăng cao vì người tiêu dùng chuyển sang uống sản phẩm rẻ hơn cà phê pha từ Arabica.
El Nino khiến khu vực trung tâm và phía đông Thái Bình Dương khô nóng hơn bình thường. Giới khoa học dự báo hiện tượng này sẽ đến vào nửa sau năm 2023.
Giữa tháng 5 vừa qua, Đông Nam Á hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục. BMI chỉ ra El Nino có liên quan đến tình trạng lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ cao - hai điều kiện thời tiết làm giảm sản lượng cà phê.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, Việt Nam, Indonesia và Brazil là 3 quốc gia sản xuất robusta nhiều nhất thế giới.
Chuyên gia thị trường nông sản Carlos Mera (ngân hàng Rabobank) dự báo sản lượng cà phê robusta vụ thu hoạch tới giảm 10% xuống còn 11,2 triệu bao.
BMI cho biết vào năm 2016 khi El Nino gây nên tình trạng thiếu nước ở cả Việt Nam lẫn Indonesia, sản lượng toàn cầu giảm gần 10%.
Chủ tịch công ty môi giới hàng hóa Hackett Financial Advisors Shawn Hackett nói với đài CNBC: “Trong năm xảy ra El Nino thì sụt giảm 20% sản lượng robusta không có gì lạ với Việt Nam và Indonesia”.
Nhu cầu robusta tăng
Robusta chiếm 40% sản lượng cà phê toàn cầu, arabica nắm giữ 60% còn lại.
Tuy nhiên áp lực kinh tế toàn cầu đang khiến nhu cầu nghiêng về phía robusta giá rẻ hơn. BMI cho biết giá robusta được hỗ trợ khi đơn vị sản xuất và người tiêu dùng chọn robusta thay arabica đắt đỏ.
Vào cuối tháng 5, giá robusta tăng vọt lên 2.783 USD/tấn - cao nhất trong 15 năm qua. Theo chủ tịch Hackett: “Nhìn chung châu Á chuộng robusta hơn arabica, do đó nhu cầu robusta tăng nhanh hơn nhu cầu arabica”.
Nhưng châu Á không phải khu vực duy nhất ngày càng chuộng robusta. Nhà phân tích Natalia Gandolphi (công ty quản lý rủi ro HedgePoint Global Markets' Intelligence) cho biết: “Mặc dù việc giảm nhập khẩu arabica qua chế biến một phần do nguồn cung ít hơn, nhưng xu hướng chuyển sang robusta cho thấy cà phê rẻ hơn đang được thị trường châu Âu ưa chuộng hơn”.