Ủy ban châu Âu (EC) hôm 9.12 cho biết họ sẽ không thay đổi khuyến nghị đình chỉ 7,5 tỉ euro từ các khoản thanh toán ngân sách của EU đối với Hungary.
Quyết định này được đưa ra sau khi Pháp và Đức thúc ép cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá lại liệu Hungary có đạt được tiến bộ trong cải cách pháp quyền kể từ tháng 11.
Tuy nhiên, trong một tài liệu được công bố hôm 9.12, EC cho biết “không có thay đổi nào trong đánh giá của EC” đối với gần như tất cả các mối quan ngại được nêu trong các phân tích trước đó.
Theo Politico, Ủy viên ngân sách EU Johannes Hahn nói rằng dù một số bước tích cực đã được Hungary thực hiện, song “những điểm yếu và rủi ro” vẫn tồn tại.
EU tiếp tục xuất hiện rạn nứt khi Hungary một lần nữa chọn lối đi riêng, chặn gói viện trợ 18 tỉ euro cho Ukraine. Quyết định phủ quyết gói viện trợ tài chính cho Ukraine được Hungary đưa ra trong cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế và tài chính EU ở Brussels (Bỉ) ngày 6.12. Các chuyên gia suy đoán Budapest có thể dỡ bỏ quyền phủ quyết nếu EU nới lỏng con số 7,5 tỉ euro.
Các quan chức EU hiện có thời hạn đến ngày 19.12 để đưa ra quyết có phê duyệt, sửa đổi, từ chối, thậm chí bỏ qua hoàn toàn các khuyến nghị của EC về việc đóng băng 7,5 tỉ euro của Hungary hay không.
Đáng chú ý, báo Euronews dẫn thông cáo của Hội đồng EU cuối ngày 10.12 xác nhận một đề xuất về các biện pháp mở đường để EU cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ tín dụng trị giá 18 tỉ euro trong năm 2023 đã được thông qua, bất chấp việc Hungary bỏ phiếu phản đối.
Đề xuất này dự kiến sẽ được đệ trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua vào tuần tới. Động thái của Hội đồng EU cho thấy quyết tâm của các thành viên EU chủ chốt nhằm phá vỡ quyền phủ quyết của Hungary với gói viện trợ kể trên.
Được biết Hungary đã duy trì lập trường cứng rắn đối với Ukraine trong suốt cuộc khủng hoảng hiện nay do mối quan hệ khó khăn với Kyiv. Hai nước đã đã bị kéo vào một cuộc tranh cãi kéo dài kể từ cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014, đưa một chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc lên nắm quyền vốn bị Budapest cáo buộc là phân biệt đối xử với người dân tộc Hungary thiểu số.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã nhiều lần nhấn mạnh Budapest duy trì quan điểm ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay, nhưng không sẵn sàng "đặt lợi ích của Ukraine lên trên lợi ích đất nước mình". Giới quan sát cho rằng Hungary đã sử dụng nguyên tắc đồng thuận của EU để ngăn liên minh kịp thời hỗ trợ Ukraine - quốc gia đang gặp khó khăn nghiêm trọng do chiến tranh.