Ngày 23.6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trao cho Ukraine tư cách ứng viên chính thức – một bước đi táo bạo được cả hai bên ca ngợi là “thời khắc lịch sử”.
Mặc dù có thể mất hơn một thập niên để Ukraine gia nhập khối, nhưng quyết định trao tư cách ứng viên là động thái mang tính biểu tượng cho thấy EU sẵn sàng vươn xa về Đông Âu.
Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell phát biểu: “Người dân Ukraine thuộc về đại gia đình EU. Tương lai Ukraine gắn với EU. Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường dài mà chúng ta sẽ cùng nhau bước đi”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng viết trên Twitter: “Tương lai Ukraine gắn với EU. Đây là khoảnh khắc lịch sử có một không hai”.
Bên cạnh Ukraine, Moldova cũng được trao tư cách ứng viên. Các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh hai nước này sẽ phải chuẩn bị nhiều thứ cho quá trình đàm phán trở thành thành viên, và khối có thể phải thay đổi cách thức hoạt động khi vươn xa về Đông Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: “Tôi tin rằng họ (Ukraine và Moldova) sẽ làm việc nhanh và hiệu quả để thực hiện các cải cách cần thiết”.
Đại sứ Ukraine tại EU Chentsov Vsevolod tuyên bố việc EU trao tư cách ứng viên cho Kyiv là tín hiệu gửi đến Moscow, rằng các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây không thuộc phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Quyết định trao tư cách ứng viên cho Ukraine và Moldova hiện làm dấy lên lo ngại về cách EU có thể duy trì sự gắn kết khi tiếp tục mở rộng.
Từ khi bắt đầu hoạt động từ năm 1951 đến nay, EU - hiện có 27 thành viên - đối mặt với không ít thách thức, từ biến đổi khí hậu, Trung Quốc trỗi dậy cho đến cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần qua kêu gọi khối cải cách thủ tục nội bộ để chuẩn bị cho việc đón nhận thêm thành viên mới. Ông cho rằng các vấn đề quan trọng cần được thống nhất thông qua bằng nguyên tắc đa số đủ thay vì nhất trí (nguyên tắc nhất trí thường khiến khối gặp khó vì quốc gia thành viên có thể ngăn chặn hoặc yêu cầu giảm nhẹ).