Hôm 18.11, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã công kích giám đốc điều hành Facebook và Twitter vì những gì họ gọi là kiểm duyệt Tổng thống Trump và các đồng minh của ông trong cuộc bầu cử ở Mỹ khi phe Dân chủ cảnh báo việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Facebook và Twitter ngăn chia sẻ bài bóc mẽ con trai Biden, 2 CEO bị công kích trước Quốc hội

Nhân Hoàng | 18/11/2020, 07:00

Hôm 18.11, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã công kích giám đốc điều hành Facebook và Twitter vì những gì họ gọi là kiểm duyệt Tổng thống Trump và các đồng minh của ông trong cuộc bầu cử ở Mỹ khi phe Dân chủ cảnh báo việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Jack Dorsey (CEO Twitter) và Mark Zuckerberg (CEO Facebook) đã bảo vệ các phương pháp kiểm duyệt nội dung của họ tại một phiên điều trần trực tuyến trước Quốc hội Mỹ sau khi nền tảng tương ứng quyết định chặn các tin bài từ New York Post bóc mẽ con trai Joe Biden là Hunter Biden.

Động thái này đã kích động nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, những người đã liên tục cáo buộc cáo buộc Twitter và Facebook có thành kiến ​​chống bảo thủ.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lindsey Graham hỏi: "Điều tôi muốn thử tìm hiểu là nếu bạn không phải một tờ báo trên Twitter hoặc Facebook thì tại sao bạn lại có quyền kiểm soát biên tập đối với New York Post?".

Lindsey Graham nói không nghĩ rằng các bài báo về Hunter Biden, bị chiến dịch Biden bác bỏ, cần phải được gắn cờ hoặc loại trừ khỏi phân phối.

Trước đó, các thành viên đảng Dân chủ tập trung vào sự lan truyền thông tin sai lệch của Trump và những người ủng hộ ông. Họ đã thúc đẩy Twitter và Facebook hạn chế việc phát tán nội dung sai lệch, gây hiểu lầm trước cuộc bầu cử ở Georgia, nơi hai thượng nghị sĩ đương nhiệm của đảng Cộng hòa, David Perdue và Kelly Loeffler, phải cạnh tranh với các đối thủ đảng Dân chủ được hậu thuẫn tốt. Cuộc tranh cử này có khả năng sẽ xác định đảng nào kiểm soát Thượng viện.

Jack Dorsey và Mark Zuckerberg thừa nhận công ty đã mắc một số sai lầm nhưng vẫn bảo vệ chính sách của họ. Tuy nhiên, các vấn đề lớn hơn với các quyết định kiểm duyệt nội dung của hai mạng xã hội, đặc biệt là xung quanh bài phát biểu bạo lực, trở nên rõ ràng khi Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal thuộc đảng Dân chủ hỏi Zuckerberg liệu có cam kết xóa tài khoản cựu cố vấn của Trump là Steve Bannon sau khi ông này đề nghị chặt đầu hai quan chức cấp cao Mỹ?

Zuckerberg đã từ chối khi nói: “Thượng nghị sĩ, không. Đó không phải là điều mà các chính sách của Facebook đề xuất rằng chúng tôi nên làm trong trường hợp này”.

Reuters đưa tin rằng Zuckerberg tuần trước đã nói với toàn thể nhân viên trong cuộc họp rằng Steve Bannon không vi phạm đủ các chính sách của Facebook để biện minh cho hành động của mình.

faceboook-va-twtter-ngan-chia-chia-bai-boc-me-con-trai-biden-2-ceo-bi-cong-kich-truoc-quoc-hoi.jpg
Jack Dorsey và Mark Zuckerberg tại phiên điều trần trực tuyến trước Quốc hội Mỹ hôm 18.11

Richard Blumenthal cũng lưu ý rằng Google (sở hữu YouTube) đã "vượt qua" phiên điều trần, nói công ty này đã được khen vì "sự rụt rè" trong việc kiểm duyệt nội dung.

Zuckerberg và Dorsey cũng được đặt một số câu hỏi cụ thể về việc liệu họ có đóng vai trò là nhà xuất bản hay không, điều mà hai CEO cho biết họ không phải như vậy.

Băn khoăn trước quyết định của Twitter, Facebook về những gì cần để lại trên nền tảng và những gì cần gỡ bỏ, nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa và Trump đã đe dọa sẽ bỏ các biện pháp bảo vệ cho các công ty internet theo luật liên bang có tên Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp. Hiện luật bảo vệ các công ty internet khỏi bị kiện về việc người dùng đăng tài liệu trên nền tảng của họ.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lindsey Graham cho biết ông hy vọng Mục 230 được thay đổi.

Lindsey Graham nói: “Khi bạn có những công ty sở hữu quyền lực của chính phủ, có sức mạnh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống, thì cái gì đó phải thay đổi”.

Tổng thống đắc cử Biden từng ủng hộ việc bãi bỏ Mục 230. Tuy nhiên, phe Dân chủ ở Quốc hội thích cải cách luật này hơn.

Zuckerberg và Dorsey cho biết cởi mở với một số cải cách với luật.

Tại một phiên điều trần vào tháng 10, Dorsey nói việc làm xói mòn Mục 230 có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách mọi người giao tiếp trực tuyến. Trong khi Zuckerberg ủng hộ việc thay đổi luật nhưng cũng cho biết các nền tảng công nghệ có thể sẽ kiểm duyệt nhiều hơn để tránh rủi ro pháp lý nếu Mục 230 bị bãi bỏ.

 New York Post: Hunter Biden từng giới thiệu doanh nhân Ukraine với cha

Hunter Biden là thành viên hội đồng quản trị của Burisma (công ty khí đốt tự nhiên Ukraine) từ năm 2014 đến 2019 khi cha anh, Joe Biden là người đứng đầu chính sách Ukraine dưới chính quyền Obama.

Ngày 14.10, New York Post công bố email do cố vấn của Burisma - Vadym Pozharskiy viết cho Hunter Biden ngày 17.4.2015 với nội dung: "Hunter thân mến, cảm ơn anh đã mời tôi đến thủ đô Washington và tạo cơ hội cho tôi gặp cha anh và dành một chút thời gian với nhau. Đó là một vinh dự và niềm hân hạnh”.

Email cho thấy Pozharskyi đã gặp Phó tổng thống thời đó Joe Biden, mâu thuẫn với tuyên bố của ông rằng "chưa bao giờ nói chuyện với Hunter Biden về các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của con".

Một năm trước khi gửi email nói trên, Pozharskyi đã yêu cầu Hunter Biden cho "lời khuyên về cách anh có thể sử dụng ảnh hưởng của mình".

Email này nằm trong số những tài liệu do Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống Trump, cung cấp cho New York Post.

Các tài liệu được khôi phục từ laptop bị bỏ lại ở một cửa hàng sửa chữa ở tiểu bang Delaware vào tháng 4.2019, trong đó chứa ảnh và video nhạy cảm, riêng tư của Hunter Biden.

Rudy Giuliani đã thúc đẩy cáo buộc rằng Hunter Biden từng lợi dụng vị trí của cha mình trong công việc và Joe Biden đã cố sa thải tổng công tố viên Ukraina - Viktor Shokin để ngăn ông này điều tra Burisma.

Một luật sư của Hunter Biden nói với New York Post rằng Rudy Giuliani "đã thúc đẩy các thuyết âm mưu nhằm khiến gia đình Biden mất uy tín".

Cuối năm 2015, Joe Biden vận động hành lang để yêu cầu chính quyền Ukraine sa thải Viktor Shokin. Lập trường này được chính quyền Obama, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cùng các nước phương Tây khác ủng hộ vì đánh giá Shokin làm việc thiếu hiệu quả và là trở ngại cho nỗ lực chống tham nhũng.

Trong một cuộc điện đàm, Joe Biden nói với Tổng thống Petro Poroshenko rằng ông sẽ cam kết đảm bảo khoản vay trị giá một tỉ USD cho Ukraine sau khi Viktor Shokin bị sa thải.

Viktor Shokin cuối cùng bị cách chức vào tháng 3.2016. Thời điểm đó, cuộc điều tra của Viktor Shokin về Burisma đã đình trệ trong một thời gian.

Con trai thứ hai của Joe Biden sinh năm 1970, Hunter Biden là luật sư và cố vấn đầu tư gây nhiều tranh cãi khi từng đảm nhiệm chức vụ cấp cao trong các công ty Trung Quốc và Ukraine khi bố làm Phó tổng thống Mỹ.

Hunter Biden dính nhiều scandal về đời tư và tình ái. Tổng thống Trump và một số chính trị gia đảng Cộng hòa coi Hunter Biden như "gót chân Achilles" của Joe Biden.

Trong cuộc điện thoại hồi tháng 7.2019, ông Trump hối thúc tân Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky điều tra Hunter Biden. Thế nhưng, không có bằng chứng cho thấy cha con Joe Biden vi phạm luật ở Ukraine và cả hai đều bác bỏ các cáo buộc.

Cuộc điện thoại với Tổng thống Volodymyr Zelensky khiến Trump bị xem xét bãi nhiệm với cáo buộc lôi kéo sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử Tổng thống Mỹ để giúp ông tái đắc cử. Hồi tháng 2.2020, Thượng viện Mỹ tha bổng cho ông Trump.

Bài liên quan
CEO phải hầu tòa và nhận lỗi, Twitter thôi chặn chia sẻ bài viết bóc mẽ cha con Biden
Twitter hôm 16.10 xác nhận đã đảo ngược quyết định chặn các liên kết đến bài báo New York Post bóc mẽ Hunter Biden, con trai ông Joe Biden dù đã tái khẳng định lệnh cấm vào cuối 15.10.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Facebook và Twitter ngăn chia sẻ bài bóc mẽ con trai Biden, 2 CEO bị công kích trước Quốc hội