Một tên lửa Vega của Arianespace đã gặp sự cố ngay sau khi phóng vào hôm 16.11, dẫn đến việc Tây Ban Nha và Pháp bị mất vệ tinh.
Tên lửa đẩy bốn tầng Vega của Công ty Arianespace cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Guiana ở Kourou, Guiana, vùng lãnh thổ thuộc Pháp lúc 20 giờ 52 (giờ địa phương) và dường như hoạt động ổn định trong giai đoạn đầu của sứ mệnh. Tuy nhiên, tên lửa đã gặp sự cố 8 phút sau khi phóng.
“Giờ đây, chúng tôi có thể xác nhận rằng sứ mệnh đã bị thất lạc”, Giám đốc điều hành Arianespace, Stéphane Israël, cho biết trong một buổi họp báo.
Theo Arianespace, ngay sau khi Vega kích hoạt tầng 4 được gọi là Avum, tên lửa đã đi chệch quỹ đạo tính toán. “Tám phút sau khi cất cánh và ngay sau khi động cơ tầng thứ 4 của Vega được kích hoạt, chúng tôi đã quan sát thấy tên lửa đi chệch quỹ đạo”, Israël nói.
Các kỹ sư của Arianespace đang làm việc để xác định nguyên nhân dẫn đến việc mất phương tiện phóng Vega cùng hai trọng tải là vệ tinh quan sát Trái đất của Tây Ban Nha có tên SEOSAT-Ingenio và vệ tinh TARANIS của Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Pháp (CNES).
Sự cố hôm 16.11 là lần thất bại thứ hai của tên lửa Vega trong vòng hai năm qua. Vào tháng 7.2019, một tên lửa Vega đã bị hỏng trong quá trình phóng vệ tinh quan sát Trái đất FalconEye1 cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nguyên nhân được xác định là do sự cố kết cấu nhiệt ở động cơ Z23 cung cấp năng lượng cho tầng 2 của tên lửa.
Tên lửa Vega đã thực hiện một chuyến bay khác vào ngày 2.9 năm nay, mang theo 53 vệ tinh của 21 đối tác khác nhau từ 13 quốc gia lên quỹ đạo. Nhiệm vụ đó đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, điều tương tự đã không xảy ra trong nhiệm vụ lần này của Vega.
Israël nói: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất tới khách hàng của mình vì sứ mệnh này. Một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ phóng thất bại đang được tiến hành”.
Vụ phóng tên lửa Vega vào ngày 2.9, mang theo 53 vệ tinh của 21 đối tác khác nhau - Video: Arianespace
SEOSAT-Ingenio là vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Tây Ban Nha cho một chương trình của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) để nghiên cứu hành tinh của chúng ta. Vệ tinh trang bị camera kép độ phân giải cao cho phép quan sát bất kỳ điểm nào trên Trái đất trong ba ngày.
Vệ tinh TARANIS là một vệ tinh khoa học được thiết kế để quan sát các hiện tượng điện cực sáng trong tầng khí quyển của Trái đất. Vệ tinh này được kỳ vọng sẽ nghiên cứu các tia sét dị hình (hay còn gọi là sét thượng tầng khí quyển), sét dị hình xanh, sét dị hình Elves cũng như các chớp gamma trong khoảng thời gian 4 năm.
Tên lửa Vega của Arianespace cao gần 30 mét và gồm bốn tầng, trong đó ba tầng đầu tiên hoạt động bằng cách đốt nhiên liệu cứng. Tầng thứ tư và là tầng cuối lại sử dụng nhiên liệu phản lực lỏng, giúp tàu vũ trụ có thể khởi động nhiều lần để đưa nó lên đúng với quỹ đạo.
Vega được thiết kế để vận chuyển các vệ tinh vừa và nhẹ, có thể mang trọng tải lên tới 1.500 kg. Trước khi gặp sự cố đầu tiên với FalconEye1, thiết bị đã thực hiện 14 vụ phóng thành công liên tiếp kể từ khi ra mắt vào tháng 2.2012.
Arianespace và ESA đang phát triển phiên bản nâng cấp của Vega, gọi là Vega C, được thiết kế để mang tải trọng lên tới 2.300 kg, nhiều hơn 60% so với mẫu hiện tại.