Chất thải rắn sinh hoạt tác động rất rõ đến môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng và kinh tế - xã hội.
Mầm mống bệnh tật
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hình ảnh về các bãi rác lộ thiên gây mất mỹ quan tại các đô thị, khu dân cư, khu vực công cộng; ô nhiễm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm do nước rỉ rác với nhiều thành phần kim loại nặng và chất nguy hại… không xử lý đạt yêu cầu theo quy định.
Ngoài ra, chất thải rắn sinh hoạt bị đổ xuống mạng lưới thoát nước gây tắc nghẽn, các chất thải lắng xuống đáy làm tăng khối lượng trầm tích phải nạo vét hàng năm; khí nhà kính, khí gây ô nhiễm môi trường hoặc mùi khó chịu phát sinh từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm dư thừa, xác động thực vật…) trong chất thải rắn sinh hoạt.
Các loại vi khuẩn, mầm bệnh trong đất, nước, không khí bị ô nhiễm gây ra những bệnh liên quan đế hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, bệnh về da liễu... Quá trình đốt chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bụi, hơi nước và khí thải (CO, axit, kim loại, dioxin/furan). Nếu không có biện pháp kiểm soát đúng quy định, những chất ô nhiễm này có thể góp phần gây nên các bệnh về hen suyễn, tim, làm tổn hại đến hệ thần kinh và đặc biệt là dioxin/furan có khả năng gây ung thư rất cao.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường đặc biệt nhấn mạnh: “Thiệt hại về kinh tế do không quản lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt không chỉ bao gồm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, mà còn bao gồm chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, thiệt hại đến một số ngành như du lịch, thủy sản... Bên cạnh đó là các hệ lụy về xung đột, bất ổn xã hội, đặc biệt tại các khu vực xung quanh cơ sở xử lý chất thải rắn".
Chưa có tiêu chí chọn công nghệ xử lý phù hợp
Theo Báo cáo, hiện nay, khoảng 71% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom trên cả nước được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã.
Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt không hiệu quả cũng dẫn đến nhiều tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, hiện TP.HCM phải chi ngân sách mỗi năm từ 900 - 1.200 tỉ đồng cho công tác quét dọn vệ sinh đường phố và thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; 1.100 - 1.200 tỉ đồng cho hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu là chôn lấp (69% khối lượng), phần còn lại được chế biến compost (20%) và đốt không thu hồi năng lượng (11%).
Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: “Các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu và chưa đồng bộ; còn thiếu mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả, minh bạch và phù hợp với thực tiễn…”
Đặc biệt, về công nghệ xử lý, báo cáo cho thấy hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhập khẩu không phù hợp với đặc thù chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam (chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm của không khí cao…). Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng.
Trong khi đó, Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ rõ ràng, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp. Hoạt động tái chế chất thải còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.