Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray ngày 28.10 lên tiếng kêu gọi doanh nghiệp Mỹ tăng cường hợp tác với cơ quan này để chống lại nỗ lực đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ qua nhiều cách thức của Trung Quốc.
Phát biểu trong sự kiện trực tuyến Câu lạc bộ kinh tế New York, giám đốc Wray khuyến khích các doanh nghiệp thành viên câu lạc bộ thiết lập quan hệ với văn phòng địa phương của FBI.
“Chúng ta đã nhìn thấy hoạt động tấn công mạng đào bới dữ liệu xảy ra thường xuyên, chúng tôi ghi nhận cùng một kẻ thù thường tiếp cận một người bất kỳ trong công ty nào đó, nhắm đến thông tin độc quyền và nhạy cảm. Hoặc kẻ thù cũng có thể lấy thông tin thông qua một công ty do nước ngoài kiểm soát cố gắng thực hiện giao dịch đại loại như liên doanh hay hình thức khác”, theo giám đốc Wray.
Ông nêu đích danh mối đe dọa: “Mối đe dọa chủ yếu đến từ chính quyền Trung Quốc hoặc công ty chịu ảnh hưởng từ chính quyền Trung Quốc. Không công ty Mỹ được trang bị đầy đủ để đối phó nỗ lực đa cách thức như vậy, do đó chúng ta cần làm việc cùng nhau”.
Giám đốc Wray nhiều lần đưa ra cảnh báo về hoạt động gián điệp Trung Quốc kể từ lúc ông nắm giữ vị trí người đứng đầu FBI cho đến nay. Đặc biệt vào năm 2018, quan chức này nói trước Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ rằng Trung Quốc đem lại mối đe dọa an ninh còn lớn hơn Nga.
Trước lúc giám đốc Wray phát biểu tại sự kiện trực tuyến Câu lạc bộ kinh tế New York, phiên tòa xét xử đối tượng Xu Yanjun được xác định là nhân vật cao cấp của cơ quan tình báo Trung Quốc đã bắt đầu. Phía công tố viên Mỹ cáo buộc Xu cùng nhiều gián điệp và tổ chức khác tìm cách lấy cắp bí mật thương mại của các công ty hàng không - vũ trụ Mỹ và châu Âu. Một nhân viên công ty Safran từng bị cài mã độc vào máy tính xách tay khi nhiều lần sang Trung Quốc công tác (Safran liên doanh với một đối tác Trung Quốc lắp ráp động cơ máy bay). Ngoài Safran, Xu cùng đồng bọn còn tiếp cận một kỹ sư của GE Aviation.
Ngoài doanh nghiệp, giám đốc Wray còn nhấn mạnh giới học giả và nhà nghiên cứu cũng nằm trong tầm ngắm.
Theo ông: “Trung Quốc sử dụng tình báo để theo đuổi tài sản sở hữu trí tuệ do tư nhân hay tổ chức học thuật nắm giữ. Không những vậy họ còn dùng đến cá nhân phi truyền thống – doanh nhân, nhà nghiên cứu, học viên cao học, nhà khoa học, công ty tư nhân bề ngoài”.