Giới chức Sri Lanka ngày 24.10 thông báo cấm một tàu chở phân bón hữu cơ Trung Quốc dỡ hàng vì đội ngũ chuyên gia phát hiện phân bón mang vi khuẩn có hại.
Đích thân Cơ quan Kiểm dịch thực vật quốc gia Sri Lanka lấy mẫu từ hàng trên tàu. Họ xác nhận trong phân bón tồn tại nhiều sinh vật gồm cả một số loại vi khuẩn gây hại.
Một tòa án thương mại cấp cao đã ra phán quyết không thanh toán tiền cho 96.000 tấn phân bón do tập đoàn công nghệ sinh học Seawin (Thanh Đảo) cung cấp. Giới chức Sri Lanka tháng trước tuyên bố đình chỉ thương vụ trị giá 42 triệu USD này, nhưng hàng vẫn được vận chuyển đến Colombo. Hiện không rõ vị trí chính xác của tàu.
Phía đơn vị quản lý các hải cảng tại Sri Lanak vừa nhận lệnh từ Bộ Nông nghiệp, yêu cầu không cho bốc dỡ bất cứ lô hàng nào trong số phân bón nêu trên, đồng thời từ chối nhận tàu hàng.
Thương vụ đặt mua 96.000 tấn phân bón từ Seawin thuộc nỗ lực trở thành quốc gia sở hữu nền nông nghiệp hữu cơ 100% đầu tiên trên thế giới. Nhiều chất dinh dưỡng dùng cho thực vật nguồn gốc hữu cơ xuất xứ Trung Quốc đang dần thay thế chất hóa học trong vụ canh tác lúa chính bắt đầu từ ngày 15.10.
Nông dân Sri Lanka phản đối lệnh cấm chất hóa học do chính phủ ban hành vào tháng 5, họ lo ngại năng suất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu loại bỏ chất hóa học nông nghiệp. Chính phủ nước này phải nhượng bộ bằng cách bỏ lệnh cấm tạo điều kiện nhập 30.000 tấn phân bón clorua kali cùng khoảng 3 triệu lít chất dinh dưỡng dùng cho thực vật nguồn gốc nitơ từ Ấn Độ.
Sri Lanka lâm vào khủng hoảng lương thực nghiêm trọng từ cuối tháng 8 do các ngân hàng tư nhân cạn nguồn ngoại tệ chi trả cho hoạt động nhập khẩu. Lệnh cấm nhập khẩu xe và một số mặt hàng khác (dầu ăn, nghệ,…) để tiết kiệm ngoại tệ cũng chẳng thể giúp cải thiện tình hình.