Hôm 27.11, Foxconn dự đoán tác động của các thuế quan mới từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng ít hơn đến công ty Đài Loan này so với các đối thủ, nhờ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của họ.
Thế giới số

Foxconn: ‘Sự hiện diện toàn cầu sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi thuế quan từ ông Trump’

Sơn Vân 27/11/2024 22:48

Hôm 27.11, Foxconn dự đoán tác động của các thuế quan mới từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng ít hơn đến công ty Đài Loan này so với các đối thủ, nhờ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của họ.

Foxconn là hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng số 1 thế giới và đối tác lắp rắp iPhone chính cho Apple.

Ông Young Liu, Chủ tịch Foxconn, nói với các phóng viên sau một diễn đàn tại Đài Loan rằng tác động chính từ bất kỳ thuế quan mới nào sẽ rơi vào các khách hàng của họ, bởi mô hình kinh doanh của Foxconn dựa trên sản xuất theo hợp đồng.

"Khách hàng có thể quyết định thay đổi địa điểm sản xuất, nhưng khi nhìn vào mạng lưới toàn cầu của Foxconn, chúng tôi đã đi trước một bước. Thế nên tác động lên chúng tôi có khả năng nhỏ hơn so với các đối thủ cạnh tranh", ông nói.

Hôm 25.11, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rằng vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ áp đặt mức thuế 25% với tất cả sản phẩm từ Mexico và Canada, đồng thời áp thuế thêm 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Foxconn có các cơ sở sản xuất lớn tại Trung Quốc, gồm cả nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam). Tuy nhiên, công ty đã gia tăng đầu tư vào các quốc gia khác như Mỹ, Mexico và Việt Nam như một phần của nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tại Mexico, Foxconn đang xây dựng một nhà máy lớn để sản xuất máy chủ AI GB200 của Nvidia.

Young Liu nói Foxconn sẽ chỉ có thể chia sẻ thêm thông tin chi tiết về kế hoạch của công ty tại Mỹ sau ngày 20.1.2025, khi Trump nhậm chức và các chính sách cùng thay đổi thuế quan của ông trở nên rõ ràng hơn. "Sau đó, chúng tôi sẽ có chiến lược phù hợp", ông nói.

"Những gì bạn đang thấy bây giờ là cuộc chơi giữa các quốc gia, chưa phải giữa các công ty. Dù đó là mức thuế 25% hay thêm 10%, kết quả vẫn chưa chắc chắn khi các bên tiếp tục đàm phán. Chúng tôi luôn thích nghi và tinh chỉnh chiến lược toàn cầu của mình", Chủ tịch Foxconn cho hay.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ 2017 - 2021 của ông Trump, Foxconn từng công bố khoản đầu tư 10 tỉ USD vào bang Wisconsin, nhưng sau đó phần lớn bị bỏ dở. Hôm 26.11, Foxconn cho biết một công ty con của họ đã chi 33 triệu USD để mua đất và nhà máy tại quận Harris, bang Texas, Mỹ.

Theo Young Liu, Foxconn sẽ tiếp tục đầu tư vào Mexico vì tin rằng xu hướng đang chuyển sang sản xuất theo khu vực. Với hơn 100 triệu dân và sự gần gũi với thị trường Nam Mỹ, Mexico mang lại một cơ hội đáng kể, ông nhận xét.

foxconn-su-hien-dien-toan-cau-se-bao-ve-chung-toi-khoi-thue-quan-tu-ong-trump-1.jpg
Ông Young Liu dự đoán tác động của thuế quan mới từ ông Trump sẽ ảnh hưởng ít hơn đến Foxconn so với các đối thủ, nhờ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của họ - Ảnh: Reuters

Canada, Mexico, Trung Quốc phản ứng về cảnh báo áp mức thuế mới của ông Trump

Quan chức tại Trung Quốc, Mexico và Canada chỉ trích ông Trump về lời cảnh báo áp đặt mức thuế mới lên ba nước này ngay ngày đầu nhậm chức.

Ngày 26.11, ông Trump tuyên bố động thái này nhằm ngăn chặn ma túy, đặc biệt là fentanyl, và người di cư nhập cư trái phép vào Mỹ.

“Cả Mexico và Canada đều có quyền và sức mạnh tuyệt đối để dễ dàng giải quyết vấn đề dai dẳng này. Đã đến lúc họ phải trả giá đắt!”, Tổng thống Mỹ đắc cử viết trên mạng xã hội Truth Social. Trong bài đăng khác, ông Trump cáo buộc Trung Quốc không ngăn chặn buôn lậu fentanyl vào Mỹ.

Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết: “Không ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay thuế quan và ý kiến nói rằng Trung Quốc cố ý để tiền chất fentanyl tràn vào Mỹ hoàn toàn trái ngược với thực tế”.

Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định rằng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia về cơ bản là có lợi cho cả hai bên. Tuyên bố nhấn mạnh những nỗ lực của Trung Quốc trong việc chống nạn buôn bán ma túy, thông qua thỏa thuận hợp tác giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden vào năm ngoái.

Bộ Tài chính Mexico tuyên bố thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), hiệp định thương mại do ông Trump bảo trợ trong nhiệm kỳ đầu tiên, có lợi cho các nhà đầu tư.

Tổng thống Mexico - Claudia Sheinbaum viết trong bức thư gửi ông Trump: “Phản ứng với biện pháp thuế quan sẽ là một biện pháp thuế quan khác và điều này có thể đẩy các công ty của chúng ta vào rủi ro”.

Bà Claudia Sheinbaum tuyên bố nếu Mỹ áp thuế 25% với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Mexico, Mexico sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ ở mức tương ứng và hành động này sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp của 2 quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ.

Tổng thống Mexico xem ý định của ông Trump là không thể chấp nhận được vì sẽ khiến nền kinh tế hai quốc gia rơi vào vòng xoáy suy thoái, đồng thời đẩy tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao.

Trong thư gửi ông Trump, bà Claudia Sheinbaum cũng sẽ nêu rõ sức mạnh của USMCA sẽ được củng cố khi các thành viên cùng duy trì mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, đồng thời nhấn mạnh đối thoại trên tinh thần hiểu biết và hài hòa sẽ là cách tốt nhất để giải quyết các bất đồng. Tổng thống Mexico bày tỏ hy vọng các nhóm chuyên viên của Mexico và Mỹ sẽ sớm nhóm họp để cùng đưa ra các giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, ông Doug Ford, Thủ hiến Ontario (tỉnh đông dân nhất của Canada), nhận định rằng các mức thuế sẽ gây thiệt hại cho người lao động và việc làm ở cả Mỹ lẫn Canada.

Trong ngày 27.11, Thủ tướng Canada - Justin Trudeau triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo các địa phương để tìm kiếm các giải pháp nhằm ứng phó. Trước đó, Justin Trudeau đã trao đổi với Trump ngay sau khi ông tuyên bố về việc áp thuế. “Chúng tôi đã nói về mối liên hệ chặt chẽ và hiệu quả giữa các quốc gia, vốn có qua lại. Chúng tôi đã nói về một số thách thức mà chúng tôi có thể cùng nhau giải quyết”, Thủ tướng Canada cho hay.

Phó Thủ tướng Canada - Chrystia Freeland nói: “Sự thật là chúng tôi cần họ và họ cũng cần chúng tôi. Canada là thị trường lớn nhất của Mỹ trên thế giới, lớn hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Pháp cộng lại. Những thứ chúng tôi xuất khẩu cũng là những thứ họ thực sự cần”.

Thuế quan thực chất là một khoản thuế do một quốc gia áp đặt lên hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ nước khác. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dầu mỏ là mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Canada, còn Mỹ nhập nhiều nhất từ Mexico là ô tô và linh kiện. Một số mặt hàng được miễn thuế theo thỏa thuận USMCA. Mỹ cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng điện tử từ Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã sử dụng các cảnh báo thương mại như chiến thuật đàm phán. Ông Trump đã áp đặt thuế cao với số lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỉ USD, hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại mới, nhưng kế hoạch này thất bại do đại dịch COVID-19 năm 2020.

Hiện không rõ liệu ông Trump có thực hiện lời hứa về thuế quan mới hay không.

Hứa áp đặt thuế quan cao lên các đối tác thương mại của Mỹ là một phần cốt lõi trong chương trình kinh tế của ông Trump ở chiến dịch tranh cử. Ông cho rằng điều này sẽ bảo vệ việc làm trong nước, tăng doanh thu thuế và thúc đẩy phục hưng ngành sản xuất ở Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan cao sẽ làm tăng lạm phát và dẫn đến lãi suất cao hơn.

Thuế quan do các công ty nhập khẩu chi trả, không phải quốc gia xuất khẩu. Các nhà nhập khẩu thường chuyển chi phí này sang người tiêu dùng thông qua tăng giá sản phẩm, làm cho hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn.

Bill Penzey, chủ sở hữu của nhà bán lẻ Penzeys Spices, bình luận: “Ông Trump được bầu để giảm giá thực phẩm. Song việc tăng thuế cùng các cuộc trục xuất sẽ đẩy giá thực phẩm lên cao”.

Tổng thống đắc cử Mỹ còn tuyên bố sau khi nhậm chức, sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng quân đội để trục xuất người nhập cư trái phép.

Bài liên quan
Foxconn hợp tác với Nvidia xây dựng nhà máy AI sử dụng cho cả ô tô điện tự lái
Foxconn (Đài Loan) sẽ xây dựng các nhà máy dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng chip và phần mềm Nvidia (Mỹ) để sử dụng trong các sản phẩm gồm cả ô tô tự lái, hai công ty cho biết hôm 18.10.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
26 phút trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Foxconn: ‘Sự hiện diện toàn cầu sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi thuế quan từ ông Trump’