Việc phòng chống lây lan dịch trở thành ưu tiên hàng đầu trong kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Gần 70.000 thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực tổ chức tại 7 tỉnh thành

Tú Viên | 27/03/2021, 16:15

Việc phòng chống lây lan dịch trở thành ưu tiên hàng đầu trong kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Ngày mai 28.3, gần 70.000 thí sinh các tỉnh phía nam sẽ chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Kỳ thi này được tổ chức tại 21 cụm thi, 65 điểm thi ở 7 tỉnh thành: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Đắk Lắk.

Trong đó, TP.HCM là địa phương có nhiều thí sinh nhất với hơn 50.600 người, 14 cụm thi với gần 1.500 phòng thi và hơn 3.800 cán bộ coi thi; TP.Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột là hai địa điểm thi mới trong lần tổ chức thứ 4 này.

Ngoài đợt thi ngày 28.3, thí sinh còn có thể dự kỳ thi đánh giá năng lực khác, dự kiến vào ngày 4.7. Sở dĩ kỳ thi này rất quan trọng và được dư luận chú ý bởi hiện có khoảng 70 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.

Theo lịch, thí sinh chỉ làm bài trong 1 buổi sáng với thời gian 150 phút. Đề thi gồm 120 câu trắc nghiệm về ngôn ngữ, toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Dự kiến trong đề thi, thí sinh sẽ được cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.

Một điểm đáng chú ý của kỳ thi lần này là ngay trước khi diễn ra, TP.HCM đã phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chấm dứt nhiều tuần không có ca nhiễm và phải tiến hành cách ly một số địa điểm. Do vậy, việc phòng chống lây lan dịch trong kỳ thi trở thành ưu tiên hàng đầu.

Ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết trường đã có hướng dẫn các quy định cụ thể khi tham gia kỳ thi này, đặc biệt là những công việc nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, thí sinh không được dự thi nếu thuộc diện F0, F1, F2 (tính đến ngày thi); đang sống hoặc đã đến vùng dịch trong vòng 14 ngày, đến từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội.

Ngoài ra, quy định cũng áp dụng với các thí sinh đến từ địa phương khác thuộc nhóm cần được giám sát y tế tại nhà theo thông báo của cơ quan y tế, hoặc đang bị sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng khác liên quan đến COVID-19.

Các thí sinh và cán bộ coi thi phải thực hiện khai báo y tế trước khi vào phòng thi, được đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang. Các thí sinh cần chủ động báo cáo nếu có những biểu hiện sốt, ho, khó thở. Với những thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng khác liên quan đến COVID-19 trong thời gian thi sẽ không tiếp tục làm bài và được cán bộ y tế đưa đến khu vực riêng để theo dõi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 70.000 thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực tổ chức tại 7 tỉnh thành